Sức ép cân đối ngân sách địa phương

TRỊNH DŨNG 05/12/2019 10:43

Hụt thu, nhưng không một nhiệm vụ chi nào bị cắt giảm trong năm 2019 là thành công lớn của Quảng Nam trong nỗ lực điều hành ngân sách linh hoạt. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm bàn thảo tại phiên giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tại Sở Tài chính vừa qua.

Ô tô và thủy điện hụt thu lớn đã tạo sức ép cho việc cân đối ngân sách.Ảnh: T.D
Ô tô và thủy điện hụt thu lớn đã tạo sức ép cho việc cân đối ngân sách.Ảnh: T.D

Thu ít, chi nhiều

Theo Sở Tài chính, năm 2019, số thu nội địa ngân sách địa phương được hưởng ước thực hiện 16.097 tỷ đồng, giảm 1,9% dự toán. Nếu không bao gồm tiền sử dụng đất và thu từ xổ số kiến thiết thì chỉ còn khoảng 14.590 tỷ đồng. Dự kiến cân đối ngân sách sẽ hụt thu so với dự toán 927 tỷ đồng. Điều bất ngờ là khi ngân sách tỉnh hụt thu 1.282 tỷ đồng, nhưng ngân sách cấp huyện, xã lại vượt thu 356 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cho dù ngân sách cấp huyện, xã vượt thu, nhưng chỉ tập trung ở 13/18 địa phương vượt thu với tổng số tiền 546 tỷ đồng. Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Nông Sơn, Quế Sơn, Thăng Bình là những địa phương có số vượt thu cao trên 20 tỷ đồng. Huyện miền núi Tây Giang cũng vượt thu đến 2,9 tỷ đồng. Số còn lại (5 địa phương) hụt thu với tổng số tiền 190 tỷ đồng, gồm Núi Thành 108,1 tỷ đồng, Nam Giang 45,3 tỷ đồng, Đông Giang 28 tỷ đồng, Bắc Trà My 6,6 tỷ đồng và Phước Sơn 2 tỷ đồng.

 

Theo số thu ước thực hiện trên thì năm 2019, ngân sách tỉnh phải bù hụt thu đến 1.390 tỷ đồng. Trong đó bù hụt thu ngân sách cấp tỉnh 1.283 tỷ đồng, bù cho ngân sách cấp huyện hụt thu dự toán năm 2019 so với năm 2017 là 107 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, trong khi ngân sách hụt thu thì chi cân đối ngân sách địa phương được ấn định 20.037 tỷ đồng, đã gia tăng đến 23.153 tỷ đồng, vượt 16% dự toán (chi cho đầu tư phát triển 9.815/4.809 tỷ đồng, đạt 204% dự toán và chi thường xuyên 12.754/11.907 tỷ đồng, vượt 7% dự toán).

Thu ngân sách đang gặp khó khăn, nhưng ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho biết chi ngân sách địa phương được điều hành cơ bản bám sát dự toán và tiến độ thu, kịp thời giải quyết các chế độ chính sách… Chỉ cắt giảm những khoản chi chưa thật sự cần thiết và qua thẩm tra dự toán, quyết toán đã tiết kiệm so với dự toán.

“Mặc dù ngân sách tỉnh năm 2019 hụt thu nhưng vẫn bảo đảm các nhiệm vụ chi. Thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm, góp phần sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả” – ông Chín nói.

Áp lực cân đối

Cần quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ và hiệu quả hơn

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho rằng thu từ đất đai thực chất là bán tài nguyên. Không phải bắt buộc bán bằng mọi giá mà nỗ lực tăng thu từ doanh nghiệp để đạt 100% dự toán, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hỗ trợ cho ngành thuế, điều tra thêm một số doanh nghiệp có dấu hiệu nợ thuế, chống thất thu, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu cần quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ và hiệu quả hơn, đảm bảo theo dự toán và chế độ, định mức quy định, chống lãng phí cả trong chi thường xuyên và đầu tư. Tiết kiệm tối đa kinh phí chi thường xuyên, cắt giảm mạnh những khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách…

Không như con số ước thu ngân sách nội địa chỉ 18.168 tỷ đồng năm 2019 của Cục Thuế, ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho hay kết thúc năm 2019, thu ngân sách nội địa sẽ đạt 100% kế hoạch. Cơ quan này đã có kế hoạch gặp gỡ, đàm phán với các doanh nghiệp nộp ngay trong tháng 12 thay vì phải đợi đến tháng 1.2020 mới nộp. Chỉ cần Trường Hải nộp thêm 700 tỷ đồng nữa thì số thu nội địa sẽ đạt kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp đã đồng ý với phương án này của Quảng Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói thu từ Trường Hải, thủy điện hụt nhưng sự gia tăng các nguồn thu khác thì gần như bảo đảm dự toán. Hụt thu nhưng lại không giảm chi, các nội dung chi vẫn đảm bảo. Đó là một thành công trong điều hành ngân sách của chính quyền và cơ quan quản lý.

Thế nhưng cho dù có thu nội địa đạt đến 100% thì cân đối ngân sách địa phương vẫn nặng nề. Ông Chín thừa nhận trong khi các nguồn thu nội địa chiếm tỷ trọng nhỏ đều thu đạt và vượt dự toán. Nhưng nguồn thu chủ yếu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 67% thu nội địa nhưng ước thu chỉ đạt 88,5% dự toán. Trường Hài không đạt kế hoạch nộp ngân sách, trong khi số thu từ doanh nghiệp này chiếm đến 77,5% số thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chiếm 52% thu nội địa, đã dẫn đến thu nội địa không đạt dự toán.

Khô hạn kéo dài, dịch bệnh gia súc xảy ra trên diện rộng, thủy điện không đủ nước phát điện theo thiết kế nên dự báo nguồn thu từ nông nghiệp, chăn nuôi, thủy điện không có khả năng đạt kế hoạch nộp ngân sách. Trong khi đó, ngân sách địa phương phải phát sinh nhiều nội dung chi cho công tác chống hạn, chống dịch, hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Mặt khác, Quảng Nam tự cân đối ngân sác, điều tiết về trung ương, nhưng địa phương phải bảo đảm 100% nguồn vay ưu đãi, 70% vay ODA, 20% kinh phí để thực hiện các chế độ chính sách an sinh xã hội, cán bộ công viên chức nghỉ việc… thì nguồn kinh phí địa phương phải tự đảm bảo rất lớn. Tất cả những “khúc mắc” trên rất khó tháo gỡ đã tạo áp lực không nhỏ trong cân đối ngân sách địa phương.

Ông Phan Văn Chín cho hay, đã tính đến nguồn bù hụt thu cho 5 địa phương thu ngân sách thấp, dựa vào việc cắt giảm một số nhiệm vụ chi qua thẩm định thấp hơn dự toán, nguồn tăng thu các huyện, nguồn cải cách tiền lương… Căn cứ vào số thu thực tế, sẽ báo cáo cụ thể. Không để các địa phương thiếu hụt kinh phí giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động, chính sách an sinh xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức ép cân đối ngân sách địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO