Nông Sơn hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp

TÂM LÊ - MINH THÔNG 20/01/2021 08:04

Những năm gần đây, huyện Nông Sơn tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) theo hướng hỗ trợ các cơ sở sản xuất tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Sau khi được hỗ trợ đầu tư máy móc sản xuất, các sản phẩm của cơ sở nhôm kính xingfa của ông Nguyễn Văn Thành Thông có độ chính xác và tính thẩm mỹ cao hơn. Ảnh: LÊ THÔNG
Sau khi được hỗ trợ đầu tư máy móc sản xuất, các sản phẩm của cơ sở nhôm kính xingfa của ông Nguyễn Văn Thành Thông có độ chính xác và tính thẩm mỹ cao hơn. Ảnh: LÊ THÔNG

Sau 4 năm làm việc ở Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Pháp (thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) về quê mở xưởng cơ khí. Anh Pháp chia sẻ, thời gian đầu, không có vốn nhiều, chỉ mua máy móc cũ để làm, nên việc sản xuất gặp khó khăn. Năm 2020, từ nguồn vốn khuyến công của huyện, anh được hỗ trợ 30 triệu đồng để mua máy móc. Anh Pháp mua máy hàn Hồng Ký MIG, máy cắt sắt 5HP-380V, máy nén khí Puma, máy cắt sắt Mikita loại xách tay với tổng kinh phí 60 triệu đồng.

“Nhờ đầu tư máy móc nên năng suất cao gấp 3 lần so với bình thường, khi làm việc ít khói, ít độc hơn, múi hàn đẹp hơn. Đến nay, cơ sở gia công cơ khí dân dụng của tôi giải quyết được 3 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng” - anh Pháp nói.

Tương tự, cơ sở nhôm kính xingfa của ông Nguyễn Văn Thành Thông (thôn Lộc Trung, xã Quế Lộc) cũng được nguồn vốn khuyến công của huyện hỗ trợ mở rộng sản xuất. Theo ông Thông, trước đây, nhờ làm việc có uy tín nên cơ sở của ông nhận được nhiều đơn hàng ở các địa phương toàn huyện. Tuy nhiên, do máy móc, thiết bị còn thiếu, nhiều công đoạn làm thủ công nên công suất phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu, phải bỏ nhiều đơn đặt hàng. Năm 2020, từ nguồn hỗ trợ 60 triệu đồng của Nhà nước, ông Thông đầu tư mua máy cắt nhôm hai đầu xoay góc tự động một pha, chạy từ, máy ép góc xingfa, máy đột dập xingfa với tổng giá trị 125 triệu đồng.

Ông Thông nói: “Nhờ có nguồn hỗ trợ này, tôi mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Từ khi có máy móc, việc làm ra sản phẩm nhanh, gọn hơn, độ chính xác và tính thẩm mỹ cũng nâng lên rõ rệt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện, cơ sở của tôi tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương”.

Bà Phan Thị Bích Phượng - Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nông Sơn cho biết, những năm qua, chương trình khuyến công được triển khai phong phú, đa dạng, hỗ trợ phát triển nhiều ngành nghề trên địa bàn. Sau khi các cơ sở nộp đơn đề nghị, phòng sẽ cử người xuống kiểm tra, khảo sát; nếu đủ điều kiện sẽ tiến hành hỗ trợ.

Trong 3 năm qua, chương trình khuyến công huyện đã hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng cho 9 cơ sở kinh doanh, hợp tác xã phát triển các ngành nghề TTCN. Đến nay, các cơ sở TTCN này giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương. Bên cạnh hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất, chương trình khuyến công của huyện còn hỗ trợ các cơ sở tham gia lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, hội chợ, giúp các cơ sở mở rộng quan hệ, tạo chuỗi liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm.

“Không chỉ khuyến khích mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường, chương trình khuyến công của huyện còn đồng hành với các cơ sở TTCN từ khi khởi nghiệp đến khi tạo ra sản phẩm. Việc này giúp các cơ sở yên tâm mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn” - bà Phượng cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông Sơn hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO