"Điểm nghẽn" nuôi tôm công nghiệp

VIỆT NGUYỄN 05/02/2020 11:29

Để hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phát triển thủy sản bền vững, Quảng Nam định hướng phát triển nuôi tôm công nghiệp. Thế nhưng, thực tế chưa tương xứng với kỳ vọng.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Trần Công Thành. Ảnh: V.N
Mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Trần Công Thành. Ảnh: V.N

Nhiều cái khó

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 2 khu vực nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn, đem lại giá trị kinh tế cao là mô hình nuôi tôm tập trung của Công ty CP QNTEK đầu tư ở xã Bình Hải (Thăng Bình) trên phạm vi 6,5ha, đem lại năng suất hơn 30 tấn/ha.

Một mô hình khác của tư nhân là ông Trần Công Thành đầu tư ở xã Tam Hòa (Núi Thành) với quy mô hơn 30ha, năng suất hơn 15 tấn/ha. Đáng tiếc là khu nuôi tôm tập trung Hà Đước (xã Duy Vinh và Duy Phước, huyện Duy Xuyên) với kỳ vọng nuôi tôm công nghiệp lại rơi vào bế tắc.

Những ngày qua, khu vực nuôi tôm Hà Đước đìu hiu, nhiều ao tôm bỏ hoang. Ông Tuấn, một hộ nuôi tôm ở khu vực này đồng thời cũng là nhà cung cấp thức ăn, vật tư nuôi tôm, hiện lâm vào cảnh như ngồi trên lửa. Trong khi các khoản nợ của các hộ nuôi tôm chưa thể thu được thì ông Tuấn mặc dù nuôi tôm đạt hiệu quả cũng phải tạm ngưng do không thể tự kham chi phí để đầu tư trạm biến áp sau khi ngành điện cắt điện.

Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, đầu tư hơn 3 năm qua, nông hộ nuôi tôm ở Hà Đước buồn nhiều hơn vui, vụ được thì ít, vụ thất bát thì nhiều. Do sản xuất kém hiệu quả, nông hộ không đóng được tiền điện, bị cắt điện nên bắt buộc phải ngưng sản xuất.

“Dùng dầu diezen để chạy máy sục khí phục vụ nuôi tôm không khả thi vì quá nhỏ lẻ, thủ công. Nông hộ nuôi tôm phải dừng sản xuất là do thực lực kém” - ông Sành nói. 

Về đề án phát triển ngành nuôi tôm nước lợ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng công nghiệp, đầu tư công nghệ cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp khả thi để triển khai sát với thực tiễn, đem lại hiệu quả cao. Đó là tự chủ sản xuất tôm giống chất lượng cao, chú trọng quy trình kỹ thuật nuôi tôm hiện đại, công nghệ thức ăn nuôi tôm tiên tiến, công nghệ chế biến sản phẩm từ con tôm hiệu quả để xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận vốn vay đầu tư nuôi tôm quy mô lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nuôi tôm công nghiệp phải đầu tư lớn. Nông hộ cần chuẩn bị ao nuôi đúng kỹ thuật, bờ ao được nện chặt, lót bạt và phải có ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Tôm giống thả nuôi với mật độ cao, vài trăm con/m2, vì thế phải có dàn quạt đáy, dàn quạt mặt nước, thiết bị tạo oxy... Chi phí đầu tư mỗi héc ta nuôi tôm công nghiệp lên đến hơn 1 tỷ đồng. Nuôi tôm theo quy trình hiện đại có thể đem lại năng suất cao, trở ngại ở chỗ nông hộ trên địa bàn tỉnh khó huy động nguồn vốn lớn để đầu tư. Trong khi đó, tập quán sản xuất từ trước đến nay vẫn là được chăng hay chớ, không dám đầu tư lớn. Thu hút doanh nghiệp có đủ khả năng đầu tư nuôi tôm ở Quảng Nam còn quá nhiều hạn chế.

“Muốn nuôi tôm công nghiệp thì phải tích tụ, tập trung ruộng đất. Nông hộ thì không mặn mà gộp đất lại với nhau để cùng nuôi tôm trong 1 hợp tác xã hay tổ hợp tác. Khi doanh nghiệp thuê đất hay xin chuyển nhượng đất để đầu tư nuôi công công nghiệp thì gặp quá nhiều vướng mắc nên chuyển địa bàn, đầu tư ở tỉnh khác” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

Nhiều việc phải làm

Một trở ngại khác khi triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp ở Quảng Nam là hệ thống giao thông, điện, kênh mương nội đồng, hạ tầng nói chung chưa đáp ứng yêu cầu. Có thể thấy, toàn tỉnh có đến hơn 2.200ha ao nuôi tôm nước lợ nhưng chủ yếu chỉ là các diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Để vận chuyển thức ăn, vật tư nuôi tôm, tôm thương phẩm thì đòi hỏi đường giao thông phải rộng lớn, thuận tiện để máy chuyên dùng hoạt động; thực tế của tỉnh lại hoàn toàn trái ngược. Từ trước đến nay, nông dân nuôi tôm theo phương pháp quảng canh, tận dụng đối đa diện tích mặt nước để nuôi, hầu hết khu vực nuôi đều không có ao lắng, ao xử lý nước thải.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, nông hộ nào cũng biết nuôi tôm công nghiệp có thể đem lại sản lượng, năng suất cao, bảo vệ môi trường nhưng do các yếu tố khách quan và chủ quan nên chưa thể thực hiện.  

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, điều cần kíp phải làm ngay là giao quyền sử dụng đất mặt nước đến người dân để nuôi tôm công nghiệp trên cơ sở xây dựng hạ tầng phù hợp. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng giao thông trong vùng, hệ thống thủy lợi, nước ngọt, mặn, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện 3 pha. Đồng thời, phân bố hợp lý hệ thống ao nuôi tôm, ao xử lý nước cấp và thoát nước cho phù hợp, quản lý tốt môi trường ao nuôi tôm ổn định nhằm phát triển bền vững.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao nhiệm vụ Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương khẩn trương khảo sát, nghiên cứu chọn địa điểm phù hợp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để hình thành các khu công nghiệp nuôi tôm tập trung, nuôi tôm công nghệ cao trên cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp vào tích tụ ruộng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Ngành nông nghiệp cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với dân hoặc thuê lại các ao nuôi của dân để đầu tư thành vùng nuôi tập trung, hạ tầng tiên tiến, đồng bộ và cùng người dân đầu tư nuôi tôm hiện đại, công nghiệp hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Điểm nghẽn" nuôi tôm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO