Nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu

VIỆT NGUYỄN 31/08/2020 04:52

Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến nuôi thủy sản ngày càng rõ rệt hơn, vì thế, rất cần thích ứng bằng các giải pháp thiết thực.

Biến đổi khí hậu khiến cho nuôi cá nước ngọt gặp nhiều khó khăn. Ảnh: V.N
Biến đổi khí hậu khiến cho nuôi cá nước ngọt gặp nhiều khó khăn. Ảnh: V.N

Nông hộ chịu thiệt hại

Các biểu hiện của BĐKH như nắng nóng, bão lũ, hạn hán kéo dài, đặc biệt là gia tăng nhiệt độ và thay đổi lượng mưa khiến tôm, cá rất dễ “sốc” môi trường, gây dịch bệnh. Bởi vậy, rất dễ nhận thấy ở hầu khắp vùng triều nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh, tôm chết tràn lan, nông hộ thua lỗ.

Ông Ngô Hòa (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, từ đầu vụ 2020 đến nay, đã qua 2 lần thả nuôi, tôm thẻ chân trắng đều chết hàng loạt, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. “Nhiệt độ môi trường nước vào thời điểm này cao hơn cùng kỳ năm trước vài độ C. Nhiệt độ trong ao nuôi tôm chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm nên tôm nuôi khó thích nghi. Tôi loay hoay mãi mà chưa biết có cách nào để ổn định nuôi tôm” - ông Hòa nói.

Mùa khô đến sớm, hạn hán kéo dài, độ mặn tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm nuôi. Trong khi đó, hầu như các vùng triều nuôi tôm, hạ tầng rất sơ sài, chất lượng nước kém nên rất hiếm có nông hộ nuôi tôm thành công.

Nuôi cá nước lợ, nước ngọt cũng chịu ảnh hưởng xấu từ BĐKH. Ông Trần Kỳ Cương (thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, cá điêu hồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, bỗng gặp nước mặn tràn về do triều dâng đã sốc môi trường, chết hàng loạt.

Theo ông Mai Huy Chương - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Thăng, BĐKH khiến cho môi trường nước diễn biến phức tạp, chất lượng nước có dấu hiệu giảm sút, ngày càng khó kiểm soát, diện tích nuôi cá trong lồng bè phát bệnh tăng đột biến, rất khó phát triển bền vững theo kỳ vọng.

“Có thể thấy BĐKH đã và đang có những biểu hiện rõ rệt, tác động nghiêm trọng đến cả nuôi cá nước ngọt lẫn nước lợ, cả nuôi cua, nhuyễn thể đến nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng” - ông Chương nói.

Qua mùa hạn, đến mùa mưa các nông hộ nuôi cá nước lợ trên địa bàn xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) nơm nớp lo âu. Chỉ cần lượng mưa tăng mạnh là đã gây lũ lụt kéo theo những biến động lớn về môi trường, độ mặn giảm đột ngột, cá dìa, cá chẽm bị sốc, chết hàng loạt.

Ông Lê Văn Tại - cán bộ phụ trách thủy sản UBND xã Tam Phú cho biết, năm nào xã cũng thông báo đến nông hộ nên thu hoạch cá nước lợ trước mùa lụt bão, nhưng do cá chậm phát triển nên thời gian nuôi kéo dài, bị lũ cuốn trôi. Không ít hộ nông dân nuôi cá trái vụ mong bán được giá nhưng thua lỗ nặng nề do cá chết trong lũ lụt.

Thích ứng

Sau nhiều đợt đi tham quan các mô hình nuôi thủy sản thành công ở nhiều địa phương trong nước, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để thích ứng BĐKH, quan trọng nhất là điều chỉnh các hoạt động nuôi phù hợp. Tùy từng hệ thống nuôi, cần phải trang bị cơ sở hạ tầng đầy đủ để đảm bảo nhu cầu sản xuất như hệ thống điện, kho chứa thức ăn, máy quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo môi trường và các thiết bị phụ trợ khác để phản ứng kịp thời mọi tình huống bất ngờ, giảm thất thoát. Nông hộ nên xây dựng hệ thống cấp đủ nước sạch, có hệ thống thoát nước riêng biệt để chủ động nguồn nước cấp và hạn chế mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào ao nuôi. Với những hệ thống nuôi thủy sản quảng canh, nông hộ nên chú trọng đầu tư, nguồn lực yếu thì không nên nuôi tôm mà chuyển sang nuôi cua, một số loại cá có sức đề kháng, miễn dịch tốt.

“Tỉnh đang giao Sở NN&PTNT chú trọng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn để nuôi thủy sản hiện đại, công nghệ cao, thích ứng BĐKH” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Có kinh nghiệp gần 20 năm nuôi thủy sản, ông Đỗ Văn Lành (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) đúc kết nhiều kinh nghiệm. Để hạn chế tác hại của BĐKH, sau mỗi vụ nuôi, cần có thời gian để ngắt vụ, tiêu diệt các mầm bệnh và phục hồi môi trường. Trước vụ nuôi phải cải tạo, diệt tạp ao nuôi thật kỹ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Nông hộ cần sử dụng các chế phẩm vi sinh ủ với cám gạo, bột đậu, tạt xuống ao nuôi để gây màu nước theo phương châm “nuôi nước trước nuôi tôm sau”. Tùy theo hình dạng ao và mật độ nuôi thủy sản mà bố trí máy quạt nước thích hợp, đảm bảo cung cấp đủ ôxy, đặc biệt vào các thời điểm tối, đêm, gần sáng. Nông hộ cần tăng thời gian chạy quạt hoặc bố trí thêm hệ thống quạt nước cho tôm vào những ngày nắng nóng hoặc mưa lớn kéo dài.

Những hình thức nuôi thủy sản làm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, thích ứng BĐKH như nuôi tôm khép kín, nuôi tôm vi sinh, nuôi thủy sản theo công nghệ biofloc… đã khẳng định được hiệu quả, nông hộ cần học hỏi, vận dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO