Người Quảng ở SEA Games

NHÃ NAM - TƯỜNG VY 14/01/2020 13:10

(Xuân Canh Tý) -  Cả 4 vận động viên (VĐV) xứ Quảng tại SEA Games 30 đều xuất sắc mang về huy chương vàng (HCV). Trong đó, đội U22 Việt Nam có trung vệ Huỳnh Tấn Sinh và hậu vệ Đỗ Thanh Thịnh; tiền vệ đội bóng đá nữ Việt Nam Nguyễn Thị Vạn và nữ võ sĩ Phạm Thị Thu Hiền.

Trung vệ Huỳnh Tấn Sinh. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG
Trung vệ Huỳnh Tấn Sinh. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG

“LÁ CHẮN THÉP” HUỲNH TẤN SINH 

Con đường đến với bóng đá của Huỳnh Tấn Sinh có phần đặc biệt so với các cầu thủ khác. Bóng đá xứ Quảng có hệ thống đào tạo trẻ khá bài bản nhiều năm nay với nhiều độ tuổi, trong đó bắt đầu tuyển sinh từ độ tuổi 11. Thế nhưng, Sinh là trường hợp ngoại lệ. Khi đã bước sang tuổi 15, Tấn Sinh mới được phát hiện khá tình cờ qua giải bóng đá học sinh toàn tỉnh.

Tuy nhiên, trái ngược với các cầu thủ trẻ khác, các HLV CLB Quảng Nam phải thuyết phục gia đình nhiều lần mới có được cậu học trò người Duy Xuyên trong đội hình U15 Quảng Nam. Bởi ba mẹ cậu không muốn con mình đi theo thể thao, còn bản thân Sinh lại yêu thích bóng chuyền hơn.

“Nhập môn” trễ, trong lúc các đồng đội đã có nền tảng cơ bản thì Tấn Sinh mới bắt đầu làm quen nên khó khăn trong việc hòa nhập là điều dễ hiểu. Dù vậy, với tố chất và thái độ nghiêm túc, chỉ trong thời gian ngắn tập luyện tại môi trường đào tạo chuyên nghiệp đã giúp cho Sinh phát triển khá nhanh về chuyên môn.

Cơ hội thể hiện đã đến tại giải U19 quốc gia năm 2016 - giải đấu đầu tiên khi Sinh bước chân vào Tam Kỳ tập luyện. Năm đó, Sinh cùng với đồng đội đã tạo nên bất ngờ lớn khi đội U19 Quảng Nam xuất sắc vượt qua vòng bảng để giành tấm vé dự vòng chung kết U19 quốc gia.

Bóng đá cũng như cuộc đời, lắm lúc nhờ “cái duyên”. Với Huỳnh Tấn Sinh, có lẽ nếu không có “duyên” với HLV Hoàng Anh Tuấn, cầu thủ trẻ này chưa chắc có được thành công như hiện nay. Tại vòng chung kết U19 quốc gia 2016, đội U19 Quảng Nam không có được kết quả tốt. Thế nhưng, với màn thể hiện của mình, Sinh đã lọt vào “mắt xanh” của HLV Hoàng Anh Tuấn và được gọi vào đội tuyển U19 Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại U20 World Cup.

Không phụ công thầy, Tấn Sinh thi đấu tuyệt hay, góp công lớn vào chiến tích giành vé dự vòng chung kết U20 World Cup năm 2017 của U19 Việt Nam. Tương lai mở ra từ đây cho chàng trai xứ Quảng.

Còn nhớ ở vòng chung kết U20 thế giới năm 2017 diễn ra tại Hàn Quốc, Tấn Sinh cùng với Đình Trọng (Hà Nội) hợp thành cặp trung vệ để lại nhiều ấn tượng. Tuy nhiên, Đình Trọng sau đó liên tục thăng hoa cùng với U23, Olympic rồi đội tuyển quốc gia thì Tấn Sinh mãi lận đận ở cấp độ CLB lẫn đội tuyển. Không ít lần, Sinh được gọi lên tập trung đội tuyển rồi về vì không thể trụ lại trong danh sách cuối cùng.

Chuẩn bị cho Asiad 2018, Sinh cũng được lên đội tuyển Olympic và kết thúc cũng không khác mấy lần trước. Thế nhưng, bước ngoặt đến với Tấn Sinh khi HLV Park Hang Seo chuẩn bị nhân sự cho đội tuyển U23 Việt Nam tham gia vòng loại U23 châu Á hồi đầu năm 2019.

Dù thường xuyên ngồi ghế dự bị tại V-League song Tấn Sinh lại được thầy Park “chọn mặt gửi vàng”. Và không phụ lòng tin của người thầy, Sinh đã thi đấu bùng nổ, trở thành “lá chắn thép” giúp U23 Việt Nam giành ngôi nhất bảng để thẳng tiến tới vòng chung kết U23 châu Á diễn ra vào năm 2020.

Được sử dụng nhiều hơn tại V-League 2019 nhưng may mắn lại không ủng hộ khi Tấn Sinh liên tục dính chấn thương trong giai đoạn cuối mùa giải. Dù vậy, thầy Park vẫn kiên nhẫn chờ đợi và đến phút cuối mới điền tên cậu học trò cưng vào danh sách đăng ký cho chiến dịch chinh phục SEA Games 30.

Có một điều khá ấn tượng là trung vệ này được tin tưởng giao trọng trách thực hiện nhiều pha đá phạt trong màu áo U23 lẫn U22. Có thành công và cũng có thất bại nhưng điều này cũng cho thấy vai trò quan trọng của Sinh trong sơ đồ chiến thuật của HLV Park Hang Seo.

Mới 21 tuổi, trung vệ có gương mặt thư sinh Huỳnh Tấn Sinh đã được đứng vào hàng ngũ của đội tuyển U22 và U23 Việt Nam. Với thể hình tốt, chơi bóng bổng hiệu quả, mạnh mẽ trong tranh chấp, chắc chắn trung vệ này sẽ còn tiến xa hơn và là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam trong tương lai.

Cầu thủ Nguyễn Thị Vạn. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG
Cầu thủ Nguyễn Thị Vạn. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG

NGUYỄN THỊ VẠN - CON GÁI MÊ BÓNG BANH

Trong những gương mặt xuất sắc của đội bóng đá nữ Việt Nam vừa vô địch SEA Games, Nguyễn Thị Vạn tạo ấn tượng với những bàn thắng đẹp và đặc biệt là pha sút bóng làm chao đảo xà ngang của Thái Lan trong trận chung kết. Đây là HCV thứ 2 của cô gái sinh năm 1997 người xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) sau tấm HCV đầu tiên tại SEA Games 29. Để có Nguyễn Thị Vạn tài năng như ngày hôm nay, tiền vệ người Quảng Nam đã phải vượt qua hành trình với rất nhiều khó khăn của một cô gái đá bóng xa nhà từ nhỏ.

Có niềm đam mê đá banh mãnh liệt không kém con trai và thường xuyên tham gia đội bóng của trường nhưng khi đội bóng Than Khoáng sản Việt Nam ngỏ ý đưa con gái ra Quảng Ninh tập luyện, gia đình không khỏi băn khoăn.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, ba của Vạn nhớ lại, thời điểm đó là năm 2011, Vạn mới học xong lớp 8. Con còn nhỏ quá, lại là con gái xa gia đình thì ai không lo lắng. “Đưa con ra Quảng Ninh lo thủ tục xong rồi về, vợ chồng tôi gần như khóc cả tuần vì nhớ con” - ông Thanh kể.

Con gia đình làm nông nên vất vả trên sân tập là “chuyện nhỏ”, chỉ có nỗi nhớ nhà là khó nguôi ngoai. Cô bé Vạn lao vào tập luyện, lấy trái bóng để quên đi nỗi nhớ nhà. Chỉ vài năm sau, tài năng trẻ của Than Khoáng sản Việt Nam này ghi dấu ấn bằng giải thưởng cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải U15 quốc gia.

Đến năm 2017, tại lễ trao Quả bóng vàng Việt Nam, cái tên Nguyễn Thị Vạn lại được xướng lên với danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất và lần đầu tiên cùng đội tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 29.

Kết thúc hành trình tại SEA Games 30, Nguyễn Thị Vạn không có thời gian về Tam Kỳ dù cả năm nay cũng mới chỉ có 1 lần được về thăm nhà vì đội tuyển phải tập trung tập luyện ngay cho kế hoạch đầu năm 2020.

“Bóng đá mang lại cho bản thân nhiều thứ, tiền bạc, danh tiếng. Được sống với niềm đam mê và hạnh phúc với trái bóng, còn có tiền hỗ trợ cho cha mẹ là vui lắm rồi. Nếu chọn lại em cũng chọn đá bóng thôi và cố gắng cống hiến thêm vài năm nữa” - Vạn chia sẻ.

Vận động viên Taekwondo Phạm Thị Thu Hiền. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG
Vận động viên Taekwondo Phạm Thị Thu Hiền. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG

“CÔ GÁI VÀNG” PHẠM THỊ THU HIỀN

Sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp 2015, 2017 để thua đầy tiếc nuối trong trận tranh HCV, quyết tâm “lấy lại những gì đã mất” khi mới 18 tuổi đã đứng trên bục cao nhất tại SEA Games 2013 đã thôi thúc Phạm Thị Thu Hiền vào trận trên đất Philippines với hơn 100% sức lực.

Nhưng không dễ dàng cho cô gái Việt Nam, nhất là đối thủ Campuchia trong trận chung kết là VĐV người Mỹ nhập tịch có chiều cao nhỉnh hơn, thậm chí 2 lần bị dẫn điểm trước. Những kỷ niệm buồn của 2 kỳ SEA Games trước ùa về trong nhiều người, nhưng với nữ võ sĩ 4 lần tham gia SEA Games, từng giành huy chương đồng Asiad và nhiều lần bước lên ngôi vô địch Đông Nam Á thì khác.

Thu Hiền cho biết, dù bị dẫn điểm song vẫn bình tĩnh và tự tin mình sẽ chiến thắng vì đã tìm hiểu kỹ đối thủ. Thất bại trước đó khiến Hiền khóc khá nhiều. Sau chiến thắng trong trận chung kết vừa qua, Hiền khóc càng nhiều. “Đó là cảm xúc vì vui sướng như lần đầu tiên mang HCV về cho Tổ quốc”, Hiền chia sẻ.

Chưa có thống kê VĐV nào tham gia nhiều kỳ SEA Games nhất song có lẽ trong lịch sử thể thao Việt Nam, không nhiều người có thể chinh chiến ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp như Phạm Thị Thu Hiền.

Bốn kỳ SEA Games là 8 năm dài đăng đẳng, đòi hỏi VĐV vừa giữ vững được phong độ đỉnh cao, vừa phải cạnh tranh với lứa đàn em mới có chỗ đứng. Nói vậy để thấy, việc cô gái người Tam Kỳ giành tấm HCV tại SEA Games 30 là rất đáng nể phục, nhất là với môn thể thao đối kháng đòi hỏi thể lực cực căng như Taekwondo.

Hơn 8 năm thi đấu đỉnh cao với rất nhiều thành tích mang về cho Tổ quốc, Phạm Thị Thu Hiền xứng đáng với danh hiệu “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam nói chung, xứ Quảng nói riêng. Bước sang tuổi 25, Thu Hiền cho rằng có lẽ đây là kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp.

“Bao năm qua dành hết thời gian và sức lực cho tập luyện, thi đấu nên chưa học hành gì. Em dự định sắp tới sẽ xin nghỉ đội tuyển để ưu tiên việc học, lo cho tương lai sau khi nghỉ thi đấu” - nhà vô địch SEA Games 30 tâm sự.

Đỗ Thanh Thịnh với HCV môn bóng đá nam tại SEA Games 30 - 2019. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG
Đỗ Thanh Thịnh với HCV môn bóng đá nam tại SEA Games 30 - 2019. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG

NẮNG MỚI ĐÃ BAY VỀ

Đỗ Thanh Thịnh sinh năm 1998 tại Hội An trong gia đình có 3 anh chị em, Thịnh là con út. Một phần tuổi thơ của Thịnh lăn lóc với những trận bóng ở vùng ven phố Hội cùng chúng bạn đồng niên. Năm tuổi mười hai, Đỗ Thanh Thịnh trúng tuyển vào khóa đầu tiên của lò đào tạo PVF với những đồng đội cùng trang lứa Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng. Tuy nhiên, hành trình đeo đuổi nghiệp bóng banh của Thịnh không được hanh thông lúc bắt đầu. Những tháng ngày đầu tiên vô vàn bấp bênh cùng thắc thỏm âu lo. Đã có lúc Thịnh tính đến chuyện rời phương Nam về lại quê nhà Hội An phụ giúp công việc gia đình.

Huỳnh Tấn Sinh và Đỗ Thanh Thịnh tại SEA Games 30 - 2019. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG
Huỳnh Tấn Sinh và Đỗ Thanh Thịnh tại SEA Games 30 - 2019. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG

Lúc rời trung tâm PVF về Đà Nẵng bắt đầu cho cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp, Thịnh chia sẻ rằng em đến với bóng đá chưa hẳn vì đam mê hay tình yêu mà còn ở căn nguyên khác, khát vọng khác. Ngày trước, ở quê, gia đình em gặp nhiều trắc trở, em muốn “thoát ly” để bù đắp cho những tháng ngày đó.

Ngày đó, tôi hỏi Thịnh điều gì khiến em quyết tâm ở lại khi mọi thứ đang mông lung. “Lúc đầu thất vọng thật nhưng không lẽ nửa chừng dang dở như thế”. Lấy lại cân bằng, thêm sự quyết tâm, quan trọng nhất tính cách của một thằng “gai góc” đã giữ em ở lại. Không bỏ cuộc, để rồi quyết định ở lại của Thịnh được đền đáp với thành tích đầu đời ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.

Cho đến hôm nay, Thịnh vẫn luôn nhớ về ngôi vô địch giải U17 Quốc gia năm 2015 cùng danh hiệu “vua phá lưới” cho riêng mình như niềm vui trong trẻo để bước tiếp con đường với trái bóng đã chọn, đã theo.

Hậu vệ Đỗ Thanh Thịnh. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG
Hậu vệ Đỗ Thanh Thịnh. Ảnh: HỒ ĐỨC ĐỒNG

“Em chọn vị trí hậu vệ cánh bởi vóc dáng, thể trạng của em nhỏ nhắn sẽ rất hợp khi chơi bóng ở chỗ đó. Nhanh nhẹn, thanh thoát là những đặc trưng cơ bản để em chơi hợp với vị trí này”. “Thịnh có thấy áp lực không khi luôn được mặc định như lựa chọn số 2 cho vị trí ở các đội tuyển Việt Nam vì chỗ đó đã có người đồng đội Đoàn Văn Hậu?”.

Trước câu hỏi rất thật như thế, Thanh Thịnh không ngần ngại sẻ chia: “Em chưa bao giờ nghĩ về điều đó, cũng không bao giờ quan trọng chuyện mình là số 1, số 2 hay là số 3 gì đâu. Điều quan trọng nhất là mình luôn cố gắng tập luyện, nỗ lực, giữ tinh thần sẵn sàng chiến đấu, cống hiến hết mình cho câu lạc bộ, cho đội tuyển khi HLV cần”. Đó là những trải lòng nhẹ nhàng của Thanh Thịnh trong ngày hội quân cùng đội U22 Việt Nam hay ĐTQG trong “kỷ nguyên” HLV Park Hang Seo.

Niềm vui còn lan tỏa sau tấm huy chương vàng SEA Games, Thịnh đã cùng đồng đội bước vào chiến dịch mới với mục tiêu mới. VCK U23 châu Á vào tháng 1.2020 trên đất Thái Lan, để tìm chiếc vé đến sân chơi danh giá Olympic Tokyo 2020. Đây như cái đích mà bóng đá Việt Nam hướng đến ngay trong những ngày đầu năm.

Đỗ Thanh Thịnh vẫn sẽ như một phần của đội tuyển U23 Việt Nam cùng thầy Park tiếp tục chinh chiến cho những giới hạn cao hơn ở những hành trình tiếp theo.

Non 10 năm về trước, chàng trai phố Hội - sông Hoài đến với bóng đá như một cơ duyên. Còn để có được khoảnh khắc rưng rưng “cắn” tấm huy chương vàng SEA Games lịch sử, đã phải miệt mài qua những tháng ngày gian nan thử lửa. Tuổi đôi mươi của Thanh Thịnh phía trước tiếp tục với những thử thách mới, giới hạn mới cùng năng lực chinh phục mới. Với Thịnh, mùa xuân này như “nắng mới đã bay về”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng ở SEA Games
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO