Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

VIỆT NGUYỄN 20/01/2021 06:14

Sản xuất, kinh doanh của các tiểu thương, cơ sở trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên nhiều mặt hàng thực phẩm được bày bán không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) ở các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện còn lúng túng, bất cập.

Chả các loại được bà Nguyễn Thị H. bày bán xen kẽ với các loại thịt tươi sống gây nguy cơ cao về nhiễm khuẩn chéo. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Chả các loại được bà Nguyễn Thị H. bày bán xen kẽ với các loại thịt tươi sống gây nguy cơ cao về nhiễm khuẩn chéo. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều sai phạm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, các ngành chức năng của tỉnh gồm nông nghiệp, y tế, công thương đang phối hợp chặt chẽ với ngành công an, quản lý thị trường để triển khai cao điểm thanh tra, kiểm tra về ATTP. Mục đích là hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đồng thời huy động tối đa các kênh truyền thông để phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về ATTP đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Hôm qua 19.1, Đoàn thanh tra liên ngành về ATTP do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) làm trưởng đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm về ATTP của các tiểu thương ở chợ Đàng (xã Quế Châu, Quế Sơn). Cụ thể, ở quầy hàng kinh doanh của bà Nguyễn Thị H., các loại chả bò, chả heo được bố trí lộn xộn, xen kẽ với các loại thịt heo, thịt bò tươi sống nên rất dễ xảy ra nhiễm khuẩn chéo. Các loại vi khuẩn có trong thịt sống rất dễ xâm nhiễm vào chả bò, chả heo, gây mất ATTP. Ngành chức năng đã nhắc nhở, tuyên truyền, vận động nhưng bà H. không tuân thủ mà còn phản ứng mạnh.

“Năm hết tết đến, buôn bán ế ẩm. Các lực lượng có công an, quản lý thị trường đến làm việc, khách hàng tưởng tôi có sai phạm gì quá nghiêm trọng không mua hàng nữa thì thua lỗ làm sao xoay xở được” - bà H. nói. Trung tá Nguyễn Quang Danh - cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã mất nhiều thời gian giải thích nhưng bà H. vẫn chống đối.

Cũng ở chợ Đàng, tại quầy kinh doanh của bà Thái Thị H., ngành chức năng đã phát hiện bánh khô mè Hoài Nam (nhãn ghi địa chỉ thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) được bày bán nhưng không có xuất xứ rõ ràng. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã liên hệ với chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Hoài Nam thì được biết cơ sở sản xuất không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh sản phẩm đảm bảo ATTP. Đoàn thanh tra liên ngành đã liên hệ với Ban Quản lý chợ Đàng để thông báo bánh khô mè Hoài Nam không đảm bảo các quy định về ATTP nên cần phối hợp với các tiểu thương ở chợ thu hồi hàng hóa để sản phẩm không đến tay người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm. 

Đoàn thanh tra liên ngành về ATTP của tỉnh trong những ngày qua đã phát hiện nhiều sai phạm về ATTP của các tiểu thương, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Nhiều quầy hàng bán thực phẩm xuất xứ từ nước ngoài nhưng không có tem phụ tiếng Việt. Nhiều tiểu thương bán thực phẩm quá hạn sử dụng. Không ít cơ sở sản xuất bánh kẹo có nhiều động vật gây hại... 

Bất cập quản lý

Tại huyện Quế Sơn, ngành chức năng của địa phương đã cấp 129 hồ sơ, thủ tục cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng trong số đó mới chỉ có 18 giấy xác nhận kiến thức ATTP, 73 bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

 

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, quản lý ATTP trên địa bàn còn lúng túng, bất cập. Ban Chỉ đạo ATTP huyện Quế Sơn hoạt động chưa đồng bộ, công tác chỉ đạo triển khai còn chưa sâu sát, toàn diện. Việc cấp giấy đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp chưa đạt yêu cầu. Đáng nói hơn, các ngành, đơn vị, địa phương chưa bám sát nhiệm vụ để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ về ATTP. 

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, lĩnh vực ATTP trên địa bàn tỉnh đang đối diện với nhiều thách thức. Địa bàn Quảng Nam rộng nhưng số lượng cán bộ, biên chế quản lý ATTP ở cấp huyện, thị xã, thành phố hầu hết chỉ là kiêm nhiệm, chuyên môn hạn chế lại thường thay đổi vị trí. Sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm không ổn định...

Về giải pháp trong thời gian đến, ông Trần Bốn cho rằng, sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hội thảo tư vấn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thực phẩm theo chuỗi, sản phẩm thực phẩm an toàn. Ngành chức năng xây dựng mới các chuỗi thực phẩm có lợi thế của tỉnh và kết nối chuỗi tiêu thụ ra các tỉnh thành lân cận và toàn quốc, hướng đến xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO