Gỡ vướng “tàu 67”

Việt Nguyễn 28/10/2019 11:24

Trước thực trạng nhiều tàu cá được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản sản xuất không hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương ven biển gỡ vướng bằng nhiều giải pháp thiết thực. 

Các “tàu 67” cần được gỡ vướng để vươn khơi, sản xuất trên các vùng biển xa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các “tàu 67” cần được gỡ vướng để vươn khơi, sản xuất trên các vùng biển xa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều tàu nằm bờ

Tàu vỏ thép QNa-95977 của ngư dân Phạm Văn Tư (xã Bình Dương, Thăng Bình) sau sự cố bị cháy khi đang neo đậu ở cảng Hòn Rớ (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) từ ngày 14.1 đến nay vẫn phải nằm bờ. Chung cảnh ngộ là 8 tàu vỏ thép khác theo nghề lưới rê hỗn hợp của các ngư dân huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và TP.Hội An vẫn chưa thể ra khơi vì sản xuất thua lỗ. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, các tàu lưới rê hỗn hợp sản xuất kém là do vàn lưới quá dài (chừng 18km), có trọng lượng lớn nên khó xoay xở, khó thực hiện thành công các mẻ lưới trong điều kiện tàu Trung Quốc liên tục xua đuổi, cản phá ở ngư trường Hoàng Sa trong những chuyến biển thời gian qua. Đáng nói, dù nhiều tàu lưới rê hỗn hợp đã lần lượt chuyển sang các nghề lờ lươn và lưới quét nhưng vẫn thu không đủ bù chi sau những chuyến biển. Tương tự, 8 “tàu 67” hành nghề lưới vây cũng sản xuất kém, nhiều chủ tàu đã phải chuyển sang nghề lưới chụp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.

Con số báo động là các “tàu 67” của ngư dân trên địa bàn tỉnh đã nợ xấu các ngân hàng thương mại đến hơn 215,3 tỷ đồng vào thời điểm này. Ngày 20.6.2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo những địa phương ven biển thành lập tổ công tác hỗ trợ các ngân hàng thương mại thu hồi nợ của ngư dân sở hữu “tàu 67” hoạt động hiệu quả. Theo đó, tại các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP.Tam Kỳ dù có tổ đôn đốc thu hồi nợ nhưng ngư dân vẫn chây ỳ trả nợ dù sản xuất đạt, có nguồn thu lớn. Sau khi Nghị định 17 thay thế Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương ven biển rà soát lại các “tàu 67” sản xuất kém hiệu quả, giới thiệu để ngư dân khác có thể mua lại nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có chuyển nhượng “tàu 67” vì bất cập ở chỗ khi mua lại “tàu 67”, ngư dân phải kham luôn các khoản nợ trước đó của chủ tàu cũ. Trước thực trạng nhiều “tàu 67” nằm bờ, chủ tàu không trả nợ, không đủ kinh phí bảo dưỡng định kỳ khiến tàu xuống cấp, hoen gỉ, bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho rằng, sẽ khởi kiện ngư dân ra tòa, yêu cầu phải thanh toán toàn bộ vốn vay đóng “tàu 67”. 

Vào cuộc gỡ vướng

Các ngân hàng thương mại có thể khởi kiện ngư dân chây ỳ, trốn nợ trong khi làm ăn hiệu quả. Việc khởi kiện tuyệt đối không nên làm tràn lan. Những trường hợp ngư dân xoay xở mọi cách nhưng chưa có khả năng trả nợ cần phải thận trọng bởi nếu họ không thiếu trách nhiệm thì tạo điều kiện để dần trả nợ.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng)

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đối với nợ xấu của các “tàu 67” mà chủ tàu chây ỳ, không trả nợ dù sản xuất đạt, đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương các ngân hàng thương mại khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ. Đối với các “tàu 67” sản xuất kém nhưng không được chuyển nhượng lại cho ngư dân khác có nhu cầu trong thời gian qua là do cơ chế hỗ trợ lãi suất về vốn đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại tàu cũ vẫn chưa được Bộ Tài chính thông qua. Bởi vậy, đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính thông qua cơ chế hỗ trợ lãi suất đồng thời phối hợp với các cơ quan của Trung ương lập danh sách, thông báo về các “tàu 67” có nhu cầu mua bán để các ngư dân được biết, tiếp cận chuyển nhượng. 

Mặc dù chưa có chuyển nhượng “tàu 67” trên địa bàn tỉnh nhưng đã có trường hợp ngư dân của huyện Núi Thành thuê lại tàu vỏ thép QNa-93719 của ngư dân Tạ Văn Lâu (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) về sản xuất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, việc này vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì “tàu 67” không phải nằm bờ, đem lại giá trị kinh tế cho ngư dân, không bị hoen gỉ, xuống cấp nhờ bảo dưỡng thường xuyên. Lo vì việc thuê lại tàu vỏ thép không có nhiều ràng buộc, thiếu cơ sở pháp lý, dễ xung đột trách nhiệm nếu không may tàu bị sự cố đáng tiếc. “Các ngành chức năng nên chú tâm vào giải pháp tạo điều kiện giúp ngư dân thuê “tàu 67” để vươn khơi sản xuất. Hình thức cho thuê là cần thiết tuy nhiên thuê như thế nào cho đúng, đầy đủ cơ sở, ràng buộc trách nhiệm là rất quan trọng. Ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng “tàu 67” không thể đứng ngoài cuộc trong việc này. Ngành nông nghiệp cần phối hợp với ngân hàng hướng dẫn thủ tục và thực hiện giám sát cho thuê “tàu 67” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 719,35 tỷ đồng, giúp ngư dân trên địa bàn tỉnh đóng mới 63 “tàu 67” (24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composite), cải hoán, nâng cấp 2 tàu vỏ gỗ. Đã có 3 “tàu 67” bị cháy hoàn toàn, 1 tàu bị chìm không thể trục vớt. Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Bảo Việt Quảng Nam khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng, điều tra, xác định rõ sự cố các tàu cá bị chìm, bị cháy chưa rõ nguyên nhân để giải quyết dứt điểm vụ việc, giảm thiểu khả năng gây mất vốn của ngân hàng thương mại, giúp ngư dân có phương án khai thác hải sản trở lại với tàu cá mới...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ vướng “tàu 67”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO