Quảng bá sản phẩm tiêu biểu xứ Quảng

CHÂU NỮ 11/11/2019 11:19

Sáng qua 10.11, tại Co.opMart Tam Kỳ, Sở Khoa học và công nghệ (KH-CN) tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của Quảng Nam. Chương trình góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và phát triển nhãn hiệu đặc sản xứ Quảng.

Nhiều khách hàng tham quan gian trưng bày sản phẩm.
Nhiều khách hàng tham quan gian trưng bày sản phẩm.
Đa dạng sản phẩm

Trong chương trình lần này, Sở KH-CN trưng bày gần 40 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các địa phương trong tỉnh. Từ gạo quê Phong Thử (Điện Bàn), phở sắn Đông Phú (Quế Sơn), bánh tráng Đại Lộc đến chè dây Za Réh, ớt Ariêu (Đông Giang); nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ)... Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, đến nay Quảng Nam có hơn 70 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã và đang xác lập cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề của tỉnh. Còn theo bà Hà Thị Ánh Tuyết - Phó Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành Sở KH-CN, việc lựa chọn và xác định hình thức bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống dựa trên cơ sở hiện trạng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm gắn với địa danh như rau sạch Trường Xuân, bánh tráng Đại Lộc, gạo quê Phong Thử...; tính đặc thù của sản phẩm như danh tiếng, uy tín, chất lượng, thị trường, tiềm năng phát triển cũng như điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Giới thiệu sản phẩm chè dây Za Réh với khách hàng. Ảnh: C.N
Giới thiệu sản phẩm chè dây Za Réh với khách hàng. Ảnh: C.N

Bà Lê Thủy Trinh cho biết, việc phát triển sản phẩm đặc trưng và sản phẩm làng nghề truyền thống của các địa phương đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo việc làm và là cơ sở để gắn với việc phát triển du lịch tại địa phương. Điều quan trọng là, việc làm này góp phần bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, lịch sử kết tinh trong từng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống và đưa chúng trở thành hàng hóa, tham gia các kênh tiêu thụ có giá trị, nhằm nâng cao thu nhập cho cộng đồng, đặc biệt là người nghèo khu vực nông thôn, đồng bào các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, từ một tổ hợp tác sản xuất ớt Ariêu chỉ có 14 thành viên tham gia trồng 6ha ớt, đến nay đã phát triển thành Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Mà Cooih, thu hút nhiều hộ tham gia trồng hơn 10ha và thu lãi vài chục triệu đồng/hộ/vụ. Nhưng theo ông Trần Quốc Trí - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih, cái được lớn hơn là sản phẩm có giá trị và người dân địa phương đã biết canh tác theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP và biết ứng dụng KH-CN vào sản xuất sản phẩm.

Nâng tầm thương hiệu

Theo kế hoạch, đến năm 2020 Quảng Nam hoàn thành việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 32 sản phẩm mới, trong đó tạo lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức nhãn hiệu tập thể cho 30 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống; tạo lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận cho 2 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống. Đồng thời xây dựng và vận hành có hiệu quả mô hình hệ thống tổ chức quản lý, phát triển quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 26 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống.

Trong số gần 40 sản phẩm trưng bày tại Co.opMart Tam Kỳ lần này, chè dây Ra Zéh và ớt Ariêu Đông Giang được nhiều khách hàng quan tâm. Đây cũng là các sản phẩm khởi nghiệp của hai HTX. Ông Hà Văn Hưng - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư (Đông Giang) chia sẻ, sản phẩm chủ lực của HTX là chè dây Ra Zéh. Mỗi tháng HTX  bán khoảng 1 - 2 tạ chè khô. Sự hỗ trợ của Sở KH-CN về sở hữu trí tuệ cùng với thực hiện đề án bảo tồn, phát triển chè dây Ra Zéh của địa phương không chỉ tạo thuận lợi cho HTX, tạo thương hiệu cho chè dây Ra Zéh mà qua đó cũng tạo việc làm cho người dân. “Sắp tới, HTX sẽ từng bước đa dạng hóa sản phẩm, đưa thêm sản phẩm trà túi lọc ra thị trường để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng” - ông Hưng cho biết thêm. Còn theo ông Trần Quốc Trí, cùng với sự nỗ lực của HTX và được Sở KH-CN hỗ trợ trưng bày, giới thiệu, từ quả ớt bản địa, HTX áp dụng tốt phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng ớt ngày càng được nâng cao và trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Hiện HTX sản xuất 5 sản phẩm từ ớt Ariêu, gồm: tương ớt, muối ớt, ớt dầm muối, ớt muối chua, ớt muối măng. “Việc trưng bày sản phẩm ở một địa điểm thuận lợi, thu hút nhiều khách hàng như Co.opMart Tam Kỳ là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm ớt Ariêu đến với nhiều người” - ông Trần Quốc Trí nói thêm. Tham quan gian trưng bày sản phẩm, bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, một số sản phẩm trong số này đã được bày bàn tại siêu thị và với những sản phẩm  đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống có thương hiệu, Co.opMart Tam Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về mặt thủ tục, hồ sơ để đưa sản phẩm vào siêu thị. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng bá sản phẩm tiêu biểu xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO