Sông Lam Nghệ An và nghịch lý V-League

ANH SẮC 27/11/2019 10:52

Các đội bóng tại V-League đang chạy đua tuyển mộ lực lượng chuẩn bị cho mùa giải mới 2020. Ngược lại, cũng có những CLB bị “chảy máu” cầu thủ mà Sông Lam Nghệ An là một minh chứng.

Sông Lam Nghệ An đang bị “rút ruột” khi nhiều cầu thủ giỏi chia tay cuối mùa giải 2019. Ảnh: A.S
Sông Lam Nghệ An đang bị “rút ruột” khi nhiều cầu thủ giỏi chia tay cuối mùa giải 2019. Ảnh: A.S

Sông Lam bị “rút ruột”

Sông Lam Nghệ An từ trước đến nay được xem là “lò” đào tạo cầu thủ chất lượng hàng đầu, bất kể thời gian gần đây nổi lên một số trung tâm như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội hay PVF. Và nhiều hơn bất cứ nơi nào khác, cầu thủ xứ Nghệ tỏa đi khắp nơi trên cả nước, trở thành trụ cột của các đội bóng, kể cả đội tuyển quốc gia. Đó là điều đáng mừng, song từ đó cũng mang lại nhiều điều đáng lo cho bóng đá xứ Nghệ. Bởi lẽ nhiều năm qua, chính cái “nôi” bóng đá cả nước lại không thể có được kết quả tốt tại V-League khi mà hàng năm, rất nhiều cầu thủ giỏi của họ ra đi để tìm kiếm bến đỗ mới nhiều danh vọng.

Còn nhớ mùa giải trước, đội trưởng Quế Ngọc Hải sau nhiều năm cống hiến đã bất ngờ đưa ra quyết định chia tay đội bóng quê hương để cập bến Viettel trong sự nuối tiếc ngẩn ngơ của người hâm mộ bên dòng sông Lam. Những tưởng đó sẽ là lần cuối cùng người tài dứt áo ra đi nhưng kết thúc mùa giải vừa qua, hàng loạt cầu thủ xứ Nghệ lại tiếp tục rời xa nơi mình lớn lên và trưởng thành để đến với chân trời mới. Trong số đó, 2 cái tên nổi bật nhất, cũng là cựu tuyển thủ quốc gia, tiền vệ Khắc Ngọc và thủ môn Nguyên Mạnh sẽ về chung một nhà với Quế Ngọc Hải trong mùa giải mới 2020. Chưa kể, họ mất luôn những ngoại binh chất lượng là trung vệ Memovic và tiền đạo Olaha. Đây là điều không ngạc nhiên khi mà Sông Lam Nghệ An được xem là “con nhà nghèo”, không thể giữ được những nhân tố ưu tú nhất của mình.

Những ngày này, người ta đang nói nhiều về cuộc “chảy máu lực lượng” có thể nói lớn nhất từ trước đến nay của Sông Lam Nghệ An. Gần như nguyên cả đội hình chính nói lời chia tay đội bóng khiến cho người xứ Nghệ không khỏi chạnh lòng, nhất là khi nhìn sang CLB láng giềng Thanh Hóa hay thậm chí đàn em Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Họ cũng không khỏi âu lo, dù vẫn còn những tài năng trẻ như Xuân Mạnh, Văn Đức nhưng sẽ rất khó cho đội bóng xứ Nghệ có được kết quả tốt trong mùa giải 2020. Sông Lam rồi sẽ trôi về đâu khi mà đội bóng có bản sắc bậc nhất V-League đang bị “rút ruột” bởi loay hoay mãi bài toán “kim tiền” mỗi khi mùa giải mới đến?

Nghịch lý

Từ câu chuyện của Sông Lam Nghệ An cho thấy những nghịch lý tồn tại trong lòng V-League hiện nay. Vài năm gần đây, đã không còn chuyện ông bầu nửa chừng “bỏ của chạy lấy người” khiến cho cầu thủ lẫn ban tổ chức giải “khóc dở”. Tuy nhiên, tình trạng làm bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu “ăn đong”, chạy theo thành tích mà thiếu quan tâm đến công tác đào tạo trẻ vẫn diễn ra nhan nhản. Thử nhìn xem trong danh sách 14 CLB đang chơi tại V-League vừa qua, số CLB đầu tư “ra môn ra khoai” cho thế hệ tương lai thật sự không nhiều nếu không nói là “chỉ đếm trên đầu một bàn tay”. Quanh đi quẩn lại nhiều năm qua, bên cạnh “lò” Sông Lam nổi tiếng vẫn là những cái tên quen thuộc như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội và một phần nào đó là Becamex Bình Dương, Nam Định. Đây là những CLB mà gần như mỗi năm đều giới thiệu được vài gương mặt trẻ tự mình đào tạo cho đội lớn để thi đấu tại V-League hay Cúp quốc gia.

Trong khi đó, phần nhiều CLB còn lại đều đầu tư một cách chắp vá, thiếu chiến lược bài bản và dài hơi cho bóng đá trẻ, kể cả những CLB đạt thành tích cao. Dễ dàng nhận thấy tại V-League hiện nay, lực lượng của một số đội bóng chủ yếu tuyển mộ từ các CLB khác mà không có lứa cầu thủ kế cận. Ngay cả việc để tham gia các giải bóng đá trẻ quốc gia, họ cũng “sống nhờ” từ việc chi viện quân của các CLB khác. Vì lẽ đó, bản sắc của nhiều CLB hiện nay nhàn nhạt, trừ một vài CLB đã tạo nên bản sắc riêng như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An.

Tất nhiên, thời của bóng đá chuyên nghiệp không thể khác được quy luật, ai có nhiều tiền, người đó có thể sở hữu nhiều cầu thủ giỏi. Hoàng Anh Gia Lai từng có thời kỳ “làm mưa làm gió” V-League khi những cầu thủ giỏi nhất của người Thái đều được bầu Đức mang về bên cạnh dàn sao nội. Song vấn đề là, thúc đẩy được nền bóng đá phát triển, giúp đội tuyển quốc gia mạnh thêm không chỉ phụ thuộc vào giải đấu chuyên nghiệp mà còn dựa vào nền tảng từ công tác đào tạo trẻ của mỗi CLB. SHB Đà Nẵng từng có thời gian được xem là trung tâm bóng đá trẻ khá mạnh của cả nước nhưng giờ đây mất hút. Các CLB TP.Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Quảng Nam, Than Quảng Ninh… chưa có hệ thống đào tạo trẻ xứng tầm khi góp mặt ở V-League.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Lam Nghệ An và nghịch lý V-League
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO