Phát triển nghề nuôi thủy sản ở Thăng Bình

VIỆT NGUYỄN 09/04/2021 08:30

Triển khai Đề án phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2014 - 2020, nghề nuôi thủy sản ở huyện Thăng Bình đã có bước chuyển mạnh mẽ. Địa phương đang tính toán, cân nhắc để tiếp tục tạo bước phát triển trong giai đoạn mới.

Nuôi tôm trên cát ở xã Bình Hải đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nuôi tôm trên cát ở xã Bình Hải đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Huyện Thăng Bình có khoảng 260ha ao nuôi thủy sản với đối tượng chủ lực là tôm thẻ chân trắng. Trước đây, nhận thấy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cho thu nhập cao, nhiều người dân ven biển các xã Bình Nam, Bình Hải đã tự ý đào ao, lót bạt nuôi tôm tự phát trên đất được giao trồng cây lâm nghiệp, hay tự đào ao nuôi tôm trong vườn nhà... với tổng diện tích hơn 56ha. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đồng ý để UBND huyện Thăng Bình phối hợp với Sở NN&PTNT khảo sát, lập quy hoạch tạm thời nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 131,1ha.

Đề án phát triển kinh tế thủy sản Thăng Bình giai đoạn 2014 - 2020 đã cụ thể hóa chủ trương trên. Đến nay, mô hình nuôi tôm trên cát cho thấy hiệu quả cao, giải quyết việc làm và tạo thu nhập khá cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Quý (thôn An Trân, xã Bình Hải) đã đầu tư công trình nuôi tôm trên cát với 4 ao nuôi có tổng diện tích 5.000m2. Mỗi vụ, ông Toàn thả nuôi khoảng 15 vạn con giống tôm thẻ chân trắng ở mỗi ao.

Ông cho biết, trung bình ở mỗi ao nuôi, ông thu được khoảng 3,5 tấn tôm thương phẩm, bán được hơn 500 triệu đồng, thu lãi gần 300 triệu đồng. Nghề nuôi tôm trên cát tuy rủi ro cao nhưng nhìn chung hằng năm vẫn đem lại nguồn thu nhập khấm khá cho gia đình.

Nhờ các điều kiện thuận lợi về nguồn nước và nông dân có sự đầu tư bài bản cho công trình ao nuôi, nên nghề nuôi tôm trên cát ở Thăng Bình là hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Cùng với đó, nghề nuôi tôm ở vùng triều ven sông Trường Giang vốn bấp bênh lâu nay, gần đây đã khởi sắc trở lại.

Mới đây, hộ ông Nguyễn Văn An (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam) đã thu được 4 tấn tôm thẻ chân trắng sau 3 tháng nuôi trên ao có diện tích 2.500m2, thu về 600 triệu đồng, lãi gần 400 triệu đồng.

Quy trình cải tạo ao nuôi tôm của ông An được thực hiện chặt chẽ, phơi ao trong vòng 10 ngày, làm sạch ao nuôi bằng Chlorin. Ông An liên hệ với Công ty Việt Úc ở Bình Thuận để đặt mua tôm giống có kiểm dịch kỹ càng. Nguồn thức ăn cho tôm khi mua cũng được ông An kiểm tra chất lượng. Để tăng giá trị kinh tế thu được khi bán tôm, thay vì dùng kháng sinh, hóa chất, ông An dùng men vi sinh, các chế phẩm sinh học từ chuối, gừng. Ông An đã đầu tư ao chứa lắng để xử lý sạch nguồn nước trước khi cho vào ao nuôi tôm.

“Nuôi tôm sạch được mùa lại được giá. Cách thức nuôi tôm VietGAP cho thấy nhiều ưu việt. Mỗi năm tôi lãi hơn 700 triệu đồng” - ông An nói.

Bên cạnh nuôi tôm, nuôi ghép tôm sú với các loại cá chẽm, cá dìa, cua, cá đối, dù giá trị kinh tế không bằng nuôi tôm nhưng cũng giúp nhiều nông dân ổn định thu nhập.

Hộ ông Trương Văn Hoàng (thôn Cây Mộc, xã Bình Dương) đầu tư nuôi ghép tôm sú với cá đối trên diện tích 6.000m2 ở ven sông Trường Giang. Cá đối được nuôi với mật độ 1 con/m2, còn tôm sú được nuôi với mật độ 10 con/m2. Sau 6 tháng thả nuôi, ông Hoàng thu được hơn 500kg tôm sú và gần 1 tấn cá đối, bán được hơn 100 triệu đồng, lãi hơn 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, UBND huyện đang đề xuất HĐND huyện thông qua đề án kinh tế thủy sản trong giai đoạn mới với việc điều chỉnh một số nội dung, điều kiện hỗ trợ cho phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất cũng như phù hợp với Luật Thủy sản 2017.

Theo đó, mở rộng điều kiện hỗ trợ đối với người nuôi thủy sản, hỗ trợ các mô hình nuôi thủy sản áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường. Huyện khuyến khích phát triển các tổ cộng đồng trong nuôi tôm sạch, hữu cơ. “Hỗ trợ là rất cần thiết để giúp nông hộ đầu tư, khắc phục các điểm yếu về hạ tầng. Các cơ quan của huyện sẽ chú trọng hơn công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, xét nghiệm, kiểm tra mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh, tạo bước phát triển mới mạnh mẽ trong nuôi thủy sản” - ông Vũ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nghề nuôi thủy sản ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO