Bước đệm cho chuỗi nông sản an toàn

LÊ QUÂN 18/12/2019 14:29

An toàn thực phẩm luôn là câu chuyện được quan tâm hàng đầu từ người sản xuất cho đến người tiêu dùng. Sau 3 năm thực hiện thí điểm sản xuất chuỗi và hợp tác tiêu thụ nông sản an toàn, Quảng Nam đang định vị hoạt động này để có những bước đi dài hơi và bền vững hơn trong tương lai.

Nước mắm Cửa Khe được bày bán tại Siêu thị Co.opMart.
Nước mắm Cửa Khe được bày bán tại Siêu thị Co.opMart.

QUẢ NGỌT MÙA ĐẦU

Đã có sự ổn định sản xuất ở một số nhóm nông sản. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm hơn đến câu chuyện thương hiệu của sản phẩm bản địa. Người sản xuất cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn để tiến tới các thị trường khó tính…

Đây là những thành quả của quá trình 3 năm thực hiện thí điểm mô hình sản xuất theo chuỗi ở 6 nhóm, bao gồm các chuỗi cung ứng thịt heo an toàn, chả thịt heo an toàn, sản phẩm thịt gà an toàn, trứng gà an toàn, nước mắm an toàn và rau an toàn. Ngoài ra, chuỗi cung ứng tôm an toàn cũng đã được hình thành, tuy nhiên, do mô hình kết thúc sau gần 3 tháng thực hiện nên vẫn chưa thể đánh giá được hiệu quả.

Nâng cao ý thức người sản xuất

Không còn xa lạ với người tiêu dùng, gà ta Mười Tín đang dần dần chiếm lĩnh thị trường bởi sản phẩm chất lượng của mình. Trang trại của HTX Gà ta Mười Tín - xã Tam Thăng là địa chỉ tiên phong ở miền Trung trong việc tham gia và được chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP từ nhiều năm trước. Hiện nay, cùng với 8 hộ dân khác, khu trang trại nuôi gà Mười Tín với trên diện tích 10ha, quy mô tổng đàn gà khoảng 50 nghìn con, chủ yếu bán gà sống cho thị trường Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Rau sạch của HTX Mỹ Hưng đang có thị trường tiêu thụ khá tốt tại TP. Đà Nẵng.
Rau sạch của HTX Mỹ Hưng đang có thị trường tiêu thụ khá tốt tại TP. Đà Nẵng.

Không chỉ chọn kỹ lưỡng về con giống, kiểm dịch, mà cả thức ăn, thuốc, vắc xin cho gà cũng được kiểm định rất khắt khe. “Trong quá trình nuôi, đàn gà được theo dõi hàng ngày, có sổ nhật ký ghi lại những triệu chứng cụ thể, qua đó báo cáo để có cách xử lý. Chỉ cần một con gà chết thì phải xác định ngay triệu chứng và tiến hành tiêu hủy kỹ càng. Cùng với vấn đề an toàn dịch bệnh, môi trường cho khu dân cư cũng phải được đảm bảo, bởi với lượng gà thường xuyên trong trại từ 8 đến 10 nghìn con, lượng thịt xuất bán mỗi ngày vài trăm ký, chỉ cần một lỗi chủ quan là sẽ không thể duy trì trang trại” - ông Bùi Việt Tín - Giám đốc HTX Gà ta Mười Tín nói.

Đây cũng là mô hình thí điểm tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm thịt gà an toàn của Quảng Nam từ năm 2017. Được nhiều sự tư vấn, hỗ trợ, hiện nay sản phẩm thịt gà giết mổ, đóng gói tại HTX được tiêu thụ tại siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ, các trường học bán trú, bếp ăn công ty, nhà hàng, khách sạn với số lượng tiêu thụ 1.500 - 3.000 con/tháng.  

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, điều mà các tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi có được, chính là ý thức về sản xuất đã được thay đổi và nâng lên đáng kể. Tất cả các khâu đều được kiểm soát, bao gồm cung ứng vật tư đầu vào của quá trình chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt, thu mua, vận chuyển, sơ chế cho đến quy trình sản xuất, các quy chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP).

“Nhận thức về ATTP trong chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt và thu mua… đều được nâng cao từ cộng đồng dân cư đến cơ quan quản lý Nhà nước. Các tác nhân tham gia chuỗi được gắn kết” – ông Trần Bốn nói. Đây cũng chính là thành quả đầu tiên sau 3 năm thực hiện mô hình thí điểm sản xuất theo chuỗi. Ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp & dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn (Đại Lộc), với mô hình tham gia chuỗi cung ứng thịt heo an toàn cho biết, ý thức là điều quan trọng hàng đầu để có thể nâng cao giá trị của sản phẩm ra thị trường.

Thay đổi thói quen người tiêu dùng

Xây dựng và vận động người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, hướng tới việc đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn ở tất cả công đoạn, các loại thực phẩm, bắt đầu từ công đoạn cung ứng giống, cung cấp vật tư nông nghiệp, cho đến sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, kinh doanh, và vận chuyển đến tay người tiêu dùng... là mục tiêu của việc triển khai sản xuất theo chuỗi.

Lựa chọn mua nước mắm Cửa Khe tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, chị Vũ Thị Hải Hoàng (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, tin dùng sản phẩm đã được cơ quan quản lý bảo chứng về thương hiệu cũng như các quy chuẩn an toàn là điều cần thiết hiện nay đối với người tiêu dùng. Mô hình chuỗi cung ứng nước mắm an toàn được thí điểm tại Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, huyện Thăng Bình) và HTX nước mắm Tam Thanh đã có được sức hút với người tiêu dùng. Sức tiêu thụ hơn 3 nghìn lít nước mắm mỗi tháng, các hộ làm nghề truyền thống này hoàn toàn sống được với nghề nhiều đời của cha ông mình.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đối với các sản phẩm tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi, người tiêu dùng có thể xác định được địa chỉ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, yên tâm về chất lượng sản phẩm.

“Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không chỉ giúp bà con tiêu thụ sản phẩm mà quan trọng hơn hết là cung cấp ra thị trường nguồn sản phẩm an toàn thực sự, được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, củng cố niềm tin của người tiêu dùng cũng như nâng cao chất lượng, giá trị của nông sản” - ông Ngô Tấn nói. Bên cạnh đó, việc đưa các sản phẩm theo chuỗi này ra thị trường cũng chính là giúp hình thành thói quen tiêu dùng tiến bộ, hạn chế các vấn đề rủi ro trong việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc…

KHOẢNG HỞ GIỮA CÁC “MẮT XÍCH”

Quy trình cung ứng thực phẩm an toàn “từ sản xuất đến bàn ăn” - theo như kỳ vọng của Quảng Nam khi triển khai mô hình sản xuất chuỗi và hợp tác tiêu thụ nông sản vẫn đang gặp những thách thức nhất định.

Thịt heo sạch của HTX Duy Đại Sơn được kiểm định khắt khe.
Thịt heo sạch của HTX Duy Đại Sơn được kiểm định khắt khe.

Về phía người sản xuất, theo nhìn nhận của ngành nông nghiệp, hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất nhất định. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà sản xuất tự phát, chưa kể, nhiều hộ tự phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác.

Ông Võ Đại Sơn - HTX Duy Đại Sơn cho biết, ngay ở thời điểm dịch tả lợn châu Phi xảy ra, mô hình liên kết sản xuất với các hộ trên địa bàn ngay lập tức bị phá vỡ vì họ không tuân thủ quy trình nuôi như trang trại đã đề ra. Chưa kể hiện nay, các HTX, doanh nghiệp cũng đang khá dè chừng khi vấp phải các tác động khách quan như dịch bệnh, giá cả bấp bênh khiến các sản phẩm theo chuỗi phải tự phá vỡ quy trình sản xuất và khâu xúc tiến thương mại của mình.

Ở phía kênh bán lẻ, thực trạng trà trộn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc để tiêu thụ, cung cấp cho người tiêu dùng vẫn còn khá nhức nhối. Ông Bùi Việt Tín - HTX Gà ta Mười Tín kể câu chuyện có đơn vị trường học trên địa bàn làm đủ mọi thủ tục giấy tờ để tiến đến tiêu thụ gà ta Mười Tín, thế nhưng sau đó lại hủy hợp đồng. Tuy nhiên, thương hiệu Gà ta Mười Tín vẫn được nhà trường thông báo tiêu thụ trong các bếp ăn, trong khi về thực tế, ông không hề cung cấp cho đơn vị nọ. “Đây chỉ là một ví dụ thực tế từ đơn vị của tôi đang gặp phải. Còn rất nhiều cơ sở hay cửa hàng khác cũng tương tự vậy. Rõ ràng chúng tôi đang đối mặt với vấn đề rất nan giải” - ông Bùi Việt Tín nói.

Một điều nữa, không phải chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn nào cũng được sự đón nhận của người tiêu dùng. Năm 2016, có 17 hộ chăn nuôi tại huyện Thăng Bình tham gia chuỗi thịt heo sạch cùng Công ty TNHH Sản xuất, chế biến thực phẩm Quảng Nam với việc mở một cửa hàng thịt heo sạch tại chợ Hà Lam. Tuy nhiên, vì chênh lệch giá thành cũng như tâm lý của người tiêu dùng, cửa hàng này sau thời gian vận hành chưa đến một năm đã phải đóng cửa. Hiện tại, sản phẩm thịt heo sạch tiêu thụ khoảng 11 con/ngày tại 3 điểm ở Quảng Nam. Riêng việc liên kết trong sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm an toàn, hiện nay các cơ sở, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn có thương hiệu từ Quảng Nam đang duy trì cầm chừng, bán không đảm bảo doanh thu nên không mạnh dạn đầu tư. Cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro còn khá chênh lệch, do vậy việc liên kết giữa cơ sở kinh doanh và người sản xuất chưa thật sự mặn mà.

Rào cản hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn là thách thức khi đưa nông sản ra thị trường. Đa số doanh nghiệp chỉ thu mua nông sản qua thương lái và nông dân cũng chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm. Một ví dụ tại Thái Lan, người sản xuất tiến hành các bước sản xuất theo quy trình GAP và sơ chế sản phẩm trước khi đưa đến cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ thực hiện việc chế biến, đóng gói, dán nhãn và phân phối tại các cửa hàng. Bên cạnh đó, họ còn làm các bảng hướng dẫn phân loại chất lượng các sản phẩm nên tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, hàng nông sản nhập khẩu từ Thái Lan cũng rất được ưa chuộng. Trong thời gian tới, nếu không có những giải pháp, hướng đi hiệu quả, thì không chỉ có hàng Thái mà nhiều mặt hàng khác từ các nước sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, thay đổi và nâng cao chất lượng chuỗi giá trị thực phẩm là điều cần thiết, nhất là khi thị trường đang tạo điều kiện thuận lợi để nông sản các nước nhập vào Việt Nam.

CẦN SỰ QUẢN LÝ ĐỒNG BỘ

Thị trường và kết nối được xem như hai vấn đề lớn nhất khi mô hình sản xuất theo chuỗi bắt đầu đi vào ổn định. Chúng tôi ghi nhận ý kiến từ các cơ quan trực tiếp tham gia kiểm soát, hợp tác, liên kết đưa sản phẩm ra thị trường.

Trứng gà Văn Học được bày bán tại Siêu thị Co.opMart.
Trứng gà Văn Học được bày bán tại Siêu thị Co.opMart.

Ông Nguyễn Tứ - Phó Ban quản lý ATTP TP.Đà Nẵng: Kiểm soát chất lượng thực phẩm

Chúng tôi đánh giá cao chuỗi nông sản an toàn của Quảng Nam. Đà Nẵng cũng đã làm và chúng tôi cảm thấy rất khó. Khó ở nhiều điểm. Thứ nhất là thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Thứ hai là mô hình thí điểm nên người sản xuất, tiêu dùng vẫn còn dè dặt tham gia. Thứ ba là văn hóa tiêu dùng vẫn là chợ chủ yếu nên để thay đổi cực kỳ khó.

Theo thống kê, nguồn rau từ Quảng Nam đưa ra Đà Nẵng tiêu thụ hằng năm khoảng 12 – 15 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 30%. Về gia súc gia cầm nhập khoảng 60 – 70 nghìn con. Để đảm bảo nguồn thực phẩm cho Đà Nẵng thì giữa hai địa phương đã ký kết hợp tác, trong đó, Quảng Nam cam kết chỉ đạo, hướng dẫn người dân sản xuất thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn chúng tôi đã đưa ra. Chúng tôi đã ban hành quyết định, nếu kiểm tra giám sát sản phẩm của Quảng Nam đưa ra còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ không nhập nữa.

Hiện nay Đà Nẵng đang thiết lập chuỗi cung ứng thịt heo và xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với Quảng Nam về tỷ lệ 15% lượng heo nhập vào Đà Nẵng và giết mổ. Thêm một điều nữa là nguồn thực phẩm sản xuất nhỏ lẻ từ Quảng Nam chưa tham gia chuỗi này rất lớn và đang chi phối thị trường, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, chúng tôi đề nghị Quảng Nam bên cạnh việc triển khai chương trình sản xuất theo chuỗi nên quan tâm thêm đến các vùng rau đang cung cấp cho thị trường Đà Nẵng, trọng tâm là vùng rau Bàu Tròn hay Duy Xuyên để đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Tránh trường hợp chẳng đặng dừng, Đà Nẵng phải công bố rau từ Quảng Nam có dư lượng thuốc trừ sâu hay như thế nào đó gây ảnh hưởng đến người sản xuất. Vì chúng tôi dứt khoát rằng khi kiểm tra nếu nguồn thực phẩm nào tồn dư kháng sinh hay thuốc bảo vệ thực vật thì nhất định sẽ trả về. Hiện tại, chúng tôi hỗ trợ hoàn toàn kinh phí lấy mẫu kiểm tra ban đầu nếu cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp nào của Quảng Nam mở cửa hàng tại Đà Nẵng.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Tiếp tục mở rộng thị trường hợp tác

Qua 3 năm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai các chuỗi liên kết về sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta cơ bản đã đạt được nhiều kết quả. Nhưng qua đó cũng nhìn nhận một số khó khăn. Khó khăn thứ nhất là vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của chuỗi sản xuất thực phẩm sạch. Ban đầu có sự tiếp thu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét về ATTP. Thứ hai, thực hiện triển khai 6 chuỗi nhưng nhu cầu bà con muốn mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác. Như vậy áp lực về hỗ trợ ngân sách. Thứ ba, trong quá trình tổ chức triển khai, vấn đề thị trường là quyết định của câu chuyện sản xuất theo chuỗi. Trong quá trình này, một số sản phẩm vấp phải những khó khăn, chẳng hạn khi triển khai thì thị trường ổn định nhưng đến lúc sản phẩm ra đời thì thị trường bị ảnh hưởng nên lợi nhuận cũng như chi phí không đảm bảo cho vấn đề sản xuất của các cơ sở, đối tác.

Việc chọn chuỗi sản xuất nào là do chúng ta thí điểm, còn lượng hàng hóa, cũng như sản xuất của Quảng Nam thì lớn, cho nên chúng ta chỉ lấy một số mẫu và kiểm tra số lượng hàng hóa trong mẫu đó, ngoài ra sản phẩm ở ngoài chúng ta không thể kiểm soát hết được. Sự đầu tư của các cơ sở sản xuất tập trung vào các chuỗi này thì giá thành lại cao hơn so với các sản phẩm cùng dòng không tham gia chuỗi, cho nên vấn đề cạnh tranh thị trường, giá cả cũng khá khó khăn. Cuối cùng, trong quá trình tổ chức sản xuất chuỗi, lực lượng cán bộ hướng dẫn cũng có hạn chế.

Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức với người dân và đối tác về tầm quan trọng của sản xuất an toàn. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư một số cơ sở, dựa trên những cơ chế chính sách ưu đãi, như sắp đến là cơ chế của Nghị định 98 về hợp tác, liên kết, sản xuất theo chuỗi ATTP trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi sẽ tham mưu mở rộng hợp tác với TP.Đà Nẵng để cụ thể hóa biên bản làm việc giữa 2 địa phương trên phương diện tiêu thụ những sản phẩm ATTP tại Đà Nẵng. Đẩy mạnh quảng bá tiềm năng của Quảng Nam trên nhiều phương tiện cũng như nhiều địa bàn. Tổ chức mạnh mẽ chương trình OCOP cũng là hoạt động để nâng cao hiệu quả cho mô hình chuỗi nông sản an toàn.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương: Tăng cường kiểm soát gian lận thương mại

Tổng kết 3 năm thực hiện thí điểm chuỗi an toàn, về phía Sở Công Thương chúng tôi đánh giá rất cao về chuỗi an toàn, trong đó có các nhóm hàng đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục ưu tiên. Chương trình này đã giúp các nhà sản xuất, các cơ sở, doanh nghiệp có thời gian ổn định, phát triển thị trường. Đây là mô hình rất đúng, rất quan trọng trong giai đoạn kinh tế thị trường đang đề cao vấn đề ATTP. Tôi cho rằng cần nghiên cứu thêm để phát triển, mở rộng các nhóm hàng trong thời gian tới.

Với các doanh nghiệp thành công trong các mô hình thí điểm, muốn phát triển thêm sản phẩm mới, thì cần nâng dần tính chuyên nghiệp của quy trình sản xuất. Từ kiểm soát chất lượng, các thủ tục, mẫu mã, công bố ATTP để nâng cao chất lượng. Nói về câu chuyện phát triển thương hiệu, không chỉ là logo mà còn cả quy trình sản xuất cũng cần phải được quảng bá để tạo nên thương hiệu. Sở Công Thương thời gian tới sẽ định hướng hỗ trợ theo nhóm, kết nối cung cầu. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để kết nối với các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp trên địa bàn để tăng cường công tác quản lý thị trường. Chúng tôi luôn khuyến cáo doanh nghiệp nếu phát hiện đơn vị nào có biểu hiện gian lận thương mại thì cần báo ngay với cơ quan chức năng để xứ lý, làm trong sạch môi trường kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước đệm cho chuỗi nông sản an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO