Thành tựu lớn của ngành thủy sản

VIỆT NGUYỄN 12/06/2020 11:49

Cả 2 lĩnh vực của ngành thủy sản Quảng Nam là nuôi trồng và đánh bắt đều gặt hái thành tựu lớn trong thời gian qua. Đối với nuôi trồng là nuôi tôm công nghệ cao, còn về đánh bắt là nâng cao giá trị hải sản.

Thành tựu lớn của ngành thủy sản. Ảnh: V.N
Thành tựu lớn của ngành thủy sản. Ảnh: V.N

Hiệu quả vượt trội

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, chủ trương của tỉnh là chuyển dần các diện tích nuôi tôm tự phát ở vùng triều ven sông thành những vùng nuôi tôm lót bạt, đầu tư công nghệ cao, xóa bỏ tình trạng manh mún để phát triển bền vững, thu được giá trị kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích. Kỳ vọng lớn đã có những dấu hiệu lạc quan khi trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho thấy hiệu quả vượt trội.

Cách đây vài năm, ông Nguyễn Xuân Cần ở thôn Kỳ Trân (Bình Hải, Thăng Bình) mạnh dạn nuôi tôm công nghệ cao sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh phía Nam. Trên phạm vi 18.000m2, ông Cần đầu tư 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau 3 tháng thả nuôi, trừ mọi chi phí, ông Cần lãi ròng hơn 800 triệu đồng/vụ. Mỗi năm nuôi 3 vụ tôm, ông Cần lãi gần 2,5 tỷ đồng.

“Đã là công nghệ cao thì người nuôi tôm đòi hỏi phải vận động, nỗ lực từng ngày. Thấy nguồn vốn còn chưa đủ, tôi đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ (có 3 chi nhánh ở Quảng Nam, Bình Thuận, Bạc Liêu) để mở rộng diện tích thả nuôi lên 3ha, trong đó đầu tư thêm 2 ao lớn để ương nuôi tôm giống tự sản xuất” - ông Cần nói.

Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ đang hoàn thiện từng bước để sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Trung tâm Sản xuất - kiểm định giống thủy sản Quảng Nam (Bình Nam, Thăng Bình). Với sự phối hợp nói trên, mô hình nuôi tôm công nghệ cao chủ động hoàn toàn, từ khâu sản xuất giống đến quy trình chăm sóc tôm thương phẩm, thức ăn và các vật tư phục vụ nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ nói: “Vụ nuôi vừa qua, chúng tôi lãi hàng tỷ đồng nhưng chưa là gì so với kỳ vọng. Chúng tôi muốn chứng minh nuôi tôm công nghệ cao ở Quảng Nam còn có cơ hội phát triển hơn 2 thủ phủ Bạc Liêu và Bình Thuận. Tham vọng của chúng tôi còn ở chỗ trình diễn, là địa chỉ để bà con nuôi tôm đến học hỏi, ứng dụng, tạo khởi sắc cho nghề nuôi tôm Quảng Nam”.

Trong khi đó, ông Dương Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Dương Hùng cho biết, đang liên doanh với Công ty Kim Hoàng đầu tư khu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi tôm trong Trung tâm Sản xuất - kiểm định giống thủy sản Quảng Nam với diện tích ao nuôi thực nghiệm 14.756m2, ao ương tôm giống 3.967m2.

Công ty CP Thủy sản Dương Hùng cũng đang khẩn trương đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên phạm vi 70ha ở khu vực Vũng Lắm (Tam Anh Bắc, Núi Thành). “Ứng dụng công nghệ cao có thể nuôi 300 con tôm giống/m2. Quy trình không cho phép xảy ra bất cứ rủi ro, sự cố nào ảnh hưởng đến tôm nuôi nên năng suất, sản lượng rất đạt” - ông Hùng chia sẻ.

Phát triển bền vững

Thời điểm này đang vụ sản xuất chính nên ngư dân trên địa bàn tỉnh liên tục cập bờ bán hải sản rồi tiếp nhiên liệu, mua nhu yếu phẩm để vươn khơi bám biển xa bờ. Ngư dân Nguyễn Văn Nghị ở thôn Sâm Linh Đông (Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91439 có công suất 822CV hành nghề lưới chụp cho biết, quan trọng nhất là nâng cao giá trị sản xuất ở mỗi chuyến biển. Nghề lưới chụp có thể đánh bắt đa dạng các loại hải sản. Khi mực xà được giá thì khai thác phơi khô ngay trên tàu để khi cập bờ bán cho thương lái. Nếu mực xà bị rớt giá thì chuyển sang khai thác mực ống, mực nang, các loại cá nổi. Tàu cá bố trí 8 hầm đông lạnh bảo quản hải sản hiện đại nên hao hụt sản phẩm sau khai thác không đáng kể. Đó là “chìa khóa” để bán hải sản được giá, tránh o ép giá của tư thương.

“Tàu của tôi có đầy đủ thiết bị hàng hải hiện đại như máy định vị, định dạng, dò cá, liên lạc tầm xa - tầm trung - tầm ngắn. Năng lực khai thác hải sản tốt là rất cần thiết. Quan trọng hơn là khi đánh bắt sản lượng đạt phải có cách bảo quản tốt để nâng cao giá trị” - ông Nghị nói.

Ông Nguyễn Văn Nghị cùng tổ đoàn kết đánh bắt hải sản với các chủ tàu Nguyễn Văn Hùng, Bùi Thế Cả, Nguyễn Văn Hên (cùng thôn Sâm Linh Đông). Các tàu cá cùng xuất bến, đi khai thác hải sản cùng lượt, cùng ngư trường, khi tàu cá này phát hiện luồng hải sản thì thông báo cho các tàu cá khác cùng đến đánh bắt. Khi bán hải sản, các chủ tàu cùng chia sẻ về giá bán, tránh tình trạng “làm giá” của đầu nậu, tư thương.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng - chủ tàu vỏ thép QNa-91039 có công suất 829CV bộc bạch: “Các tàu của chúng tôi luôn giúp đỡ lẫn nhau cả khi đánh bắt, bán hải sản lẫn ứng phó với sự cố thiên tai trên biển và nhất là đoàn kết chống sự càn quấy, ngang ngược xua đuổi của tàu nước ngoài. Rất mừng là, các chuyến biển trong thời gian qua an toàn, vừa đạt sản lượng cao vừa có đầu ra ổn định”.

Hai nghề khai thác hải sản chủ lực khác của ngư dân Quảng Nam là lưới vây và câu mực khơi cũng đều đạt về sản lượng lẫn giá bán khi các chủ tàu ngày một đầu tư hiện đại cho tàu cá của mình. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói, hướng phát triển nghề cá bền vững, hiện đại ngày càng định hình vững chắc trong ngư dân trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thành tựu lớn của ngành thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO