Những điểm mới của Luật Quản lý thuế

VĂN DŨNG (tổng hợp) 28/07/2020 09:50

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (gọi tắt LQLT số 38) được Quốc hội thông qua ngày 13.6.2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020 với nhiều nội dung mới như kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế, mở rộng quyền của người nộp thuế... 

Theo Điều 16 LQLT số 38, bên cạnh các quyền như Luật Quản lý thuế 2006 (cũ), nhiều quyền mới được bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế như: Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn; được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của LQLT số 38 và pháp luật về giao dịch điện tử; được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và cơ quan, tổ chức có liên quan. Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Dưới đây là những điểm mới của LQLT số 38.

Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Quản lý thuế 2006, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm. Tuy nhiên, theo điểm b khoản 2 Điều 44 LQLT số 38 cho phép cá nhân được nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 1 tháng so với Luật Quản lý thuế 2006).

Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử

Hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là cần thiết. Khoản 4 Điều 42 LQLT số 38 về kê khai thuế quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đây chỉ là một trong những nội dung mang tính chất định hướng nhưng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong thời gian tới, khi ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ quy định cụ thể về nội dung quản lý với hoạt động thương mại điện tử. Theo LQLT số 38, các quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2022.

Siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá

Hiện nay, hành vi trốn thuế thông qua chuyển giá ngày càng phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng trên, LQLT số 38 nghiêm cấm hành vi: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.

Để quản lý chặt chẽ hành vi trốn thuế, khoản 5 Điều 42 LQLT số 38 quy định nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như sau: Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập; giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế. LQLT số 38 cũng lưu ý đối với trường hợp người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

Thêm trường hợp được gia hạn nộp thuế

Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế được rút ngắn chỉ còn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế (hiện hành là 10 ngày làm việc). Trường hợp cấp lại do bị mất, rách, nát, cháy thì trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (hiện hành là 5 ngày làm việc).

Ngược lại, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân có kỳ tính thuế theo năm được kéo dài hơn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cụ thể, đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thì thời hạn chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

Luật cũng đã bổ sung nhiều trường hợp được gia hạn nộp thuế, bao gồm bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng; bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người nộp thuế trong trường hợp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do thảm họa, dịch bệnh.

Chính phủ quyết định việc gia hạn nộp thuế cho các đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt trong từng thời kỳ nhất định. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những điểm mới của Luật Quản lý thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO