Kỳ vọng mô hình nuôi hải sản

VIỆT NGUYỄN 22/03/2021 06:17

Mô hình nuôi hải sản đang hình thành trên vùng biển của tỉnh và đem lại hiệu quả bước đầu. Ngành chức năng và huyện Núi Thành kỳ vọng sẽ nhân rộng mô hình mới mẻ này. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống cá chim vây vàng giúp hộ ông Trần Văn Đức nuôi cá ở ven biển An Hòa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống cá chim vây vàng giúp hộ ông Trần Văn Đức nuôi cá ở ven biển An Hòa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hiệu quả bước đầu

Đầu năm 2020, ông Phạm Xuân Vương (thôn Xuân Mỹ, xã đảo Tam Hải, Núi Thành) đầu tư 1 bè với 11 lồng nuôi cá bớp ở khu vực cửa biển An Hòa. Sau 7 tháng nuôi, ông Vương thu hoạch được 8 tấn cá, bán được gần 1 tỷ đồng, lãi gần 400 triệu đồng.

“Nuôi cá ở nơi giáp biển nên nguồn nước rất trong sạch. Sau nhiều năm nuôi cá trong ao, đúc kết kinh nghiệm và học hỏi thêm quy trình kỹ thuật nuôi hải sản ở biển của các nông hộ tỉnh bạn, tôi đã mạnh dạn đầu tư mô hình này. Thành quả thu được rất khả quan nên năm nay tôi đầu tư vừa nuôi cá bớp vừa nuôi cá chim vây vàng” - ông Vương nói.

Ở xã đảo Tam Hải có nhiều hộ dân thành công bước đầu với mô hình nuôi hải sản ở biển như Trần Văn Hiếu, Nguyễn Tiến Vân, Bùi Văn Hóa... Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải cho biết, rất mừng là nhiều hộ lãi hàng trăm triệu đồng chỉ sau 1 vụ nuôi. Đối tượng nuôi khá đa dạng, ngoài cá bớp, cá chim vây vàng còn có cá mú, cá hồng - những đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao. Giống các loại cá thả nuôi được sinh sản nhân tạo nên đồng đều kích cỡ, nông hộ chủ động được thời gian thả nuôi, thu hoạch trước khi có bão, lũ. Ngoài thức ăn công nghiệp, người dân tận dụng các loại cá tạp để nuôi cá. Nông dân đầu tư lồng bè vững chãi nên ít thất thoát.

“Người nuôi sử dụng giống cá chất lượng mua về từ các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận nên sinh trưởng tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, chưa xảy ra dịch bệnh. Khu vực sát cửa biển An Hòa được tỉnh, huyện quy hoạch để nuôi hải sản ở biển nên nông hộ yên tâm đầu tư lâu dài” - ông Hùng nói.

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, nghề nuôi hải sản ở biển bắt đầu từ những năm 1990 ở khắp dải duyên hải ven biển miền Trung. Đến nay, trên địa bàn huyện mới hình thành mô hình, kết quả bước đầu là khả quan. Địa phương khuyến khích mô hình kinh tế này để khai phóng tiềm năng, lợi thế rộng lớn của khu vực biển An Hòa. Về lâu dài, địa phương khuyến khích các nông hộ hay doanh nghiệp nuôi hải sản ở các vùng biển rộng lớn hơn để hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh. Hiện nay, có nhiều lồng tròn, lồng nổi với cấu kiện thép rất kiên cố, rất cần nông hộ, doanh nghiệp triển khai để mở rộng quy mô nuôi hải sản ở biển.

Khuyến khích nhân rộng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa hỗ trợ các nông hộ ở xã đảo Tam Hải xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng ở khu vực ven biển An Hòa. Theo đó, người nuôi được hỗ trợ 70% kinh phí mua giống cá, 70% chi phí mua thức ăn, vật tư thiết yếu, chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất.

Ông Hứa Viết Thịnh - cán bộ phụ trách mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiện nay một số hộ nông dân ở Núi Thành, Hội An thử nghiệm nuôi cá chim vây vàng bằng lồng bè ở khu vực ven biển, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiện một số mô hình nuôi chưa theo quy trình kỹ thuật tối ưu gồm mật độ cá, đầu tư thức ăn, chăm sóc, quản lý môi trường, phòng bệnh, nhất là chưa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, mô hình cần được xây dựng để nông dân có điều kiện học tập và nhân rộng.

Ông Trần Văn Đức (thôn Xuân Mỹ, xã đảo Tam Hải), một nông dân tiếp nhận mô hình khuyến ngư nuôi hải sản ở biển cho biết, rất phấn khởi vì mô hình hứa hẹn đem lại thành công. “Tôi sẽ tuân thủ các quy trình kỹ thuật được tập huấn để nuôi cá thành công. Trong quá trình nuôi cá tôi sẽ liên hệ với các doanh nghiệp chế biến hải sản trong và ngoài tỉnh để ổn định đầu ra sau này” - ông Đức nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nuôi hải sản ở biển là hướng đi mới được ngành nông nghiệp khuyến khích phát triển bền vững, kỳ vọng chế biến sâu sau khi nuôi để xuất khẩu. Tuy vậy, nuôi hải sản ở các vùng ven biển Quảng Nam còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số vùng nuôi lại nằm chồng lấn, xung đột với các ngành kinh tế khác như ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An).

“Nuôi hải sản ở các vùng biển Quảng Nam cần đầu tư vốn và quy mô lớn hơn nên rất cần các doanh nghiệp tham gia để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều cần thiết là gắn nuôi hải sản ở biển với tổ chức sản xuất hiện đại, bài bản cũng như xây dựng chuỗi giá trị xuyên suốt từ nuôi - bảo quản - chế biến - thị trường” - ông Ngô Tấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng mô hình nuôi hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO