Thanh niên Tam Xuân 2 làm kinh tế trên đất quê

HỒ QUÂN 07/04/2021 14:10

(QNO) – Tận dụng điều kiện sẵn có của địa phương, những năm qua, nhiều thanh niên xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) đã đầu tư hình thành các mô hình kinh tế nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao.

Mô hình làm nấm bào ngư của anh Nguyễn Đăng Thịnh (bên phải) cho thu nhập 7 triệu đồng/1 tháng. Ảnh: H.Q
Mô hình làm nấm bào ngư của anh Nguyễn Đăng Thịnh (bên phải) cho thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Ảnh: H.Q

Làm nấm bào ngư

Thấy điều kiện địa phương phù hợp để làm nấm bào ngư, anh Nguyễn Đăng Thịnh (thôn Vĩnh An Nam) đã tìm tòi nghiên cứu, tham quan học hỏi kinh nghiệm từ nhiều trang trại trồng nấm trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2019, anh đầu tư hơn 80 triệu đồng để dựng trại nấm quy mô 5.000 phôi, trang bị nhà lưới, tưới tự động.

Theo anh Thịnh, để duy trì nhiệt độ dao động khoảng 24-28oC cho nấm phát triển thuận lợi, anh dựng trại nấm cao hơn 4m để tạo không gian thoáng mát, điều hòa nhiệt độ. Còn vào mùa mưa, hệ thống sưởi sẽ điều chỉnh để nhiệt độ trong trại, đảm bảo cho nấm phát triển tốt.

“Tuy nắm vững công nghệ tạo phôi nhưng do thiếu một số trang thiết bị nên tôi chưa thể thực hiện khâu này tại trại. Tôi đã liên kết với một đơn vị cung cấp giống và yêu cầu họ làm đúng theo quy trình mình đặt ra. Cụ thể, mùn cưa sau khi xay, làm sạch và vào bao bì khoảng 1,3kg sẽ phải thanh trùng từ 8-12 tiếng trong điều kiện nhiệt độ khoảng 90-105oC. Sau đó, mùn cưa được làm nguội rồi mới cấy giống nấm. Hoàn thành quy trình này, tôi sẽ kiểm tra kĩ lưỡng trước khi nhập về trại. Giá 1 phôi như vậy khoảng 6.000 đồng” – anh Thịnh nói.

Cũng theo anh Thịnh, phôi nấm khi nhập trại phải trải qua quá trình ủ tơ trong vòng 2 – 2,5 tháng. Sau đó, từng phôi sẽ được vệ sinh phần nút, cổ và nhét bông. Đây là khâu rất quan trọng, từng bước xử lý phải đúng kỹ thuật, tránh phát sinh các loại nấm mốc gây hại.

Đậy nắp phôi trong vòng 5-7 ngày, sau đó cho mở nắp 4-5 ngày là bắt đầu thu hoạch nấm. Trung bình mỗi đợt, anh Thịnh thu khoảng 200kg nấm bào ngư. Thu hoạch xong, các phôi sẽ được vệ sinh trở lại và tiếp tục quy trình cho ra đợt nấm kế tiếp.

“Một lứa phôi có thể thu hoạch 6-8 đợt nếu làm đúng quy trình. Sau chi phí, trung bình tôi thu lãi tầm 7 triệu đồng/tháng  trong khoảng 2 đợt thu hoạch. Với đầu ra và giá thành nấm bào ngư đang ổn định, tôi dự định đầu tư thêm 1 trại, quy mô từ 8.000-10.000 phôi trong thời gian đến” – anh Thịnh cho biết.

Phát triển du lịch sinh thái

Tận dụng nguồn nước kênh Phú Ninh chảy qua địa bàn thôn, năm 2011 anh Nguyễn Văn Quang (thôn Bích Ngô) thuê lại mảnh ruộng rộng khoảng 500mmà người dân địa phương sản xuất không hiệu quả để đầu tư làm ao nuôi cá. Tiếp đó, anh Quang làm 7 mái chòi bằng tre trên bờ ao để du khách trải nghiệm các hoạt động câu cá, ăn uống, vui chơi. Bước đầu, mô hình đem lại hiệu quả cao, giúp anh Quang có nguồn thu ổn định.

Hoạt động trải nghiệm câu cá, ăn uống của trang trại anh Nguyễn Văn Quang thu hút đông đảo du khách vào những ngày cuối tuần. Ảnh: H.Q
Hoạt động trải nghiệm câu cá, ăn uống của anh Nguyễn Văn Quang thu hút đông đảo du khách vào những ngày cuối tuần. Ảnh: H.Q

Để phát triển mô hình, năm 2015 anh Quang thuê thêm đất, mở rộng ao lên khoảng 3.000m2 và thả thêm nhiều loại cá chim, chép, diêu hồng,... Thay vì làm chòi tre, mái lá, anh đầu tư xây dựng chòi bằng bê tông ngay trên bề mặt ao cá; có cầu, lối đi an toàn; trồng nhiều loại cây xanh... để du khách vui chơi, chụp hình lưu niệm.

“Khi đầu tư và xây dựng mô hình, tôi được chính quyền địa phương tạo cơ chế thuận lợi để thuê đất dài hạn. Nhờ đó, trang trại từng bước mở rộng và có thêm không gian để tôi từng bước tạo ra nhiều loại hình trải nghiệm mới” – anh Quang cho biết.

Hiện tại, loại hình trải nghiệm câu cá, thưởng thức các món ăn dân dã được chế biến từ nông sản địa phương thu hút du khách, thực khách nhiều nơi tìm đến trang trại của anh Quang, nhất là vào những ngày cuối tuần. Trung bình sau chi phí, mỗi tháng anh Quang thu lãi hơn 15 triệu đồng.

Anh Nguyễn Đức Hưng – Bí thư Đoàn xã Tam Xuân 2 cho biết, bên cạnh 2 mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Đăng Thịnh và làm du lịch sinh thái của anh Nguyễn Văn Quang thì trên địa bàn xã còn có 5 gương thanh niên khác cũng đang khởi nghiệp, làm kinh tế từ việc phát huy thế mạnh của địa phương. Đáng nói là các mô hình kinh tế từ trang trại, nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, hiệu quả kinh tế rất cao.

Cùng với việc động viên khuyến khích và quảng bá cho các mô hình kinh tế, thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã Tam Xuân 2 cũng đề nghị UBND xã tạo cơ chế thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, làm kinh tế có thể tiếp cận các chương trình vốn vay ưu đãi, thuê đất dài hạn...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh niên Tam Xuân 2 làm kinh tế trên đất quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO