Thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử

VĂN DŨNG 07/12/2018 02:49

Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù hiệu lực thi hành Nghị định 119 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) bắt đầu từ ngày 1.11.2018, nhưng để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT, Nghị định 119 quy định thời hạn 24 tháng (từ ngày 1.11.2018 đến ngày 31.10.2020) để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và hộ, cá nhân kinh doanh chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để áp dụng HĐĐT. Đồng thời nghị định cũng ấn định mốc thời gian chậm nhất là ngày 1.11.2020 tất cả doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện xong HĐĐT.

Phòng Tuyên truyền - hỗ trợ (Cục Thuế Quảng Nam) hướng dẫn chính sách thuế cho doanh nghiệp FDI. Ảnh: V.D
Phòng Tuyên truyền - hỗ trợ (Cục Thuế Quảng Nam) hướng dẫn chính sách thuế cho doanh nghiệp FDI. Ảnh: V.D

Khuyến khích hộ kinh doanh sử dụng HĐĐT

Tổng cục Thuế cho hay, Nghị định 119 quy định rõ về đối tượng, nguyên tắc lập quản lý và sử dụng HĐĐT. Theo đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức, DN, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ; tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT; cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn. Cụ thể, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 của nghị định này) phải lập HĐĐT có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn, và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trường hợp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có sử dụng máy tính tiền thì đăng ký sử dụng HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Việc đăng ký, quản lý, sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế và quy định tại nghị định này. Dữ liệu HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là cơ sở để phục vụ công tác quản lý thuế.

Ngoài các tổ chức, DN, Nghị định 119 cũng quy định, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc, nhưng có thực hiện sổ sách kế toán nếu có yêu cầu thì cũng được áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định. Riêng hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm HĐĐT có mã của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018.

Tạo điều kiện lưu thông hàng hóa

Để không gây phiền hà cho DN đã áp dụng HĐĐT khi hàng hóa lưu thông trên thị trường, Tổng cục Thuế đã đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ và được Chính phủ đồng ý đưa vào quy định tại Điều 29 của Nghị định 119: “Khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng HĐĐT, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT phục vụ yêu cầu quản lý, không được yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập tra cứu dữ liệu HĐĐT”.

Trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai ảnh hưởng đến việc truy cập internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn, nếu: người vận chuyển hàng hóa có chứng từ giấy (bản sao bằng giấy không cần ký tên, đóng dấu của người mua, người bán hàng hóa) chuyển từ HĐĐT thì xuất trình chứng từ giấy chuyển cho cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra hàng hóa. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra căn cứ vào chứng từ giấy chuyển từ HĐĐT để lưu thông hàng hóa và tiếp tục thực hiện tra cứu dữ liệu HĐĐT (tại đầu mối đăng ký với Tổng cục Thuế) để phục vụ công tác kiểm tra theo quy định. Trường hợp người vận chuyển hàng hóa không có chứng từ giấy chuyển từ HĐĐT thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kiểm tra, xác nhận HĐĐT của DN.

VĂN DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO