Cuộc đua tìm kiếm vắc xin ngừa Covid-19

NAM VIỆT 29/02/2020 08:50

Các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua để tìm ra vắc xin phòng ngừa bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) khiến gần 3.000 tử vong và 80.000 lây nhiễm đến nay, chủ yếu tại Trung Quốc.

Tại một phòng nghiên cứu về vắc xin chống Covid-19 tại Pháp. Ảnh: Reuters
Tại một phòng nghiên cứu về vắc xin chống Covid-19 tại Pháp. Ảnh: Reuters

Mười bảy năm sau khi Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) bùng phát khiến gần 800 người tử vong và 7 năm kể từ trường hợp Hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) khiến 900 người tử vong, hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa vi rút corona gây chết người này.

Một cuộc thử nghiệm đầu tiên trên người về vắc xin phòng Sars được tiến hành tại Bắc Kinh vào tháng 12.2004. Song vào thời điểm đó, dịch bệnh này kết thúc và để ưu tiên cho nghiên cứu các bệnh khác, thử nghiệm vắc xin Sars vì thế được hoãn lại.

Cùng với Sars và Mers, Covid-19 xuất phát từ những chủng vi rút corona nguy hiểm chết người. Bùng phát từ cuối năm ngoái, Covid-19 có tâm dịch từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đến nay xuất hiện tại khoảng 40 quốc gia, vùng và lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm, điều quan trọng vẫn là thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm, phát triển thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh. Nhưng trước khi được sản xuất và sử dụng đại trà, vắc xin cần có thời gian để trải qua các thử nghiệm trên động vật cũng như ở người để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.

Với Covid-19, các nhà khoa học vào cuộc gấp rút chưa từng thấy cùng sự tham gia của các công nghệ hiện đại và đã có những bước tiếp cận nhanh chóng với vi rút corona mới và chạy đua phát triển vắc xin.

Ngày 10.1.2020, các nhà nghiên cứu Trung Quốc phân lập được chủng và trình tự bộ gen vi rút corona mới, sau đó tuyên bố vi rút này có thể lây từ người sang người.

Đến ngày 7.2, Bộ Y tế Việt Nam cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nuôi cấy và phân lập thành công chủng vi rút corona mới trong điều kiện phòng thí nghiệm. Điều này sẽ tạo tiền đề cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại Việt Nam cũng như trong thời gian tới, Việt Nam có thể sản xuất được vắc xin ngừa Covid-19.

Nếu như trước đây đòi hỏi phải mất vài năm để phát triển và tiến hành thử nghiệm vắc xin ở người thì nay quá trình này đang được rút ngắn. Đến trung tuần tháng 2, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Inovio ở San Diego (Mỹ) cho biết, họ chỉ mất 3 giờ để tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin kháng vi rút corona mới.

Công ty dược phẩm Inovio Pharmaceuticals chuẩn bị tiến hành thử nghiệm vắc xin trên động vật trước khi tiến hành với người. Công ty dược phẩm Moderna (Mỹ) cũng như Trung Quốc lên kế hoạch bắt thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 trên người vào tháng 4, trong khi một nhóm nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh) hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người vào mùa hè này.

Tương tự, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các loại vắc xin đầu tiên để chống Covid-19 bắt đầu được thử nghiệm trên người trong vòng 3 - 4 tháng tới và vắc xin sẽ sẵn sàng trong 12 - 18 tháng tới.

Còn trường Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) ngày 25.2 vừa qua thông báo phát triển thành công vắc xin đường uống phòng ngừa, thậm chí có thể được sử dụng điều trị cho những bệnh nhân Covid-19. Đại học này đang tìm kiếm đối tác đủ điều kiện để tiến hành đánh giá, thử nghiệm lâm sàng trước khi sản xuất vắc xin và sử dụng rộng rãi… Nhiều tổ chức trên thế giới đang tài trợ cho các viện y sinh, các công ty dược để tăng tốc phát triển vắc xin chống Covid-19.

Dẫu chưa biết cụ thể ngày mà vắc xin chống Covid-19 chính thức được lưu hành, các nhà khoa học tin rằng cuộc chạy đua này khẳng định cùng chung nỗ lực của toàn cầu phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc đua tìm kiếm vắc xin ngừa Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO