Chuyện tem nhãn...

LÊ TRÍ 24/09/2019 14:14

Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm chuyện tem nhãn trên các sản phẩm mình sử dụng. Từ nông sản trong nước cho đến các sản phẩm ngoại nhập, việc truy xuất nguồn gốc vẫn là kênh đầu tiên tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tem truy xuất, đặc biệt đối với nông sản, chính là kênh bảo hộ đầu tiên cho một sản phẩm “sạch”. Ảnh: LÊ TRÍ
Tem truy xuất, đặc biệt đối với nông sản, chính là kênh bảo hộ đầu tiên cho một sản phẩm “sạch”. Ảnh: LÊ TRÍ

Có nhãn dán... liệu đã an toàn?

Dạo một vòng quanh các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch lẫn các quầy tạp hóa, hầu hết sản phẩm đều có dán tem truy xuất nguồn gốc. Đối với các sản phẩm ngoại nhập, thậm chí ngoài nhãn dán, một số người kinh doanh còn trưng cả hóa đơn xuất nhập cảnh để thể hiện rõ đây chính là hàng “chính gốc”. Thế nhưng, thực tế không hẳn vậy. Tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một số loại trái cây được dán nhãn nhập khẩu từ châu Âu hoặc Úc, nhưng thực chất chỉ là hoa quả Trung Quốc được “phù phép” bằng túi lưới và nhãn mác, tem dán... Chưa kể, đường đi của các sản phẩm ngoại nhập còn rất mơ hồ đối với người tiêu dùng. Thậm chí cùng một dòng sản phẩm, từ nhãn phụ cho đến code mã vạch đều giống nhau, nhưng giá cả lại chênh lệch hơn một nửa. Một tiểu thương kinh doanh hàng trái cây tại Trung tâm Thương mại Tam Kỳ chia sẻ, gian hàng chị không thua gì bất cứ cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nào với đủ loại từ cam Nam Phi, quýt Úc, nho đen Mỹ... Các sản phẩm này đều có tem, nhãn dán. Nhưng nguồn hàng được lấy từ đâu thì không thể biết.

Hiện nay có xu hướng mua hàng qua Facebook, theo lý giải của một chủ tài khoản kinh doanh mặt hàng này, thì giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoa quả nhập khẩu chỉ được cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu theo từng lô hàng, khi doanh nghiệp phân phối về các cửa hàng để bán lẻ tới tay người tiêu dùng thì không thể có những giấy tờ này. Giá thì cao nhưng liệu có phải người tiêu dùng đang sử dụng thực phẩm an toàn? Có chăng cũng chỉ là sự nhận biết, chọn lựa bằng cảm quan, và may rủi...

Bà Bùi Thị Bích Thủy - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Quảng Nam cho biết, ở nhiều cửa hàng, các loại thực phẩm chức năng hàng xách tay không được bày biện lên kệ hàng, nhưng khi khách hỏi sẽ có để cung cấp. Và đây thật sự là bài toán khó đối với các nhà quản lý khi thị trường thực phẩm chức năng đang ngày càng phát triển mạnh, từ bán tại quầy cho đến mua bán qua các trang mạng trực tuyến.

Nông sản gắn tem truy xuất nguồn gốc

Theo chia sẻ của một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện nay, việc triển khai dán tem QR code tại các cơ sở sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khâu ghi nhật ký sản xuất. Bởi mọi số liệu đều ghi lại bằng tay sau đó nhập thủ công lên máy tính, gần đến ngày thu hoạch, mỗi cơ sở lại phải nhập vào chương trình truy xuất, mất khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất chưa ứng dụng tốt công nghệ thông tin, ngại tốn kém chi phí khi gắn mã vạch cho sản phẩm, không muốn sản phẩm bị kiểm soát. Đây là những rào cản lớn khiến người sản xuất vẫn chưa mặn mà với việc đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian tới, Quảng Nam đang tính toán đến chuyện hỗ trợ người sản xuất khi thực hiện việc dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, rất khó để kiểm tra, giám sát các sản phẩm rau, củ, quả, thậm chí hàng ngoại nhập có dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm được triển khai trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay, nhưng đến nay số cơ sở sản xuất thực hiện còn khá khiêm tốn. Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, đã thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng cách vận động, tuyên truyền, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau, quả an toàn, đồng thời, xây dựng các cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm các loại nông sản, thực phẩm an toàn cũng là cách để tem dán thật sự phát huy đúng vai trò của nó.

Nông sản gắn tem truy xuất sẽ minh bạch hóa “lý lịch” bằng mã QR code (tem điện tử) được giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh, người tiêu dùng có thể quét mã nhận diện sản phẩm từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình, thậm chí là ngày thu hoạch, hạn sử dụng và các chứng chỉ kèm theo.

Theo Luật An toàn thực phẩm thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc. Gần đây, một số doanh nghiệp, nhà vườn đã quan tâm đến dán tem nhận diện thương hiệu, tuy nhiên, gắn tem điện tử phải được thiết lập theo hệ thống, gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Ông Huỳnh Đức Tường - Giám đốc HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh cho biết, tem truy xuất nguồn gốc là phương thức đầu tiên để loại bỏ những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Theo ông Tường, việc cần thiết hiện nay là phải siết chặt khâu dán tem truy xuất nguồn gốc. Có như vậy mới loại bỏ được những sản phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi trong cách chọn lựa thực phẩm, chuộng giá rẻ, thuận tiện và không quan tâm đến xuất xứ sản phẩm… thì nguy cơ vấn nạn thực phẩm bẩn sẽ còn tiếp tục lan rộng.

Tem QR code truy xuất cho nông sản góp phần minh bạch hóa nguồn gốc, nâng cao giá trị cạnh tranh cho nông sản. Đồng thời, đây cũng chính là cách tạo niềm tin cho người tiêu dùng với các sản phẩm trong nước. Quan tâm đến tem nhãn dán, sẽ tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt theo đúng với tiêu chí Người Việt dùng hàng Việt hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện tem nhãn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO