Tiếp sức chủ thể OCOP

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 18/09/2020 04:32

Thời gian qua, huyện Duy Xuyên tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP đổi mới máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm của cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Hạnh tham gia hội chợ xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức. Ảnh: T.P
Sản phẩm của cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Hạnh tham gia hội chợ xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Văn Hạnh (còn gọi là Nguyễn Văn Hùng) - chủ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Nam Phước nổi tiếng là người có đôi tay tài hoa trong nghề điêu khắc. Nhờ nghề này, gia đình ông có cuộc sống ngày một đủ đầy. Hiện cơ sở của ông Hạnh giải quyết việc làm cho 10 lao động và dự kiến doanh thu năm 2020 khoảng 4 tỷ đồng. 

“Đầu năm ngoái, tôi đăng ký tham gia chương trình OCOP với mong muốn được hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ để ngày càng phát triển hơn. Sản phẩm quạt gỗ của cơ sở đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2019, tôi mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng mua sắm máy chạm khắc gỗ CNC trong công đoạn đục thô và được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí. Qua đó, không chỉ giúp tôi giảm một nửa công lao động trong quá trình xử lý nguyên liệu mà năng suất cũng tăng cao, số lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường” - ông Hạnh chia sẻ.

Cũng như ông Hạnh, các chủ thể khác có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm nước mắm Duy Trinh, sen sấy khô Trà Lý, trà lá sen Thu Bồn, khăn lụa Mã Châu cũng được Nhà nước hỗ trợ hơn 850 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, thiết kế bao bì, nhãn mác, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cạnh đó, ngành nông nghiệp Duy Xuyên và chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện cho chủ thể tham gia các khóa tập huấn về chu trình OCOP, tiêu chí của sản phẩm. Nhờ vậy, trong quá trình sản xuất, các chủ thể luôn tuân thủ nghiêm quy định, quy trình để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn sạch, an toàn, chất lượng. Các chủ thể còn được hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ, triển lãm nhằm xúc tiến quảng bá sản phẩm...

Bà Trần Thị Mỹ Hương - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, năm 2020 địa phương phấn đấu có thêm 6 sản phẩm mới đạt ít nhất 3 sao cấp tỉnh là tượng vũ nữ Apsara, chổi đót Nhất Tuấn, bánh tráng Hải An, dầu mè đen xứ Quảng, bánh dẻo Lợi Phổ, thịt heo sạch. Đồng thời nâng cấp 3 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao là quạt gỗ trang trí, khăn lụa Mã Châu, nước mắm Duy Trinh. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ các chủ thể hơn 1,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

“Bên cạnh hỗ trợ mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc, ngành chức năng của huyện cũng sẽ hướng dẫn các chủ thể những vấn đề liên quan đến nhãn mác, mã tem vạch, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại nhiều kênh phân phối, từng bước tạo chuỗi liên kết bền vững” - bà Hương nói.

Tập huấn chương trình OCOP cho gần 300 người

Theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 794/QĐ-UBND (ngày 24.3.2020), năm nay toàn tỉnh có tổng cộng 142 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện chỉ còn 135 sản phẩm đủ điều kiện thực hiện chương trình này trong năm 2020.

Nhằm triển khai hiệu quả chương trình OCOP, từ đầu năm 2020 đến nay Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho gần 300 người là cán bộ chuyên trách OCOP các cấp và chủ thể tham gia. Nội dung chính của các khóa tập huấn là hướng dẫn xây dựng, triển khai phương án kinh doanh, dự án sản xuất - kinh doanh; phương thức phát triển sản phẩm; phổ biến quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; các quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đối với sản phẩm là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; đăng ký và xây dựng thương hiệu; ghi nhãn hàng hóa; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; quản lý chất lượng sản phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; quy định về đánh giá và phân hạng sản phẩm...

Tỉnh cũng thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể trong nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm; hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm. (VĂN SỰ)

Xây dựng điểm 4 mô hình OCOP

Tin từ Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, thực hiện Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP (ngày 28.10.2019) của Bộ NN&PTNT, thời gian qua các đơn vị liên quan của tỉnh đã tập trung hướng dẫn 4 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Đông Giang xây dựng đề án triển khai thực hiện mô hình điểm của chương trình OCOP. Theo đó, Nam Trà My và Bắc Trà My xây dựng mô hình chế biến sản phẩm từ nguyên liệu quế Trà My, Tiên Phước với mô hình làng du lịch cộng đồng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh), Đông Giang với mô hình làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn). Dự kiến tổng kinh phí thực hiện 4 mô hình hơn 5,4 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề án của các địa phương, UBND tỉnh đã có Công văn số 3281/UBND-KTN (ngày 16.6.2020) gửi Bộ NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề nghị thẩm định nội dung và cơ cấu nguồn vốn Trung ương đối với các mô hình. (NHÃ PHƯƠNG)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp sức chủ thể OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO