Hướng đến cung ứng hải sản an toàn

VIỆT NGUYỄN 06/05/2020 10:54

Cung ứng hải sản an toàn đến người tiêu dùng là vấn đề cấp thiết, cần sự quan tâm đầu tư đồng bộ từ cơ sở kinh doanh hải sản và công tác giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng liên quan...

Ngành chức năng lấy mẫu ở cơ sở kinh doanh hải sản Phạm Tấn Vũ để xét nghiệm hàm lượng kim loại nặng, u rê... trong cá ngừ. Ảnh: V.NGUYỄN
Ngành chức năng lấy mẫu ở cơ sở kinh doanh hải sản Phạm Tấn Vũ để xét nghiệm hàm lượng kim loại nặng, u rê... trong cá ngừ. Ảnh: V.NGUYỄN

Nhiều sai phạm

Ngày 4.5, ra quân trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP), Đoàn thanh tra liên ngành do Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản & thủy sản (Sở NN&PTNT) dẫn đầu đã kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm của các cơ sở kinh doanh hải sản.

Ở khu vực cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành), cơ sở kinh doanh hải sản của bà Trần Thị Đông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong phạm vi rộng lớn quanh không gian kinh doanh hải sản này, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. Đá ướp lạnh đổ bừa bộn xuống nền trước khi ướp hải sản. Cá được rửa sơ sài, nước lênh láng trên nền đất rồi chảy xuống sông.

Bà Trần Thị Đông cho biết, do cảng cá Tam Quang đang thi công nên phải chuyển đến cảng Kỳ Hà kinh doanh hải sản tạm bợ. “Đầu tư để đảm bảo ATTP khi kinh doanh hải sản tốn kém hàng trăm triệu đồng trong khi đó, cảng Kỳ Hà chỉ là địa điểm kinh doanh tạm thời. Khi cảng cá Tam Quang hoàn thành, đưa vào sử dụng, chúng tôi được bố trí địa điểm kinh doanh ổn định, sẽ đầu tư đúng theo quy định” - bà Đông nói.

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản & thủy sản cho rằng, với các điều kiện kể trên, rất lo ngại hải sản không đảm bảo ATTP sẽ đến tay người tiêu dùng. Qua kiểm tra, đoàn công tác chỉ tuyên truyền vận động chủ cơ sở hải sản nâng cao ý thức về ATTP chứ chưa thể xử phạt vì nguyên nhân khách quan.

Tương tự, cơ sở thu mua hải sản của bà Nguyễn Thị Hoàng Ni ở cảng Kỳ Hà cũng không đảm bảo các quy định về ATTP. Ông Nguyễn Hoàng Dũng - thanh tra chuyên ngành của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản & thủy sản cho rằng, đoàn công tác sẽ làm việc với UBND huyện Núi Thành và khuyến nghị các giải pháp để huyện chỉ đạo UBND xã Tam Quang thường xuyên kiểm tra, xử lý sai phạm của các cơ sở kinh doanh hải sản nói trên, bảo đảm hải sản an toàn được đưa đến người tiêu dùng cũng như đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Cũng trong ngày 4.5, đoàn thanh tra liên ngành do Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản & thủy sản dẫn đầu đã kiểm tra cơ sở kinh doanh hải sản Phạm Tấn Vũ (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành). Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn từ tháng 10.2019 nhưng đến nay chủ cơ sở vẫn chưa liên hệ với cơ quan chức năng của UBND huyện Núi Thành để được thẩm định, cấp lại. Đoàn công tác đã nhắc nhở một số lỗi sai phạm của cơ sở này như nguồn nước đá để ướp cá không được xử lý, còn bốc mùi hôi khi thải ra môi trường. Đoàn đã lấy mẫu cá để xét nghiệm các hàm lượng kim loại nặng, u rê... để xử lý nếu phát hiện sai phạm trong bảo quản hải sản.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, có bất cập trong quản lý ATTP trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Cụ thể, ngành nông nghiệp quản lý nhưng không có chức năng thanh tra kiểm tra, lấy mẫu nên không thể xử lý nếu các cơ sở chưa có giấy chứng nhận ATTP hoặc có nhưng đã quá hạn. Liên quan đến quản lý, hiện Phòng NN&PTNT Núi Thành chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này, cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc nên triển khai ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản còn chậm. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác này không có nên rất lúng túng khi tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra.

Về giải pháp trong thời gian đến, Phòng NN&PTNT Núi Thành sẽ triển khai thường xuyên các hoạt động thông tin, truyền thông giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là hàng hải sản thay đổi thói quen, hành vi về ATTP. Địa phương kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc sản xuất, kinh doanh và cung ứng thực phẩm nói chung, hàng hải sản nói riêng đến người tiêu dùng.

Ông Trần Bốn cho rằng, việc nhận diện, đánh giá toàn diện về ATTP đối với hàng hải sản để triển khai đồng bộ các giải pháp hiện chưa được thực hiện đầy đủ. Trong thời gian đến sẽ đánh giá thực trạng ATTP hải sản tươi sống từ tàu cá, cảng cá, cơ sở mua bán hải sản và hàng hải sản ở các chợ, siêu thị. Theo đó, sẽ khảo sát, đánh giá trên các mặt về điều kiện đảm bảo ATTP, kiến thức, kỹ năng về ATTP, việc thực thi các quy định về ATTP, tình hình thực hiện các quy phạm thực hành về ATTP... Điều quan trọng là sẽ đánh giá các nguy cơ của hải sản không an toàn đối với người tiêu dùng; hướng dẫn, hỗ trợ tàu cá, cảng cá, cơ sở thu mua hải sản áp dụng bộ tài liệu tập huấn về ATTP với nội dung phù hợp, thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến cung ứng hải sản an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO