Cấp thiết tạo chuỗi giá trị hải sản

VIỆT NGUYỄN 29/03/2020 10:06

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến hoạt động chế biến, xuất khẩu hải sản của các cơ sở, tổ hợp tác, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp vô vàn khó khăn. Trong khi đó, giá trị hải sản đạt thấp, ngư dân thu được giá trị kinh tế không cao sau mỗi chuyến biển được mùa. Việc nâng cao chuỗi giá trị hải sản, tăng cường khâu chế biến vốn đã được đặt ra từ lâu nay càng thêm cấp thiết để tái cơ cấu nghề cá.

 

MANH MÚN, KHÓ CẠNH TRANH

Sơ chế, chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh đang diễn ra nhỏ lẻ, khó đứng vững trước cạnh tranh gay gắt của thị trường.

Èo uột, bế tắc

Ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) từ chỗ có gần 10 cơ sở sơ chế hải sản trong nhiều năm qua, đến nay, chỉ còn duy nhất cơ sở của bà Trần Thị Linh ở thôn An Lương. Tuy nhiên, cơ sở chế biến hải sản này cũng đang thoi thóp.

Bà Linh cho biết, bấy lâu nay sơ chế hải sản theo kiểu gia công, do DN lớn ở tỉnh Cà Mau chuyển nguyên liệu cá bò đến, cơ sở chỉ phi lê cá, tẩm bột, phơi khô đóng gói là xong. Sau đó, DN ở Cà Mau chở hàng đi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, DN này không thể xuất khẩu hải sản nên không đặt hàng, do đó cơ sở của bà Linh ngưng hoạt động.

Bà Linh nói, dù biết nếu tự mua nguyên liệu chế biến hải sản rồi tìm thị trường xuất khẩu, thu được giá trị kinh tế cao, nhưng cơ sở không đủ nguồn lực thì phải “liệu cơm gắp mắm”, chỉ sơ chế gia công. Thêm nữa việc tự thực hiện mọi công đoạn xuất khẩu hải sản phải đầu tư lớn, cạnh tranh gay gắt, có thể rủi ro cao, lỗ nặng. Tương lai của cơ sở này cũng rất bấp bênh, vì trông chờ vào nguồn hàng từ DN khác và thiếu lao động trầm trọng.

Nghề sơ chế hải sản tồn tại hơn 10 năm qua trên địa bàn xã Bình Minh (Thăng Bình) cũng sắp đến hồi quá vãng. Trong nỗ lực hỗ trợ người dân cầm cự với nghề, UBND xã Bình Minh đã tạo điều kiện để 5 cơ sở nhỏ lẻ tập trung lại, hoạt động trong Tổ hợp tác chế biến hải sản Bình Minh. Ông Nguyễn Văn Kiệt - tổ trưởng tổ hợp tác này cho biết, đã đến mùa vụ nhưng không có đơn đặt hàng của đối tác, nên phải nghỉ.

“Trước đây, chúng tôi hấp cá nục, cá cơm, sơ chế, đóng gói để bán cho đối tác Trung Quốc, nhưng DN nước bạn đã ngưng mua từ vài năm nay. Gần đây, chúng tôi sơ chế cá bò cho DN ở miền Nam nhưng do dịch bệnh Covid-19, DN chưa thể xuất khẩu hàng hải sản sang Trung Quốc, Hàn Quốc nên chúng tôi cũng phải ngừng hoạt động” - ông Kiệt nói.

Khó cạnh tranh

Nghề mắm ở các vùng ven biển cũng đang gặp khó. Bà Lê Thị Lợi - thành viên Tổ hợp tác chế biến nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình) cho biết, thấy người thân trong gia đình, chòm xóm đánh bắt hải sản rất gian nan nhưng đầu ra luôn bị tư thương o ép nên bà dựa vào nghề mắm truyền thống của cha ông để đầu tư, tâm nguyện gắn bó lâu dài. Tích lũy kinh nghiệm qua hơn 10 năm sản xuất, bà Lợi khẳng định có thể cung cấp 12 nghìn lít nước mắm loại 1 ra thị trường mỗi năm nhưng chưa bao giờ đạt quy mô ấy vì khó tiêu thụ.

“So với cơ sở làm mắm công nghiệp, chúng tôi bất lợi đủ đường, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, thị trường eo hẹp. Quyết tâm giữ nghề truyền thống nhưng nhiều khi nản lòng vì khó cạnh tranh” - bà Lợi nói.

Sơ chế hải sản manh mún, rất khó cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Sơ chế hải sản manh mún, rất khó cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sản phẩm nước mắm của Cơ sở chế biến nước mắm Duy Trinh (thôn An Lương, xã Duy Hải) dù được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao nhưng vẫn gặp khó về thị trường tiêu thụ. “Sản xuất nước mắm truyền thống theo quy trình cũ kỹ, tốn thời gian chượp đến vài tháng mới có sản phẩm, giá thành lại rất cao. Nghề làm mắm thu lãi thấp, khách hàng lại dùng nước mắm công nghiệp nhiều hơn nên làng nghề luôn đối diện với bài toán tồn tại thế nào” - ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải nói.

Vì không vượt qua được khó khăn nên nhiều cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn xã Bình Minh đã bỏ cuộc. Ông Phan Phước Đồng - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, vị ngon hảo hạng của nước mắm Bình Minh chỉ còn trong hồi ức của các bậc cao niên. Thiếu nguyên liệu cá cơm là một trong những nguyên nhân khiến nghề mắm suy sụp.

“Nước mắm truyền thống cạnh tranh không lại nước mắm công nghiệp. Các làng nghề vẫn giữ nguyên cách thức ủ chượp nước mắm vì đó là cội rễ văn hóa làng nghề. Khó thay đổi, thích ứng nên dù rất đáng tiếc nhưng cũng phải thừa nhận sự thua sút của cách thức chế biến nghề mắm truyền thống” - ông Phan Phước Đồng nói. Do vậy, dù sơ chế hay chế biến thì hải sản vẫn có giá trị thấp, cần hướng đầu tư mới, hiệu quả hơn để nâng cao giá trị.

TÌM THỊ TRƯỜNG MỚI

Do tác động xấu của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu hải sản sang 2 thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc bị ách tắc, DN Quảng Nam như ngồi trên lửa.

Bà Mai Thị Kim Lan - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Trung Hải (Khu công nghiệp Tam Hiệp, Núi Thành) cho biết, kể từ tháng 3, DN không thể xuất khẩu hàng cá bò sang thị trường Hàn Quốc vì dịch Covid-19 đang lây lan mạnh ở nước bạn. Kế hoạch xuất khẩu bị phá sản khiến DN khóc ròng vì hơn 30 tấn hải sản bị ứ lại phải đông lạnh, tốn chi phí lớn, chất lượng giảm sút từng ngày.

“Chúng tôi có 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc. Nay dịch bệnh khiến chúng tôi phải tìm thị trường mới nhưng đâu phải ngày một ngày hai là có kết quả ngay. Các đơn hàng bị ngưng khiến chúng tôi không có nguồn thu 10 tỷ đồng/tháng như trước đây. Trong khi đó chi phí để duy trì hoạt động của DN lên đến 2 tỷ đồng/tháng” - bà Lan nói.

Ngoài đầu ra, DN nói trên còn gặp khó về đầu vào. Bà Lan cho biết, do ký kết hợp đồng từ trước nên từ sau tết đến nay vẫn phải nhập nguyên liệu cá bò từ Vũng Tàu về để sản xuất. Nay lượng cá bò tồn kho lên đến hàng chục tấn, bảo quản rất khó khăn.

Xuất khẩu hải sản của các DN Quảng Nam đã gặp khó từ khi Ủy ban châu Âu phạt “thẻ vàng” thủy sản. Theo đó, các DN xuất khẩu hải sản sang châu Âu bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm với quy trình chặt chẽ hơn, tốn thời gian, chi phí, áp lực cho DN.

Ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cho biết, DN có các thị trường xuất khẩu là Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và “thẻ vàng” thủy sản, các mặt hàng xuất khẩu đã giảm sút, doanh thu theo đó cũng giảm đi khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng hải sản chế biến sang Canada, Úc, Mỹ. Việc này khó khăn nhưng phải thực hiện vì tồn vong của DN” - ông Phạm Văn Quang nói.

Theo Sở Công Thương, hiện chưa thể đánh giá mức độ thiệt hại của DN xuất khẩu hải sản chế biến do tác động của “thẻ vàng” thủy sản và dịch Covid-19 nhưng khuyến cáo các DN nên tìm cách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để ổn định sản xuất, duy trì hoạt động. Các DN nên tăng vốn huy động để đầu tư, cải tiến công nghệ chế biến hiện đại, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để thu được hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu quen thuộc như cá bò, mực, bạch tuộc... DN nên chế biến sâu các sản phẩm mới như cua, ghẹ, mực các loại. Dự kiến trong thời gian đến, Bộ Công Thương có nhiều chương trình xúc tiến thương mại sang các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ, các DN chế biến hải sản nên tận dụng cơ hội, quảng bá sản phẩm, mở rộng đối tác làm ăn.

ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ CHẾ BIẾN HẢI SẢN

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây là Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có thể là cơ hội giúp DN Quảng Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hải sản. 

Doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ hiện đại để xuất khẩu hải sản thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ hiện đại để xuất khẩu hải sản thuận lợi hơn.

Các hiệp định nói trên được mong đợi góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung, hàng hải sản nói riêng với các thị trường lớn, đầy tiềm năng như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Peru, New Zealand… Với các thị trường này, các DN xuất khẩu tôm, bạch tuộc được hưởng lợi nhiều nhất.

Công ty TNHH Đông Phương (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) đang tận dụng cơ hội bằng cách cải tiến công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh trên “sân khách”. Ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương cho biết, các mặt hàng đã định vị chất lượng, vị thế của công ty là bạch tuộc tẩm bột, cá bánh đường tẩm gia vị, cá bánh đường nướng. DN đang đổi mới công nghệ, áp dụng máy dò xương cá để lọc thịt cá, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ưu thế của máy móc này là tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất, sản lượng hải sản xuất khẩu lại giảm chi phí.

Trước đây, mọi công đoạn từ rửa hải sản cho đến phi lê, đánh vẩy và chế biến, bao bì, nhãn mác của DN này đều được thao tác bằng tay thì nay đều áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại. “Khối lượng hàng hải sản mỗi lần chúng tôi xuất sang nước bạn đều rất lớn đòi hỏi lao động phải nhanh, chuẩn xác, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày một khắt khe. Nếu không áp dụng công nghệ mới, máy móc tiên tiến thì mình bị thụt lùi, nguy cơ bị loại ra khỏi “sân chơi” quốc tế càng cao. Quan điểm của chúng tôi là đổi mới, sáng tạo, thích ứng để phát triển” - ông Quang nói.

Doanh thu hàng hải sản xuất khẩu đạt được trong năm 2019 của DN này là 350 tỷ đồng. Mặc dù dự lường khó khăn nhưng DN quyết tâm đạt doanh thu cao hơn trong năm 2020. Công ty chú trọng tổ chức lại mô hình sản xuất vừa tiết kiệm thời gian, công sức, tăng chất lượng sản phẩm.

“Chế biến hải sản xuất khẩu của chúng tôi là ngành sản xuất công nghiệp hiện đại, có đủ năng lực chủ động hội nhập quốc tế. Chúng tôi đang quy tụ, đào tạo, hình thành đội ngũ các cán bộ, kỹ sư, công nhân có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao. Họ tiên phong trong đổi mới công nghệ, giúp DN mở rộng thị trường, vượt qua thử thách trong cơ chế cạnh tranh kinh tế quốc tế” - ông Quang nói. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay của DN chế biến hải sản là không tự chủ được nguồn nguyên liệu hải sản. DN không thể tự thân tạo dựng được chuỗi hải sản khép kín, chủ động nguyên liệu vì không thể đi biển để đánh bắt hải sản. Nếu “liều” ký kết các hợp đồng làm ăn lớn với DN nước ngoài mà thiếu nguyên liệu thì sẽ không cung cấp đủ khối lượng đơn hàng, sẽ bị phạt hợp đồng, có thể dẫn đến phá sản.

Bởi vậy, trong bối cảnh EC chưa có động thái gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Công ty TNHH Đông Phương đề xuất các ngành chức năng của tỉnh, Trung ương cần đầu tư hạ tầng cảng cá cũng như tuyên truyền vận động ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp. Có vậy, EC có thể rút “thẻ vàng” thủy sản, qua đó DN có thể đột phá đầu tư, rộng cửa xuất khẩu hàng hóa hải sản chế biến, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp vào phát triển địa phương.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ HẢI SẢN

Chuỗi giá trị hải sản được Quảng Nam hoạch định kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, đem lại lợi nhuận lớn cho ngư dân và doanh nghiệp (DN).

Với khu hậu cần nghề cá ở xã Tam Quang, chuỗi giá trị hải sản sẽ hình thành tại Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Với khu hậu cần nghề cá ở xã Tam Quang, chuỗi giá trị hải sản sẽ hình thành tại Quảng Nam.

Kỳ vọng

Những chuyến biển gần đây của ngư dân trên địa bàn tỉnh dù bội thu nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao, bởi điệp khúc “được mùa mất giá” lặp lại. Ngư dân Trần Văn Kỳ (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90448 có công suất 822CV hành nghề lưới vây cho biết, dù cá nục, cá ngừ được bảo quản rất tốt nhờ trang bị 8 hầm bảo quản P.U trên tàu cá nhưng đầu nậu khi thu mua cứ bảo chất lượng cá chưa được tốt lắm. Mặc dù biết đầu nậu ép giá nhưng không thể không bán vì để lâu họ càng ép giá thêm.

“Qua các chủ tàu cá ở tỉnh bạn, tôi biết giá hải sản tại các cảng cá ở Quảng Ngãi hay TP.Đà Nẵng cao hơn Tam Quang (Núi Thành). Nhưng mình bị ràng buộc nhiều, đã ứng tiền trước để trang trải cho bạn biển cũng như mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm thì phải về bán hải sản cho họ” - ông Kỳ nói.

Về dự án cảng cá Tam Quang đang được xây dựng sẽ kết nối với khu neo đậu tàu cá An Hòa (xã Tam Quang và Tam Giang, huyện Núi Thành) thành khu liên hợp hậu cần nghề cá trong nay mai, ông Kỳ phấn khởi: “Ngư dân chúng tôi chỉ mong có vậy. Được mua đá cây, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ với giá niêm yết rõ ràng, sau đó vươn khơi đánh bắt hải sản xong về bán hải sản cũng với giá được niêm yết cụ thể, rất rạch ròi” - ông Kỳ nói.

Ông Ngô Tấn cho rằng, rất đáng tiếc khi cùng một đối tượng cá hố nhưng với 2 phương thức khai thác khác nhau đã tạo tương phản trong giá trị kinh tế mang lại cho ngư dân. Cụ thể, ngư dân huyện Duy Xuyên, TP.Hội An chú trọng khai thác cá hố lớn, bảo quản tốt, bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, thu lợi lớn. Còn các xã Bình Nam (Thăng Bình), Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), ngư dân lại đánh bắt cá hố ven bờ, bảo quản không tốt, cá hố không thể chế biến xuất khẩu, có giá trị thấp. Thực tiễn này đặt ra vấn đề làm sao ngư dân có thể tập hợp lại, thành lập hợp tác xã nghề cá, vừa đánh bắt, bảo quản, chế biến và tìm thị trường ngoài nước để xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với khu hậu cần nghề cá liên hoàn, ngư dân hưởng lợi ở cả đầu vào và đầu ra ổn định, qua đó, giảm chi phí, nâng cao giá trị hải sản sau khai thác. Còn DN sau khi thu mua hải sản của ngư dân sẽ chế biến tại chỗ rồi cung cấp ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu. Thêm nữa, các cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá cũng sẽ được hình thành, tiện lợi cho ngư dân khi có nhu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trước mắt là cảng cá Tam Quang sẽ đạt loại 1, phục vụ cho nghề cá của Quảng Nam nói riêng, dải duyên hải Nam Trung Bộ nói chung, là đòn bẩy phát triển bền vững.

“Chuỗi giá trị hải sản được hình thành sẽ đem lại lợi ích kép cho ngư dân và DN. Hải sản sẽ được nâng cao giá trị, vừa phục vụ tiêu dùng trong nước và cung cấp ra thế giới sau khi chế biến” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. 

Có thể hiểu kỳ vọng của ngư dân và chính quyền khi đầu tư công trình trọng điểm phục vụ nghề cá bởi hiện nay, Quảng Nam chưa thể truy xuất nguồn gốc hải sản. Cá, tôm, mực sau khai thác chỉ có thể phục vụ thị trường trong nước, chưa đạt giá trị cao như mong đợi. 

Khẩn trương hoàn thiện

Theo quan sát của chúng tôi, các hạng mục của cảng cá Tam Quang đang được khẩn trương thi công như các cầu cảng, nhà công vụ, hạ tầng điện nước, đường sá... Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, các ách tắc về mặt bằng không quá nghiêm trọng, huyện đang vận động các hộ dân trong vùng dự án, áp dụng đúng các phương án bồi thường và sẽ bàn giao mặt bằng đúng theo kế hoạch như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.

“Với công trình cảng cá Tam Quang trước mắt và sau đó là khu liên hợp hậu cần nghề cá, ngư dân trên địa bàn sẽ trực tiếp hưởng lợi. Là địa phương trọng điểm nghề cá của tỉnh, huyện rất ủng hộ chủ trương tạo chuỗi giá trị hải sản vì đó là hướng đi hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận động nội tại của nghề khai thác hải sản” - ông Thịnh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lam - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT cho rằng, với các động thái tích cực từ huyện đến Sở TN-MT, các đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và nhất là chỉ đạo sát sao của Chủ tịnh UBND tỉnh, công trình trọng điểm cảng cá Tam Quang sẽ được hoàn thành đúng tiến độ, bàn giao, đưa vào hoạt động để tạo chuyển biến về chất cho nghề cá của tỉnh và các tỉnh thành lân cận. 

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, chuỗi giá trị hải sản được hình thành trên địa bàn tỉnh sẽ là chuỗi giá trị phát triển theo chiều sâu chứ không phải chiều rộng. Nghĩa là quyết sách của tỉnh rất rõ ràng, gia tăng giá trị sản phẩm chứ không dừng lại ở gia tăng sản lượng. Trong tương lai, chuỗi giá trị hải sản với các hình thức liên doanh, liên kết sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. DN chế biến hải sản xuất khẩu sẽ minh bạch cung cấp các thông tin thị trường, đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm của đối tác nước ngoài tham gia chuỗi. Sau khu liên hợp hậu cần nghề cá ở Tam Quang, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư khu hậu cần nghề cá tương tự ở xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) làm động lực lớn phát triển nghề cá.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cấp thiết tạo chuỗi giá trị hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO