Kiểm tra sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Nhiều cơ sở vi phạm

VIỆT NGUYỄN 25/09/2019 10:35

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định.

Sản phẩm bánh, kẹo không đảm bảo ATTP được bán ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: QUANG VIỆT
Sản phẩm bánh, kẹo không đảm bảo ATTP được bán ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: QUANG VIỆT

Vi phạm hàng loạt

Mới đây, Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP do Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) dẫn đầu đã phát hiện, xử lý hàng loạt vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. 

Cơ sở sản xuất bánh, kẹo Lợi Phổ (thôn An Lạc, xã Duy Thành, Duy Xuyên) do ông Huỳnh Tấn Ánh làm chủ không có hồ sơ khám sức khỏe cho người lao động. Trang bị bảo hộ lao động cho công nhân không đầy đủ. Nguyên liệu sử dụng để chế biến bánh, kẹo không có nguồn gốc xuất xứ. Ông Ánh sử dụng hóa chất, phụ gia là va ni không có trong danh mục cho phép. Cơ sở sản xuất bánh, kẹo Lợi Phổ đã ghi nhãn sản phẩm chưa đầy đủ. Sản phẩm chưa công bố chất lượng. Trong quá trình sản xuất bánh, kẹo không kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. 

“Chúng tôi bắt buộc phải thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên cấp cho cơ sở sản xuất bánh, kẹo Lợi Phổ và quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở này. Các sản phẩm bánh dừa nướng, bánh đậu xanh được lấy mẫu, nếu kết quả kiểm nghiệm cho thấy không đạt tiêu chuẩn ATTP, chúng tôi tiếp tục xử phạt nặng. Cơ sở sản xuất bánh, kẹo Lợi Phổ chỉ được hoạt động trở lại khi khắc phục hoàn toàn các vi phạm” - ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Hành chính - tổng hợp kiêm Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết.

Ở TP.Hội An, vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng rất nghiêm trọng. Cơ sở sản xuất bánh kem Hoàng tử Bắp (13 Thái Phiên, TP.Hội An) có khu sản xuất chật hẹp, lộn xộn. Trang bị bảo hộ lao động cho người sản xuất không đầy đủ. Nhãn hàng hóa thiếu thông tin. Sản phẩm không an toàn, chưa truy xuất được nguồn gốc. Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở này cho đến khi hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục và khắc phục các vi phạm về điều kiện thực hành sản xuất bánh. 

Cửa hàng kinh doanh tạp hóa Nga Toàn (78 Đinh Tiên Hoàng, TP.Hội An) cũng đã vi phạm nhiều quy định ATTP trong kinh doanh thực phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã yêu cầu cửa hàng này trả sản phẩm bột ngọt không nhãn mác về nơi sản xuất và lấy các mẫu nước mắm, bò khô, bánh dẻo, cà phê bột để kiểm tra, xử lý theo quy định. Tương tự, cơ sở sản xuất nem, chả Cô Anh (282 Nguyễn Duy Hiệu, TP.Hội An) sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ; chưa công bố chất lượng sản phẩm; không giám sát chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn. Ngành chức năng yêu cầu cơ sở nói trên khắc phục các vị phạm.

Cần quản lý chặt 

Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết, đang chờ các kết quả phân tích của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (TP.Đà Nẵng) sau khi test nhanh và lấy nhiều mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm. Khi có kết quả cụ thể, sẽ xử lý nặng, góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Những hồ sơ vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ được gửi về các cơ quan chức năng nơi các cơ sở đó hoạt động để thuận tiện trong quản lý, kiểm tra, giám sát.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP do Sở Công Thương dẫn đầu cho biết, đã phát hiện hàng loạt vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các huyện Núi Thành, Hiệp Đức và thị xã Điện Bàn. Trong đó, đáng chú ý là nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm bán hàng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và bán hàng hết hạn sử dụng. Đặc biệt, việc sản xuất rượu truyền thống còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu tư sơ sài, không theo các quy định về ATTP nhưng các cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã chưa xử lý triệt để. “Ở mỗi địa phương, chúng tôi chỉ có 2 ngày để kiểm tra, thanh tra nên dù phát hiện, xử lý nhiều vi phạm vẫn chưa đầy đủ. Trong khi đó, ở cấp huyện chưa có cơ sở dữ liệu về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cán bộ phụ trách ATTP ở cấp huyện vào cuộc thanh tra, kiểm tra chưa năng nổ” - ông Dũng nói.

Mỗi năm, Ban chỉ đạo về ATTP tỉnh có 3 đợt đi thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP vào tháng cao điểm ATTP, dịp Tết Trung thu và dịp Tết Nguyên đán. Theo ông Thiều Việt Dũng như vậy là quá ít, không thể xử lý hiệu quả tình trạng mất ATTP, đặc biệt là thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường. Ở mỗi lần thanh tra, kiểm tra, “điệp khúc” cũng chỉ là nhắc nhở, chưa thể xử phạt mạnh đủ sức răn đe. Ông Thiều Việt Dũng đề xuất các cơ quan phụ trách ATTP cấp huyện, cấp xã cần triển khai thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời ngăn chặn các vi phạm. Ngành quản lý thị trường với chuyên môn, nghiệp vụ cao cần thanh tra, kiểm tra ATTP xuyên suốt các thời gian trong năm, xử lý nghiêm các vi phạm và chịu trách nhiệm đối với từng địa bàn phụ trách, quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm tra sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Nhiều cơ sở vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO