Đảm bảo an toàn thực phẩm tàu cá: Điều kiện cần và đủ

VIỆT NGUYỄN 17/06/2020 10:17

Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn khi tiến hành kiểm tra, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

Chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: V.N
Chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: V.N

Quy định chặt chẽ

Triển khai Luật Thủy sản, Bộ NN&PTNT có Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT quy định tất cả tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên phải được cấp chứng nhận ATTP. Theo đó, có 10 chỉ tiêu, điều khoản đánh giá. Thiết bị làm lạnh trên tàu cá phải có công suất đủ mạnh để giữ hải sản ở nhiệt độ thích hợp và ổn định, có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ. Hầm bảo quản hải sản được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc, cấu trúc chắc chắn, được bọc cách nhiệt, có nắp đậy, không ngấm nước, dễ vệ sinh, khử trùng, sạch sẽ.

Hải sản sau khi đưa ra khỏi tủ cấp đông phải được bao gói và đưa ngay vào kho lạnh bảo quản. Trong kho lạnh, hải sản phải được kê xếp theo từng lô riêng biệt, ghi chép rõ vị trí và ngày, tháng bảo quản. Khu vực vệ sinh của thuyền viên phải được bố trí cách ly với khu vực xử lý, bảo quản hải sản. Ngư dân trên tàu cá phải được khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động phù hợp. Thuyền viên, lao động nghề cá phải được phổ biến kiến thức ATTP.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa hải sản và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển chưa được ngư dân quan tâm thực hiện thường xuyên. Hầu hết ngư dân chỉ rửa, vệ sinh sàn tàu bằng nước biển. Hầm bảo quản hải sản bằng gỗ truyền thống không đảm bảo vệ sinh cũng như cách nhiệt hiệu quả cho sản phẩm hải sản. Hầu hết ngư dân “quên” khử trùng sàn chứa hải sản và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển.

Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Hồ Văn Đông (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá có chiều dài 15m hành nghề lưới vây cá cơm cho biết, ít khi quan tâm đến các quy định về ATTP. Nước đá vẫn được ngư dân tái sử dụng trong suốt quá trình khai thác hải sản. Trong mỗi chuyến biển, ngư dân không hề ghi chép hồ sơ đầy đủ về quản lý chất lượng hải sản theo quy định. Thậm chí, không ngăn chặn, tiêu diệt động vật gây hại trên tàu cá. Đặc biệt, khu vực vệ sinh của các thành viên trên tàu cá không hoàn toàn cách ly với khu vực xử lý hải sản sau đánh bắt.

Cần chuyên nghiệp hơn

Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng đoàn thẩm định điều kiện ATTP tàu cá của Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, mỗi chủ tàu cá cần xây dựng nội quy về ATTP trên tàu cá, phổ biến, thống nhất đến các thuyền viên, lao động nghề cá về công tác vệ sinh, khử trùng thiết bị, sàn tàu, hầm chứa, dụng cụ chứa… trước, trong và sau mỗi chuyến biển. Đặc biệt, mỗi thành viên trên tàu phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc làm hư hại đến hải sản trong quá trình khai thác, xử lý, chế biến, bảo quản. Việc bốc dỡ và vận chuyển hải sản lên bờ phải tiến hành cẩn thận, khẩn trương, đảm bảo hải sản không bị dập, xây xước, nhiễm bẩn trong quá trình thao tác.

Ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra, ngành chức năng đã cấp chứng nhận ATTP cho 250/748 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Hầu hết tàu cá được xếp hạng B và C chứ không có hạng A. Đáng nói, khi được hỏi, hầu hết ngư dân không quan tâm đến khám sức khỏe định kỳ và không muốn tham gia các lớp phổ biến kiến thức về ATTP.

“Phải cần thời gian để nghề cá nhân dân chuyến sang nghề có trách nhiệm, hướng đến chuyên nghiệp, phát triển bền vững. Ý thức về ATTP của ngư dân còn kém. Trong khi đó, toàn tỉnh vẫn chưa thực hiện lớp phổ biến kiến thức ATTP cho ngư dân” - ông Trần Quang Kiến nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Quảng Nam đã tiến hành lấy một số mẫu phân tích để đánh giá chất lượng hải sản ngư dân trên địa bàn tỉnh khai thác được. Qua đó, có không ít mẫu cá được ngư dân sử dụng chất cấm để bảo quản. Một số mẫu khác, hải sản có hàm lượng kim loại nặng vượt quá mức cho phép. Đáng báo động, tình trạng sử dụng u rê để bảo quản hải sản vẫn còn xảy ra. Việc này ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe người tiêu dùng vì có thể gây bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác.

“Ngành nông nghiệp yêu cầu Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương có nghề cá tăng cường nhắc nhở các chủ tàu nâng cao ý thức, trách nhiệm về ATTP cũng như khuyến khích họ huy động vốn để nâng cấp, cải tiến các thiết bị trên tàu cá, đảm bảo ATTP cho hải sản sau khai thác. Ngành nông nghiệp cũng giao trách nhiệm Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp phổ biến kiến thức ATTP đến ngư dân và thường xuyên tiến hành lấy mẫu hải sản để xét nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Có vậy mới đảm bảo cả điều kiện cần và đủ về ATTP cho nghề cá, bảo vệ người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho xuất khẩu” - ông Ngô Tấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo an toàn thực phẩm tàu cá: Điều kiện cần và đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO