Ngư dân linh hoạt chuyển hướng đánh bắt

VIỆT NGUYỄN 16/09/2020 08:44

Thay vì chỉ chuyên tâm khai thác hải sản xa bờ với một nghề, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng kết hợp các nghề vừa sản xuất xa bờ vừa sản xuất ở tuyến lộng, nâng cao giá trị kinh tế mang lại ở mỗi chuyến biển.

Ngư dân cần áp dụng nhiều nghề ở nhiều ngư trường để tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân cần áp dụng nhiều nghề ở nhiều ngư trường để tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Linh hoạt huyển hướng

Dịch Covid-19 đang được khống chế nhưng thị trường xuất khẩu hải sản chế biến vẫn chưa khôi phục như trước. Ông Phạm Tấn Vũ - chủ cơ sở kinh doanh hải sản ở thôn An Hải Đông (xã Tam Quang, Núi Thành) cho hay, cơ sở vẫn thu mua hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh khai thác được nhưng chỉ là trung gian cung cấp cho đầu mối, tư thương để bán lại ở chợ chứ chưa có lại hợp đồng mua bán với các đối tác là công ty chế biến hải sản xuất khẩu.

“Bán hải sản ở các chợ đòi hỏi phải thật tươi, càng bảo quản ít ngày càng tốt, không như doanh nghiệp chế biến có thể lưu kho đông lạnh nguyên liệu hải sản lâu ngày hơn. Do vậy, hiện nay muốn bán được giá, ngư dân cần những chuyến biển ngắn ngày” - ông Vũ nói.

Từ thực tiễn này, chủ các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đã chuyển hướng sản xuất. Như ngư dân Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) thay vì chuyên chú hành nghề lưới chụp ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa - chủ yếu khai thác mực xà bán cho doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu - đã linh hoạt chuyển vào tuyến lộng để đánh bắt mực nang, mực ống, mực cơm có giá trị kinh tế cao hơn trong thời điểm hiện nay.

“Nghề biển thất thường nên tôi phải tùy cơ ứng biến. Thời điểm này chụp mực ở tuyến lộng thu được giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với chụp mực xà bởi thị trường xuất khẩu hải sản bị ách tắc” - ông Kỳ nói.

Ngư dân Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) - chủ 3 tàu cá QNa-90208, QNa-90207 và QNa-90406 cho biết, đang khai thác hải sản bằng 3 nghề lưới rê hỗn hợp, pha xúc và lưới Bạc Liêu. Trong đó, với nghề lưới rê hỗn hợp, ngư dân sản xuất xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, 2 nghề còn lại đánh bắt ở tuyến lộng.

“Khi thị trường xuất khẩu rộng mở, tôi tập trung đánh bắt cá thu, cá đuối, cá nhám với nghề lưới rê hỗn hợp. Thời điểm này chủ yếu bán hải sản cho thị trường nội địa nên tôi sản xuất chính ở tuyến lộng khi các loại cá cờ, cá bạc má, cá bánh lái, cá chim, cá cu được giá hơn. Phải đa dạng sản xuất mới có thể kỳ vọng nghề cá thành công” - ông Tăng nói. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, các chuyến biển gần đây thu được hàng trăm triệu đồng là thành quả lớn của đội tàu ông Tăng.

Khuyến khích sản xuất đa dạng

Một số ngư dân ở huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Hội An đã bước đầu sản xuất nhiều nghề ở nhiều ngư trường như lưới vây kết hợp với lưới rê cải tiến 3 lớp, thu được nhiều cá ngừ, cá nục, cá chuồn... Các ngư dân cho rằng, để nhân rộng mô hình nhiều ngành nghề đánh bắt hải sản ở các ngư trường khác nhau, các ngành chức năng cần hỗ trợ ngư dân về vốn để đóng thêm tàu cá, nhất là đào tạo lao động cho nghề cá Quảng Nam. 

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, không chỉ ảnh hưởng xấu bởi dịch Covid-19, mà theo nghề biển, ngư dân nói chung sẽ đối diện với nhiều tình huống khó do đòi hỏi của thị trường tiêu thụ lẫn áp lực của quá trình khai thác hải sản. Do vậy, ngư dân cần năng động, linh hoạt cho quá trình sản xuất ở cả tuyến lộng và xa bờ. Luật Thủy sản quy định, các tàu cá đánh bắt hải sản ở tuyến lộng phải có chiều dài dưới 15m. Vậy nên, để đa dạng phương thức sản xuất, ngư dân cần cả tàu lớn và tàu nhỏ để tuân thủ các quy định. Quảng Nam rất khuyến khích các mô hình sản xuất mới, phù hợp với thực tiễn, đem lại giá trị kinh tế cao. 

Các mô hình đánh bắt hải sản ở cả tuyến lộng và xa bờ đem lại nhiều tiện ích cho cả ngư dân lẫn cơ quan quản lý. Thứ nhất, sẽ giảm cường lực tác động lên trữ lượng hải sản, giúp hải sản có thể tái tạo, phát triển. Thứ hai, đầu ra tiêu thụ hải sản sau khai thác sẽ dễ dàng hơn, tránh đầu nậu o ép giá. Khi trữ lượng hải sản đang ngày càng giảm thì vừa khai thác ở tuyến lộng vừa khai thác xa bờ là cách thức phù hợp tình thế. Sản xuất đa nghề, kiêm nghề của ngư dân giúp quá trình tái cơ cấu lại nghề cá được thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngư dân linh hoạt chuyển hướng đánh bắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO