Mực xà ách tắc đầu ra

VIỆT NGUYỄN 16/04/2020 04:46

Do tác động của dịch Covid-19, sản phẩm mực xà đang ách tắc, khó cho cả ngư dân trên địa bàn tỉnh lẫn các tư thương buôn bán mặt hàng này.

Tàu câu mực khơi của ngư dân Lương Văn Tồn chuẩn bị xuất bến.
Tàu câu mực khơi của ngư dân Lương Văn Tồn chuẩn bị xuất bến.

Vẫn phải bám biển

Đã bán xong mực xà, chuẩn bị xuất bến để đi câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa nhưng ngư dân Lương Văn Tồn (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) vẫn lo lắng. Ông Tồn bán 35 tấn mực khô với giá 100 nghìn đồng/kg nhưng mới chỉ thu về 2,5 tỷ đồng, tư thương ở Quảng Ngãi còn nợ 1 tỷ đồng. Do chủ tàu chỉ được chia 25% tổng giá trị hải sản sau khai thác nên ông Tồn phải vay mượn thêm để chia cho bạn biển và tiếp nhiên liệu, mua nhu yếu phẩm phục vụ khai thác hải sản gần 3 tháng ở vùng biển xa. 

Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng thủy, hải sản có thể tiếp cận các ngân hàng thương mại để được hỗ trợ. Tuy nhiên, các ngân hàng thực hiện thông tư này rất chặt chẽ với nhiều quy định nội bộ để tránh bị lợi dụng chính sách. Vì thế, doanh nghiệp kinh doanh thủy, hải sản phải thực hiện đúng các quy trình, thủ tục, đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu.

Thông thường, với mỗi chuyến biển câu mực khơi kéo dài gần 3 tháng, ngư dân chủ yếu chỉ đi biển sau tết nên phải đến giữa tháng 4 trở đi, các tàu câu mực mới về bờ. Do lo ngại không bán được mực xà, nhiều chủ tàu đã về bờ trước thời hạn. Giá mực xà cũng giảm mạnh so với cùng kỳ (100 nghìn đồng/kg vào thời điểm này so với mức giá 160 nghìn đồng/kg vào năm trước).

Ngư dân Phạm Huy (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-91056 cho biết, sắp xuất bến để đi câu mực khơi trở lại nhưng lo ngại sẽ khó thu được nợ tư thương mua mực xà trước đó và giá cả cũng sẽ giảm trong thời gian đến.

“Trung Quốc chi phối giá mực xà nên hàng hải sản này rất bấp bênh. Có khi giá mực xà chỉ còn 55 nghìn đồng/kg, ngư dân không có lãi sau 3 tháng bám biển xa bờ. Dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, chúng tôi trấn an mãi thì 45 bạn biển mới quyết định đi biển ở chuyến sắp đến” - ông Huy nói. 

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam kiêm phụ trách cảng cá An Hòa cho rằng, mực xà là sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc vì dễ khai thác, sơ chế đơn giản, phía đối tác không yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Bởi vậy, một khi thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng thì mực xà sẽ ách tắc đầu ra, nhất là trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cần giải pháp hữu hiệu

Ông Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - tư thương thu mua mực xà cho biết, đang lo lắng vì ách tắc sản phẩm mực xà. Hiện tại, chủ vựa này đang tồn kho hàng trăm tấn mực. Do thực hiện không tụ tập đông người nên việc phơi khô, bảo quản mực xà gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua.

“Gia đình tôi phải thuê kho đông lạnh của doanh nghiệp ở xã Tam Hiệp (Núi Thành) để bảo quản mực với giá hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Chúng tôi đang ra sức chạy vạy ngân hàng thương mại nhưng chưa được giãn nợ, rất khó khăn” - ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, hiện tại việc thu mua mực xà đang cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều tư thương ở Quảng Ngãi có tiềm lực lớn, nếu chậm trễ thì ngư dân sẽ bán mực cho tư thương Quảng Ngãi.

Bà Phan Thị Tuyết - tư thương thu mua mực xà, cũng ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang cho biết, đang tìm cách để xuất khẩu mực sang Thái Lan, Indonesia nhưng chưa thực hiện được vì nguồn lực hạn hẹp. Hiện tại, bà Tuyết cũng đang tồn kho hàng trăm tấn mực xà mà chưa biết khi nào xuất khẩu hết kho hàng.

“Cứ mỗi ngày mực xà còn đầy kho là lo lắng thêm chồng chất vì nợ ngân hàng đến hạn nhưng chưa trả được. Chúng tôi nghe nói ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vốn vay trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường nhưng vẫn chưa tiếp cận được cơ chế hỗ trợ” - bà Tuyết nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh đang tái cơ cấu nghề cá, khuyến khích ngư dân chọn những nghề khai thác hải sản có giá trị kinh tế cao, rộng mở thị trường. Đồng thời khuyến cáo ngư dân hành nghề lưới chụp và câu mực khơi cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thị trường, tính toán cẩn thận trước khi vươn khơi. Ngư dân cũng cần đầu tư thêm trang thiết bị, hiện đại hầm bảo quản hải sản để sơ chế, bảo quản mực xà sau khai thác được thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mực xà ách tắc đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO