Khai thác ngọc bích gắn với nhiều rủi ro tại Myanmar

QUỐC HƯNG 03/07/2020 16:16

(QNO) - Ngành công nghiệp khai thác ngọc bích Myanmar có giá trị hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhưng nhiều người kiếm sống từ quặng ngọc bích cũng phải trả giá đắt.

Một cảnh đổ xô tìm quặng ngọc bích tại Myanmar. Ảnh: Global Witness
Một cảnh đổ xô tìm quặng ngọc bích tại Myanmar. Ảnh: Global Witness

Số người thiệt mạng trong vụ sạt lở gây sập mỏ khai thác ngọc bích ở bang Kachin, miền Bắc Myanmar vào ngày 2.7 đến nay lên ít nhất 162 người. Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ nhiều lần trì hoãn do mưa lớn.

Bang Kachin cũng là nơi sở hữu những mỏ ngọc bích lớn nhất thế giới. Theo thống kê, Myanmar sản xuất khoảng 70% lượng đá ngọc bích thế giới. Ngành khai thác ngọc bích của nước này ước tính có giá trị hơn 30 tỷ USD mỗi năm, tức gần bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar. Nhưng ngành công nghiệp này cũng có tiếng khắc nghiệt với khoảng 300.000 lao động nhập cư tập trung tại các mỏ thị trấn Hpakant - trung tâm khai thác ngọc lớn nhất và sinh lợi nhất thế giới.

Đây không phải là lần đầu tiên Myanmar chứng kiến thảm họa này. Như vào năm 2019, vụ sập tương tự ở mỏ khai thác ngọc cũng cướp đi sinh mạng hơn 50 người, hay vào năm 2015 là khoảng 100 người…

Shwe Thein - một người tham gia tìm ngọc bích tại Kachin nói: “Tìm kiếm đá quý theo truyền thống là công việc duy nhất của người dân trong khu vực này. Họ không có lựa chọn sinh kế nào khác”. Còn Zaw Win (20 tuổi) đến từ miền Trung Myanmar bày tỏ tham vọng: “Nếu ngày nào tôi cũng miệt mài tìm kiếm ngọc ở đây, tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ trở nên giàu có”.

Thực tế, nhiều công nhân ở các mỏ khai thác ngọc ở Myanmar là những người lao động không có giấy đăng ký và sống trong các lều bạt, đến từ khắp Myanmar với hy vọng tìm được vận may, dù cho đổi bằng máu và nước mắt. Cạnh đó là hàng nghìn người đổ về khu vực này để nhặt rác giữa đống đổ nát còn sót lại từ mỏ với hy vọng tìm được quặng ngọc từ những mảnh vỡ của hòn đá.

Hầu hết công nhân làm việc trong các mỏ với rất ít hoặc không có sự bảo vệ nào, khi mà khả năng bị bỏ mạng nếu lở đất liên tục xuất hiện trên đầu họ. Nhiều công ty khai thác ngọc bằng mọi cách dù họ có giấy phép chính thức hay không, và tận dụng, khai thác sức lao động của hàng nghìn người lao động.

Theo nghiên cứu của tờ Guardian (Anh) về hoạt động khai thác mỏ ngọc bích tại Myanmar đã hé lộ những góc khuất với hàng loạt vấn đề, hệ lụy như tàn phá môi trường, xung đột cũng như những tệ nạn xã hội khác từ các mỏ khai thác ngọc vốn không được quản lý chặt chẽ.

Tổ chức Global Witness nhận đinh: “Rõ ràng, nếu được quản lý công khai, công bằng và bền vững, ngành công nghiệp này có thể biến đổi vận may của dân số Kachin và giúp thúc đẩy sự phát triển trên khắp Myanmar”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác ngọc bích gắn với nhiều rủi ro tại Myanmar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO