Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP: Ưu tiên nguồn lực tiếp sức chủ thể

NHÃ PHƯƠNG 08/04/2021 06:09

Trong 3 năm qua, ngành liên quan cùng chính quyền các cấp ưu tiên nguồn lực hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cam sành - sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2020 của Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương (Bắc Trà My) tham gia nhiều cuộc hội chợ, triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.P
Cam sành - sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2020 của Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương (Bắc Trà My) tham gia nhiều cuộc hội chợ, triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.P

Hỗ trợ phát triển sản phẩm

Ông Hứa Đại Dương  - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất bánh tráng Địch Yên (xã Tiên Phong, Tiên Phước) cho biết, trước đây THT chỉ sản xuất nhỏ lẻ tiêu thụ trong xã, đến năm 2018 đầu tư mua sắm một số máy móc để giảm chi phí về công lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Năm 2019 THT đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm bánh tráng lề Địch Yên. Trước yêu cầu khắt khe của chương trình, THT đầu tư thêm máy sấy, tập trung hoàn thiện chất lượng, đồng thời thiết kế lại bao bì, nhãn mác cũng như đăng ký mã số, mã vạch, mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đáp ứng các yêu cầu đặt ra, THT được UBND huyện Tiên Phước xét hỗ trợ sau đầu tư 200 triệu đồng.

Năm 2019, sản phẩm bánh tráng lề của THT được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Năm 2020 THT tiếp tục đăng ký tham gia chương trình với sản phẩm bánh tráng nướng và được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.

Từ ngày tham gia chương trình OCOP, quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm của THT liên tục mở rộng. Năm 2018 THT sản xuất 30 tấn bánh, doanh thu 900 triệu đồng; năm 2019 sản xuất 50 tấn bánh, doanh thu 1,5 tỷ đồng; năm 2020 mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng THT vẫn sản xuất được 67 tấn bánh, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan ở tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương ở huyện nên thời gian qua Tiên Phước gặt hái nhiều thành quả trong thực hiện chương trình OCOP, trở thành “điểm sáng” nhất của Quảng Nam.

Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho hay, những năm qua huyện đã hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng cho các chủ thể tham gia chương trình đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng sản phẩm OCOP với đa dạng ngành hàng. Giai đoạn 2018 - 2020, Tiên Phước có 28 sản phẩm của 20 chủ thể được UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn OCOP, với 10 sản phẩm 4 sao và 18 sản phẩm 3 sao.

Ông Nguyễn Phi Hồng - cán bộ chuyên trách chương trình OCOP của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam thông tin, trong 3 năm qua tỉnh đã chi hơn 280 tỷ đồng cho OCOP. Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh có 206 sản phẩm của 171 chủ thể được UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 179 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao là đèn lồng Hội An (Dé lantana) của Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam.

Tiếp sức trong tiêu thụ

Ông Mai Minh Nguyệt cho biết, cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng sản phẩm, những năm qua huyện Tiên Phước quan tâm tiếp sức cho các chủ thể đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh, Tiên Phước còn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trung tâm OCOP tại thị trấn Tiên Kỳ; hỗ trợ xây dựng 2 quầy trưng bày, bán hàng OCOP tại xã Tiên Cảnh và Tiên Thọ với số tiền 200 triệu đồng.

Tại Thăng Bình, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin, đến nay toàn huyện có 17 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 15 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao. Thời gian qua, địa phương đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, nhất là chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao tham gia nhiều hội chợ lớn ở một số địa phương của tỉnh và tại Đà Nẵng, Trà Vinh...

“Ngoài tập trung giúp đỡ chủ thể quảng bá sản phẩm, UBND huyện Thăng Bình cũng đã hỗ trợ xây dựng 2 điểm bán hàng OCOP tại xã Bình Đào và Bình Định Bắc. UBND huyện còn chỉ đạo Phòng Kinh tế - hạ tầng hướng dẫn một số chủ thể ký kết hợp đồng bán sản phẩm cho các cửa hàng nông sản sạch tại TP.Hồ Chí Minh, Tam Kỳ, Đà Nẵng và các siêu thị như BigC, CoopMart...” - ông Vũ nói.

Đối với Hội An, từ năm 2018 - 2020 địa phương có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, phát triển sản xuất và xây dựng thương hiệu là vấn đề quan trọng nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm là yếu tố sống còn của bất kỳ cơ sở sản xuất nào. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ Hội An mở rộng mạng lưới điểm bán hàng OCOP trên cơ sở khuyến khích đầu tư tại các điểm đến và các nhà hàng, khách sạn, resort trên địa bàn thành phố. Đây là tiện ích tốt nhất để tiếp cận khách hàng. Đồng thời kêu gọi đầu tư Trung tâm OCOP vùng đạt chuẩn 5 sao theo khung chỉ đạo điểm của Bộ NN&PTNT, trở thành điểm giới thiệu, kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP: Ưu tiên nguồn lực tiếp sức chủ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO