Để truyền thông lan tỏa sức hút hàng Việt

VIỆT NGUYỄN 28/08/2019 15:32

Công tác truyền thông giữ vai trò quan trọng trong cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tuy nhiên thời gian qua, điều này chưa được làm một cách bài bản. Cần có sự đầu tư đúng mức để truyền thông có thể lan tỏa hơn nữa sức hút của hàng Việt.

Số ít sản phẩm chất lượng xứ Quảng được chú trọng truyền thông. Ảnh: QUANG VIỆT
Số ít sản phẩm chất lượng xứ Quảng được chú trọng truyền thông. Ảnh: QUANG VIỆT

Sức nặng truyền thông

Đánh giá về thành quả triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh, ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh vai trò của truyền thông. Người tiêu dùng trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ngày càng được cải tiến về mẫu mã, nâng cao chất lượng. Qua truyền thông, doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Truyền thông đã giúp các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. “Lấy ví dụ sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My có chất lượng rất tốt, được truyền thông hiệu quả nên đã đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, khẳng định thương hiệu quốc gia Việt Nam” - ông Lê Thái Bình nói.

Với vai trò của mình, các cơ quan truyền thông của tỉnh đã tổ chức sản xuất nhiều đợt tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nổi bật trên địa bàn, nâng cao vị thế, uy tín hàng hóa, dịch vụ xứ Quảng. Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên công tác truyền thông còn chưa đạt kỳ vọng. Việc phối hợp để thông tin tuyên truyền hàng hóa xứ Quảng của các cơ quan, ban ngành, địa phương còn chưa được đồng bộ, kịp thời. Một số hoạt động truyền thông còn mang tính bề nổi chưa tạo dấu ấn giúp người dân thay đổi quan niệm tiêu dùng để ưu tiên hàng Việt. Định hướng dẫn dắt thông tin của các chương trình khuyến mại, hội chợ, kích cầu tiêu dùng còn bất cập, sơ sài. Thông tin về xử lý hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại còn chưa được cập nhật. “Báo chí thực hiện nhiệm vụ đưa thông tin, dẫn dắt dư luận đều phụ thuộc đối tượng được phản ánh. Công tác phối hợp tổ chức truyền thông của các bên còn lỏng lẻo, khoa trương, đến hẹn lại lên thì khó có tác phẩm báo chí chất lượng, sinh động về nội dung, hấp dẫn về hình thức để thu hút công chúng, từ đó chuyển đổi hướng mua sắm, sử dụng hàng Việt chất lượng” - ông Nguyễn Hữu Đổng nói.

Truyền thông trọng điểm

Các cơ quan truyền thông của tỉnh đề xuất Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Quảng Nam nên có cơ chế cung cấp thông tin để truyền thông tốt hơn đồng thời xử lý nhanh nếu không may khủng hoảng truyền thông xảy đến với sản phẩm chủ lực của tỉnh. Các cấp, các ngành, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để cơ quan truyền thông quảng bá sâu rộng sản phẩm Quảng Nam đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo sự ưa chuộng rộng rãi.

Truyền thông với vai trò tác nghiệp đặc biệt đã phanh phui nhiều vụ gian lận thương mại gây rúng động dư luận. Những vụ việc như khoai tây Trung Quốc trộn bùn đỏ để “hô biến” thành khoai tây Đà Lạt hay Khải Silk bán lụa Trung Quốc với nhãn hiệu Việt Nam đã khiến dư luận phẫn nộ, tẩy chay, cẩn thận hơn trong mua sắm, sử dụng hàng hóa. Báo Quảng Nam đã phản ánh, tuyên truyền mạnh mẽ về sức hút của sản phẩm sâm Ngọc Linh đồng thời đặt dấu hỏi sâm Ngọc Linh có thể bị giả bởi tam thất Trung Quốc bất cứ lúc nào nếu người dân, các ngành chức năng, chính quyền huyện Nam Trà My lơ là trong quản lý. Theo ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai hiệu quả, truyền thông cần đi trước, thông tin tuyên truyền bằng các hình thức, nội dung phù hợp với mỗi sản phẩm, dịch vụ, địa bàn, cộng đồng dân cư. “Công tác truyền thông cần chủ đích tạo động lực, khuyến khích doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, tiếp cận công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu, rộng mở thị trường để sản phẩm, dịch vụ ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với hàng nhập khẩu” - ông Võ Xuân Ca nói.

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bao trùm toàn quốc nhưng riêng Quảng Nam cần xác định truyền thông trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt chú ý đến địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, lan tỏa khuynh hướng sử dụng hàng Việt chất lượng, an toàn. “Hàng hóa, sản phẩm với quy luật cung cầu của vận động thị trường như cái bình thông nhau, do đó định hướng của Quảng Nam không thể không chú ý đến rộng mở thị trường nông thôn với khoảng 70% dân số để kích cầu thị trường nội địa” - ông Nguyễn Hữu Đổng nói. Theo đó, hàng hóa nội địa cần được tập trung quảng bá là hàng hóa có tem nhãn rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc, an toàn cho sức khỏe. “Các sản phẩm OCOP Quảng Nam cần được truyền thông cổ xúy gắn với du lịch, dịch vụ thông qua hội chợ, hướng dẫn viên trực tiếp, tờ rơi, video... Để sản phẩm OCOP thực sự lan tỏa trong người tiêu dùng thì rõ ràng báo chí rất đắc lực khi thông tin trực diện và tương tác trực tiếp với độc giả” - ông Nguyễn Hữu Đổng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để truyền thông lan tỏa sức hút hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO