Đưa vốn chính sách đến hộ nghèo

VIỆT NGUYỄN 05/02/2020 08:33

Với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam đã đưa vốn đến hộ nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nhờ tiếp cận vốn CSXH, hộ nghèo ở huyện Thăng Bình đã đầu tư chăn nuôi bò, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhờ tiếp cận vốn CSXH, hộ nghèo ở huyện Thăng Bình đã đầu tư chăn nuôi bò, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tiếp sức hộ nghèo

Trên địa bàn xã Duy Hải (Duy Xuyên) hiện có 1.243 hộ dân tiếp cận vốn vay CSXH với dư nợ hơn 42 tỷ đồng. Các tổ vay vốn & tiết kiệm do các hội, đoàn thể là nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và thanh niên hoạt động hiệu quả, thu lãi 100%, không có nợ quá hạn trong năm 2019. Chất lượng tín dụng CSXH đạt là hệ quả của việc sử dụng tốt nguồn vốn vay của các hộ nghèo và gia đình chính sách. Theo đó, trong năm 2019, toàn xã đã giảm 45 hộ nghèo so với năm 2018.

“Chúng tôi rất quan tâm trong việc bình chọn hộ được vay vốn đến giải ngân kịp thời, giám sát sử dụng nguồn vốn CSXH của họ. Hồ sơ xử lý nợ rủi ro được quản lý rất chặt chẽ. Nhờ đó, các mô hình kinh tế như khai thác hải sản, chăn nuôi, trồng trọt đem lại giá trị kinh tế khá, hộ nghèo thoát nghèo. An sinh xã hội đảm bảo trên địa bàn” - ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải nói.

Tại địa bàn huyện Phước Sơn, trong năm 2019 có 4.321 hộ vay vốn CSXH, dư nợ đạt 159 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện không xảy ra nợ quá hạn, tất cả tổ vay vốn & tiết kiệm đạt chất lượng khá trở lên. Có được kết quả trên nhờ Ngân hàng CSXH huyện Phước Sơn trong năm qua đã làm tốt công tác bình xét hộ vay vốn, ký kết hợp đồng, giải ngân vốn vay, kiểm tra, giám sát nội bộ, chống rủi ro tín dụng.

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, tổng dư nợ CSXH năm 2019 đạt hơn 4.684 tỷ đồng, tăng hơn 398 tỷ đồng (9,3%) so với năm 2018 với 131.150 hộ đang vay vốn. Nhiều đơn vị tăng trưởng khá như Quế Sơn (18,8%), Hội An (16,4%), Phú Ninh (16%), Tam Kỳ (12,8%), Nam Giang (11,67%). Kết cấu dư nợ theo mục đích sử dụng vốn đa dạng. Về tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh, cho vay giải quyết việc làm... Đối với tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt, cho vay phục vụ học tập của học sinh - sinh viên, cho vay đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, cho vay hộ đầu tư nhà ở xã hội. Trong năm 2019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh CSXH trên địa bàn tỉnh là hơn 6 tỷ đồng (0,13% tổng dư nợ); trong đó, nợ quá hạn là hơn 1,7 tỷ đồng (0,04% tổng dư nợ). Toàn tỉnh có 2 địa phương không có nợ quá hạn là Hội An và Phước Sơn.

Phát huy hiệu quả

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được kịp thời để giúp họ tiếp cận vốn vay. Tại các điểm giao dịch xã, chính quyền cần thực hiện tốt vai trò thành viên ban đại diện, giao ban chặt chẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh.

Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Điện Bàn đã thực hiện khá tốt vai trò cầu nối đưa tín dụng CSXH đến các hộ nghèo trong năm qua bằng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng CSXH thông qua hoạt động năng nổ ở các tổ tiết kiệm và vay vốn. Cán bộ đã đến từng thôn, xóm kết hợp với cán bộ ở cơ sở thực hiện “gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm rõ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để từ đó chủ động xây dựng phương án giải ngân phù hợp.

Bà Đinh Thị Lệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Điện Bàn cho biết, năm 2020 sẽ phát huy các thành quả đạt được, triển khai nhiều nội dung, phương hướng quan trọng. Đó là bám sát nhiệm vụ, kế hoạch, phương hướng, chỉ tiêu của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh giao để tăng cường huy động vốn trong nhân dân cũng như tham mưu UBND thị xã cấp bổ sung vốn. Đó là cách tốt nhất để các hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách... tăng cơ hội tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam trong năm 2020 là tăng chất lượng tín dụng. Theo đó, ưu tiên nguồn vốn đến các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao cũng như các đơn vị có mức dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc. Nguồn vốn CSXH cần được đưa đến các xã nghèo ở miền núi, các xã đang xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ. Chương trình cho vay khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, chương trình cho vay xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm cần chú trọng hơn. Cả hệ thống ngân hàng CSXH phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng ở mức 9 - 11%. Tỷ lệ thu lãi cần đạt 100%. Cả tỉnh cần có 100% phòng giao dịch ngân hàng CSXH có chất lượng tín dụng tốt.

Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam kêu gọi cả hệ thống Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam kịp thời giải ngân ngay nguồn vốn được phân bổ đến đúng hộ vay vốn, kể cả nguồn vốn thu hồi quay vòng, không để vốn tồn đọng. Cả hệ thống ngân hàng cần thực hiện tốt kế hoạch thu nợ, giải ngân từng ngày, từng tuần để có cơ sở điều hành kế hoạch nguồn vốn linh động, hiệu quả. Để nâng cao chất lượng tín dụng, cả hệ thống cần kiểm soát chặt chẽ nợ đến hạn, chủ động xử lý nợ, nhất là nợ rủi ro. Đối với món vay trên 50 triệu đồng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả vốn vay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa vốn chính sách đến hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO