Huy động và sử dụng vốn xây dựng nông thôn mới: Nhiều địa phương bị động, lúng túng

NGUYỄN SỰ 14/03/2019 02:27

Cơ cấu vốn không đảm bảo theo quy định, cấp huyện chưa linh hoạt phân bổ kinh phí cho các dự án chuyển tiếp cũng như thanh toán khối lượng, còn cấp xã thì lúng túng ở khâu chuẩn bị thủ tục triển khai đầu tư... Đó là những vướng mắc, khó khăn trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều nơi trong tỉnh thời gian qua.   

Thời gian qua, chính quyền cấp huyện và cấp xã vẫn chưa tập trung giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian qua, chính quyền cấp huyện và cấp xã vẫn chưa tập trung giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: VĂN SỰ

Hạn chế, vướng mắc

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, giai đoạn 2016 - 2018, Quảng Nam huy động hơn 8.771 tỷ đồng cho việc thực hiện chương trình NTM. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp hơn 4.627 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 3.379 tỷ đồng, vốn từ các doanh nghiệp và hợp tác xã xấp xỉ 236 tỷ đồng, nhân dân đóng góp quy ra giá trị hơn 528 tỷ đồng. Trong 3 năm trở lại đây, tổng số dự án được đầu tư trực tiếp cho chương trình NTM từ nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉnh là hơn 1.714 công trình, chủ yếu là xây mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, hạ tầng thương mại nông thôn, điện, nghĩa trang nhân dân, công trình nước sạch... Qua đó, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh. “Tính đến nay, trong tổng số 204 xã tham gia xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh, có 136 xã đạt tiêu chí giao thông, 160 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 183 xã đạt tiêu chí điện, 122 xã đạt tiêu chí trường học, 176 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 166 xã đạt tiêu chí thông tin - truyền thông, 155 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư. Hiện cả tỉnh có 57/135 thôn đăng ký xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn” - ông Lê Muộn nói.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, 3 năm qua công tác huy động và sử dụng vốn đầu tư xây dựng NTM ở nhiều địa phương của tỉnh vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc. Theo ông Thanh, việc huy động vốn thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2018 chưa đảm bảo cơ cấu các nguồn vốn theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ cao 52,76% (so với yêu cầu là 30%). Trong khi đó, vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp và hợp tác xã còn rất hạn chế, chỉ chiếm tỷ lệ 2,7% (so với mục tiêu đặt ra là 15%). Không chỉ vậy, vốn huy động từ cộng đồng dân cư cũng khá thấp, chiếm tỷ lệ 6% (so với mục tiêu là 10%). Cạnh đó, vốn tín dụng vẫn chưa đảm bảo mục tiêu, chỉ đạt 38,5% (so với yêu cầu là 45%).

Nhiều địa phương còn bị động, lúng túng

Thời gian qua, việc lồng ghép các kênh vốn khác vào chương trình NTM cũng còn nhiều khó khăn do mỗi chương trình, dự án có mục tiêu, cơ chế quản lý và tỷ lệ đối ứng vốn khác nhau. Cùng với đó, chính sách huy động vốn và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn còn hạn chế, chưa tạo được sự thu hút đối với các doanh nghiệp, tổ chức và người dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực được xem là trọng yếu này. Ông Nguyễn Hoàng Thanh cho biết thêm, năm 2018, mặc dù UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương từ tháng 2 nhưng các địa phương chưa linh hoạt trong việc phân bổ cho các dự án chuyển tiếp và thanh toán khối lượng trước mà chờ phân bổ vốn một lần cùng với các dự án khởi công mới năm 2018, từ đó làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân kế hoạch vốn của chương trình NTM. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng chậm phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn; các phòng, ban chuyên môn cấp huyện thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cấp xã cũng như các chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện chương trình và chưa ưu tiên hỗ trợ kinh phí từ chương trình để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã.

Theo ông Thanh, năm 2018 cũng là năm đầu tiên phân cấp và thực hiện đầu tư cho tất cả các xã tham gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Do vậy, đối với các xã lần đầu thực hiện, việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai nguồn vốn chương trình NTM còn bị động, lúng túng và tạo áp lực cho các phòng chuyên môn cấp huyện về khối lượng hồ sơ thẩm định. Nhiều địa phương chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản như thiếu thông báo mời thầu trong cộng đồng dân cư, chậm quyết toán dự án hoàn thành để xác định công nợ theo quy định. Cạnh đó, việc theo dõi, quản lý và quyết toán nguồn vốn đóng góp của nhân dân chưa đúng quy định, không có bảng kê người đóng góp... Năm 2018, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này là hơn 3.356 tỷ đồng nhưng đến tháng 12.2018 tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 59,6%. Trong khi đó, việc quản lý nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ khối lượng của chương trình NTM tại một số địa phương chưa tốt, UBND cấp huyện và cấp xã vẫn chưa tập trung giải quyết dứt điểm nợ của cấp mình.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Huy động và sử dụng vốn xây dựng nông thôn mới: Nhiều địa phương bị động, lúng túng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO