Chợ truyền thống phòng chống dịch

VIỆT NGUYỄN 07/04/2020 15:33

Ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sức mua yếu nhưng các tiểu thương với sự hỗ trợ của ngành chức năng đã phòng chống dịch có hiệu quả.

Người dân đeo khẩu trang đi mua sắm hàng hóa ở chợ Tam Kỳ cuối tuần qua. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân đeo khẩu trang đi mua sắm hàng hóa ở chợ Tam Kỳ cuối tuần qua. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ế ẩm nhưng không nản

Quan sát của chúng tôi ở các chợ truyền thống, những ngày qua thưa thớt người mua hàng hóa. Tại chợ Tam Kỳ, thỉnh thoảng mới có vài khách mua hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm, dầu phụng...

Chị Nguyễn Thị Thu Minh - tiểu thương bán rau quả tại chợ Tam Kỳ cho biết, nhiều ngày nay bán được rất ít hàng. Nếu như trước khi có dịch Covid-19, mỗi ngày chị bán được khoảng 50kg rau các loại, thì nay chỉ có thể tiêu thụ được dưới 20kg rau.

“Rau quả để lâu sẽ úng hỏng, rất khó bảo quản. Tôi giảm giá bán rau quả để kích cầu tiêu dùng nhưng do ngại dịch bệnh, người mua thưa thớt. Tôi không thể nghỉ bán hàng, vì nếu chỉ nghỉ một ngày thôi thì không có thu nhập” - chị Minh nói.

Không chỉ các quầy hàng rau quả vắng khách mà tại các quầy hàng gia dụng, quần áo, vải vóc, giày dép,... tiểu thương cũng không bán được hàng. “Trước khi có dịch Covid-19, hàng quần áo, giày dép đã ít người hỏi mua vì khó cạnh tranh với các shop thời trang. Nay, người dân hạn chế ra khỏi nhà nên sức mua càng èo uột. Chúng tôi chờ đợi dịch bệnh qua đi và mong hàng hóa quần áo, giày dép đổi mới, thu hút khách để bán hàng hiệu quả hơn” - chị Trần Thị Thu Hồng, tiểu thương bán quần áo ở chợ Tam Kỳ cho biết.  

Ở chợ Hà Lam - trung tâm mua sắm của người dân huyện Thăng Bình, thi thoảng mới có vài người tiêu dùng đến mua hàng. Nhiều tiểu thương cho biết, tiền thuê mặt bằng vẫn phải đều đặn đóng trả đến Ban quản lý chợ Hà Lam khi đến hạn nhưng do ế ẩm nên không dám đặt mua hàng, doanh thu sụt giảm chóng mặt.

Theo ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhiều người hạn chế đi ăn uống, mua sắm tại các chợ truyền thống trên địa bàn. Điều này đã khiến nhiều quán hàng, khu chợ ở Thăng Bình rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách. Không chỉ các cửa hàng, quầy bán trong chợ mà các quán ăn, cửa tiệm lớn xung quanh chợ Hà Lam cũng đang chịu cảnh lao đao. Nhiều hàng quán đã phải đóng cửa, người dân tìm sinh kế khác.

Chủ động phòng chống dịch

Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, ở hệ thống các chợ truyền thống, hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 đều dồi dào, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân trong nhiều ngày sắp đến. Do vậy để phòng chống dịch Covid-19, người dân không nên ồ ạt đi mua sắm ở các chợ, nhu cầu tích trữ hàng hóa là không cần thiết.

Công tác tuyên truyền, vận động tiểu thương và người tiêu dùng chung tay phòng chống dịch Covid-19 luôn được ban quản lý các chợ truyền thống chú trọng. Cứ khoảng 5 phút, hệ thống loa truyền thanh ở các chợ lại phát đi nội dung tuyên truyền phòng chống dịch, kêu gọi những ai có mặt tại chợ phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Riêng các tiểu thương, cứ 60 phút phải tự thực hiện sát khuẩn ở quầy bán hàng của mình.

“Chúng tôi bố trí 14 bình chứa dung dịch sát khuẩn ở các khu vực dễ thấy của chợ, ai đến cũng có thể dùng. Chúng tôi thông báo rất rõ, chỉ có những người tiêu dùng đeo khẩu trang mới được vào chợ mua sắm hàng hóa. Cán bộ của Ban quản lý chợ Tam Kỳ luôn hướng dẫn tiểu thương nới lỏng khu vực buôn bán, tránh tập trung mật độ dày, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, xử phạt nếu tiểu thương hay người mua không đeo khẩu trang tại chợ” - bà Vũ Thị Thanh Nga, Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ nói.

Chiều 4.4, Ban quản lý chợ Hà Lam phối hợp với ngành công thương, lực lượng y tế dự phòng huyện Thăng Bình tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn, sát trùng tại chợ.

Ông Phạm Phú Hòe cho biết, ngoài chợ Hà Lam, sẽ tiến hành phun thuốc ở các chợ nông thôn khác trên địa bàn. Đó là những nơi tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Tại các điểm phun thuốc diệt khuẩn đều lồng ghép truyền thông để người dân biết và mỗi người cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 hiệu quả.

“Chúng tôi tuyên truyền, vận động tích cực để người dân nâng cao hiệu quả phòng Covid-19. Đồng thời khuyến cáo mọi người thường xuyên rửa tay và vệ sinh các bề mặt tiếp xúc ở chợ. Người dân đến mua hàng hóa ở chợ cần cách xa với tiểu thương hơn 2m để hạn chế tiếp xúc gần” - ông Hòe nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ truyền thống phòng chống dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO