Tạo cú hích cho sản phẩm làng nghề

VIỆT NGUYỄN 18/04/2020 14:06

Làng nghề Quảng Nam đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc nhưng cần gỡ khó, thúc đẩy phát triển mới cạnh tranh được trên thị trường.

Bà Lê Thị Lợi tâm huyết với nghề chế biến nước mắm ở làng nghề Cửa Khe. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bà Lê Thị Lợi tâm huyết với nghề chế biến nước mắm ở làng nghề Cửa Khe. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trong xu thế cạnh tranh

Quảng Nam có nhiều lợi thế về văn hóa cộng đồng, đa dạng tài nguyên nên các làng nghề có cơ hội phát triển. Ở xã Đại Minh (Đại Lộc), làng trống Lâm Yên nổi tiếng một thời nay vẫn duy trì nhưng hoạt động nhỏ lẻ vì ít đơn hàng. Với bàn tay khéo léo, sáng tạo của mình, thợ mộc làng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) đã góp phần tạo nên phố cổ Hội An cổ kính đầy quyến rũ.

Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng của làng mộc Kim Bồng cho biết, khó khăn hiện nay của người làm nghề mộc Kim Bồng là làm nhiều hàng hóa nhưng không biết bán cho ai. Hàng Trung Quốc tràn sang, hàng Thái Lan cũng xâm nhập thị trường rất mạnh.

“Du khách ngày càng ít ỏi đến tham quan, mua sắm các sản phẩm mộc Kim Bồng. Nghệ nhân muốn duy trì làng nghề nhưng khó sống được với nghề vì sản phẩm bị lấn át bởi làn sóng hàng ngoại nhập tràn lan, giá rẻ. Nhà nước cần có quy hoạch, định hướng và tháo gỡ chính sách để làng nghề có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập" - ông Huỳnh Sướng nói.

Làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) nức tiếng gần xa nhờ sản phẩm thơm ngon nổi tiếng. Bà Lê Thị Lợi - chủ cơ sở chế biến nước mắm ở đây cho biết, lợi thế là kinh nghiệm chế biến nước mắm được giữ gìn, truyền đời. Tuy nhiên, điểm yếu là khả năng quản trị, quản lý sản xuất còn chưa đáp ứng được trong xu thế cạnh tranh gay gắt. Bởi vậy, sản phẩm có giá thành cao, khó cạnh tranh.

Hiện nhiều làng nghề gặp không ít khó khăn về mặt bằng sản xuất, thiếu lao động có tay nghề cao, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất... Cũng phải tính đến những khó khăn trong việc trao truyền, lưu giữ nghề trong bối cảnh nhiều làng nghề đang bị mai một.

Ông Đặng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương (Thăng Bình) cho rằng, huyện, tỉnh cần hỗ trợ làng nghề bằng cách triển khai các chương trình xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài tỉnh để khơi thông thế mạnh, chiếm lĩnh thị trường.

Hỗ trợ thiết thực

Quảng Nam hiện có hơn 60 làng nghề, đa dạng về quy mô và loại nghề truyền thống. Để duy trì được các làng nghề này, ngoài việc cố gắng giữ nét độc đáo truyền thống của làng nghề mình, người dân và chính quyền địa phương còn phải luôn tạo ra những sản phẩm mới mẻ, dịch vụ đa dạng để có thể thu hút được du khách, phát triển sản phẩm làng nghề đi đôi với sản phẩm du lịch.

Nhiều sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được Sở KH-CN hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Các làng nghề được ngành chức năng hỗ trợ đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đang gặp khó vì thiếu thế hệ kế cận do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Ông Trương Công Thuận - Phó trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, từ nguồn ngân sách khuyến công, đã tập trung vào đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cho các làng nghề trên địa bàn. Điều cần thiết là ngành chức năng của tỉnh, huyện cần quy hoạch, hình thành cụm làng nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề cần nỗ lực hơn nữa trong mọi hoạt động. Đặc biệt, các hộ sản xuất cần chủ động tìm hướng đi mới để thích ứng với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khi hội nhập ngày càng mở rộng. Quan trọng là doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cần chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Đó là nền tảng phát triển, giúp các làng nghề phát triển bền vững và tăng thu nhập cho người dân. Sở sẵn sàng phối hợp với các hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương để hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các làng nghề nắm bắt được các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển.

Chính quyền các địa phương cần quan tâm lắng nghe, chỉ đạo để phát triển kinh tế làng nghề mạnh hơn. Trong đó, coi trọng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết giữa các thành viên trong làng nghề và làng nghề này với làng nghề khác để giải bài toán thiếu hụt nguyên liệu, cũng như tạo chuỗi sản phẩm sinh động, bắt mắt, thu hút khách hàng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo cú hích cho sản phẩm làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO