Ứng phó với Covid-19: Đảm bảo hàng thiết yếu trong mọi tình huống

VIỆT NGUYỄN 26/03/2020 10:58

Ngành Công Thương tỉnh cùng với các chợ, siêu thị trên địa bàn đã xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19, đảm bảo hàng thiết yếu ngay cả trong tình huống dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Người dân mua thịt gà Mười Tín ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân mua thịt gà Mười Tín ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhộn nhịp mua sắm

Có mặt ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ vào cuối tuần qua, chúng tôi nhận thấy người dân mua sắm hàng hóa khá sôi động. Chị Trần Phan Thúy Hoa (ở phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, đã thành nếp quen, cứ đến thứ Bảy, Chủ nhật là gia đình đi tham quan, mua sắm ở Co.opMart Tam Kỳ, vừa tiêu khiển giải trí vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhiều mặt hàng giảm giá 15%. Đặc biệt, không ít mặt hàng giảm giá đến 45%.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, trái với thông tin hàng hóa khan hiếm, hệ thống Saigon Co.op nói chung, Co.opMart Tam Kỳ nói riêng đã chuẩn bị lượng hàng lớn để bảo đảm cung ứng dồi dào ra thị trường. Cùng với đó, hệ thống hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bằng các chương trình giảm giá mạnh đến 45% dành cho những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật tư y tế. Đồng thời tăng lượng hàng hóa dự trữ cần thiết để đáp ứng nhu cầu mua sắm, dự trữ tiêu dùng trong cả tuần, thay vì 2 - 3 ngày như trước đây. Các mặt hàng gạo, mì, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản, các mặt hàng đông lạnh đều được tăng trữ lượng gấp 2 - 3 lần, cao hơn cả dịp tết vừa qua để vừa đảm bảo sẵn sàng lượng cung lớn, vừa đảm bảo giá tốt nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.

Ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, người nội trợ cũng chọn mua các mặt hàng thịt heo, thịt gà, bánh, kẹo, gạo, dầu ăn, trứng gà... “Đây là kênh mua sắm quen thuộc của gia đình chúng tôi vì phù hợp, giá cả lại phải chăng. Với các mặt hàng thực phẩm được mua, gia đình chúng tôi yên tâm tiêu dùng” - chị Huỳnh Thị Thu Thúy (ở xã Tam Thái, Phú Ninh) nói.

Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ và chợ Vườn Lài (TP.Tam Kỳ) cho biết, đến thời điểm này, không có bất kỳ mặt hàng nào khan hiếm, từ thực phẩm tươi sống đến các loại nhu yếu phẩm thiết yếu. Tiểu thương đang tăng lượng hàng dự trữ gấp đôi so với thông thường để phục vụ người dân mua sắm, dự trữ, phục vụ phòng chống Covid-19.

Theo khảo sát, có một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng giá nhẹ, trong đó tiểu thương ở chợ Tam Kỳ bán thịt heo ở mức 130 - 180 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 5% so với tuần trước; các loại rau củ quả cũng tăng giá 5 - 10% so với tuần trước.

Xây dựng kịch bản ứng phó

Theo Sở Công Thương, các hệ thống phân phối hiện đại được quản lý chặt chẽ nên không tăng giá trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Còn tại hệ thống phân phối truyền thống, ban quản lý các chợ đầu mối, chợ truyền thống đã được yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn thị trường, niêm yết và bán đúng giá niêm yết, không để nâng giá các mặt hàng thiết yếu. Trong trường hợp phát hiện hiện tượng tăng giá, đơn vị sẽ phối hợp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương cho biết, đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng xong kịch bản đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh ứng phó với dịch Covid-19.

Tình huống đầu tiên là dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trên địa bàn tỉnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường; một số bộ phận người dân có tâm lý hoang mang sẽ mua hàng hóa tích trữ gây hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán hàng.

Tình huống thứ 2, ở cấp độ cao hơn là dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh với hơn 10 trường hợp mắc phải, người dân nhiễm bệnh hoặc lo sợ bị bệnh, không đi làm, dẫn đến hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa cho thị trường chậm; trong khi đó, để dự trữ, sức mua hàng thiết yếu của người dân tăng lên 30 - 40%.

Tình huống cao nhất là xuất hiện các khu vực bị cách ly do dịch bệnh, người dân cần sự hỗ trợ và cung cấp trực tiếp về thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; trong khi đó, ở các khu vực khác, lượng mua tăng do nhu cầu tích trữ.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, dù dịch Covid-19 có xảy ra ở tình huống nào, cấp độ ra sao thì trên cơ sở đã dự lường, vẫn đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ngành đang tính toán nhiều phương án cung ứng hàng hóa tiêu dùng. Có thể kể đến phương án luân chuyển hàng hóa phù hợp, không để gián đoạn tại tất cả hệ thống phân phối, các điểm bán hàng hay phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực đang cách ly. Quảng Nam cũng lên kế hoạch đẩy mạnh kênh phân phối thương mại điện tử, khuyến khích mua sắm trực tuyến.

“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành, các đơn vị cung cấp hàng hóa, điều tiết hàng hóa về nơi đang thiếu, ổn định sinh hoạt của người dân khi dịch Covid-19 diễn biến xấu trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng liên hệ chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khác để trong tình huống xấu nhất vẫn chuyển hàng từ các tỉnh, thành phố khác về Quảng Nam, cung cấp đầy đủ cho nhu cầu người dân” - ông Nguyễn Quang Thử nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó với Covid-19: Đảm bảo hàng thiết yếu trong mọi tình huống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO