Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

VIỆT NGUYỄN 28/02/2020 09:44

Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) diễn biến phức tạp đã tác động xấu đến sản xuất của doanh nghiệp (DN). Ngành hải quan và công thương đang áp dụng những giải pháp thiết thực để hỗ trợ DN xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Nam Giang. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Nam Giang. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhập khẩu bị ảnh hưởng

Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Quảng Nam đã giải quyết thủ tục hải quan cho 287 DN (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2019), thực hiện thông quan hàng hóa cho 10.863 tờ khai (tăng 17,3% so với cùng kỳ); trong đó khai xuất khẩu đạt 3.834 tờ (tăng 26%) và khai nhập khẩu là 7.029 tờ (tăng 13,04%).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 373 triệu USD (giảm 12,85% so với cùng kỳ). Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 143 triệu USD (tăng 16,64% so với cùng kỳ), chủ yếu là hàng hóa may mặc, giày, chíp cảm ứng, dệt may, phụ kiện, vòi nước với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Mỹ, các nước EU.

Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 230 triệu USD (giảm 24,7% so với cùng kỳ), mặt hàng chủ yếu là linh kiện ô tô, nguyên liệu sản xuất, gạch men, nguyên liệu sản xuất may mặc. Đáng nói, nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đạt hơn 25,2 triệu USD (chiếm hơn 10% kim ngạch nhập khẩu, giảm 41,6% so với cùng kỳ năm trước). 

Theo Cục Hải quan Quảng Nam, bám sát chỉ đạo của cấp trên, đã đề nghị các chi cục hải quan tăng cường triển khai công tác phối hợp tuần tra với lực lượng biên phòng, kiểm soát chặt chẽ tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, giám sát chặt chẽ người, phương tiện qua lại, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, các trường hợp vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, các hành vi gian lận thương mại qua biên giới.

Ông Đặng Thanh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam cho biết, nhờ dự trữ nguyên liệu từ trước nên nhiều DN chủ động sản xuất. Thị trường xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là các nước Nhật Bản, Mỹ, EU nên không ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên, hiện đa số DN Quảng Nam là các DN gia công để xuất khẩu hàng hóa, trong khi các nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nên đã ảnh hưởng xấu, nhập khẩu giảm đến hơn 24% so với cùng kỳ. Theo đó, số thu ngân sách chỉ đạt hơn 846,1 tỷ đồng (giảm 30,28% so với cùng kỳ năm 2019), tức giảm hơn 367,3 tỷ đồng (đạt 16,12% so với chỉ tiêu là 5.250 tỷ đồng).

“Dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, trong khi đó trên địa bàn chủ yếu là các DN của Trung Quốc, Hàn Quốc đầu tư nên sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu. Số thu nộp ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Quảng Nam dự đoán cũng sẽ tiếp tục giảm mạnh” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang cho biết, đang khẩn trương chống dịch Covid-19 nhưng luôn đảm bảo lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu sang nước bạn Lào chủ yếu là máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng thủy điện, còn hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là tinh bột sắn để DN Quảng Nam chế biến, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc. Do dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc nên chế biến tinh bột sắn của DN Quảng Nam bị ảnh hưởng xấu, nguy cơ hàng nhập khẩu sẽ giảm trong thời gian tới.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết, theo cơ cấu ngành, DN may mặc đang chịu áp lực nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bởi, phương thức sản xuất của ngành may vẫn chủ yếu là gia công. Mặc dù có gần 130 DN may mặc nhưng đa số DN nhỏ và vừa, làm gia công theo đơn hàng, không chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu cũng như mẫu mã, thương hiệu.

Các DN may không có điều kiện tiếp cận thị trường cung ứng nguyên phụ liệu, cũng như thị trường tiêu dùng cuối cùng và khách hàng không mua trực tiếp mà chủ yếu giao dịch thông qua các công ty của Trung Quốc. Bởi vậy, đang hỗ trợ DN may mặc hướng tới nội địa hóa sản phẩm, thay thế hàng nhập khẩu Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu sản xuất, thâm nhập thị trường, giảm dần xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Chúng tôi nghiên cứu hỗ trợ DN may mặc tự sản xuất vật liệu cơ bản như bông, sợi, nhuộm, kim, chỉ khâu, nút, dây kéo, móc áo, bao bì, nhãn mác làm cơ sở để phát triển bền vững trong thời gian tới” - bà Đỗ Thị Hiền nói. 

Ông Đặng Thanh Dũng cho biết, theo từng địa bàn, Cục Hải quan Quảng Nam đã yêu cầu các chi cục nắm thông tin đến các DN để có hình thức hỗ trợ thiết thực. Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi để DN thông quan nhanh chóng hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất. Đặc biệt, ưu tiên giải quyết ngay các trường hợp miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, đồng thời phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo đúng theo quy định. Ngành hải quan tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích DN thực hiện khai báo điện tử, qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Ông Dũng nói: “Nội dung quan trọng trong thời gian đến là chúng tôi tạo điều kiện thông quan nhanh chóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giữ giao thương hàng hóa, nhất là linh kiện, thiết bị, nguyên liệu thiết yếu đi đôi với bảo đảm ngăn chặn nguồn bệnh nhằm giảm thiểu tác động đến sản xuất, tiêu dùng trong nước”. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO