Thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân ở Núi Thành: Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

VĂN PHIN 26/08/2019 10:47

Những năm qua, huyện Núi Thành triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân của Nhà nước, tuy nhiên, thực tế còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ…

Tàu câu mực khơi neo đậu tại cảng An Hòa. Ảnh: VĂN PHIN
Tàu câu mực khơi neo đậu tại cảng An Hòa. Ảnh: VĂN PHIN

Hỗ trợ đóng mới nhiều tàu cá

Núi Thành là huyện trọng điểm về nghề cá của tỉnh. Những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế thủy sản. Cụ thể là Quyết định số 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Cạnh đó là Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam; Quyết định số 237/2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ ngư dân vay vốn với lãi suất bằng không để đóng mới, cải hoán tàu cá… Nhờ đó, trong gần 9 năm (2010 - 2019), ngư dân huyện Núi Thành có tàu cá hoạt động thường xuyên ở vùng biển xa đã được Nhà nước hỗ trợ hơn 398 tỷ đồng; trong đó có hơn 387 tỷ đồng hỗ trợ chi phí nhiên liệu chuyến biển, hơn 1,2 tỷ đồng bảo hiểm thân tàu, gần 9 tỷ đồng hỗ trợ máy HF cho ngư dân…

Từ các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67/NĐ-CP, ngư dân huyện Núi Thành đã được các ngân hàng thương mại cho vay gần 520 tỷ đồng đóng mới 43 tàu cá, trong đó có 24 tàu vỏ thép. Tính trong 3 năm (2017 - 2019), ngư dân huyện Núi Thành được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm hơn 16 tỷ đồng và qua thực tế, Bảo Việt Quảng Nam đã chi bồi thường bảo hiểm cho ngư dân huyện Núi Thành hơn 37 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh phối hợp với Trường Đại học Thủy sản Nha Trang tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên Núi Thành vận hành tàu vỏ thép, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm hải sản theo công nghệ mới. Riêng Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, tính trong 7 năm (2013 - 2019) đã hỗ trợ ngư dân huyện Núi Thành vay 65,6 tỷ đồng đóng mới được 44 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên; hỗ trợ 800 triệu đồng phí thiết kế cho 43 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 và chi hỗ trợ cho nhiều ngư dân bị tai nạn trên biển.

Ông Nguyễn Đình Sơn – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết: “Những năm qua, huyện Núi Thành đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích giúp ngư dân hiểu và tiếp cận tốt các chính sách Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực khai thác thủy sản xa bờ, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, ổn định đời sống cho hàng trăm hộ ngư dân...”.

Những khó khăn, tồn tại

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, ngư dân huyện Núi Thành vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ và đối mặt với nhiều trở ngại, rủi ro trên biển. Tại cuộc đối thoại với ngư dân mới đây do UBND huyện Núi Thành tổ chức, ông Trần Tấn Sinh – chủ tàu câu mực khơi ở xã Tam Giang nói: “Khi hành nghề vùng biển xa, tàu cá chúng tôi hay bị tàu nước ngoài xua đuổi, Nhà nước cần có giải pháp can thiệp, bảo vệ ngư dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần quan tâm hỗ trợ tiền bảo hiểm, duy tu tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong công tác đăng kiểm tàu thuyền, cấp giấy phép khai thác hải sản, tiêu thụ sản phẩm…”. Còn ông Phạm Văn Châu – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang chia sẻ: “Thực tế các tàu câu mực khơi ở Tam Giang thường bám biển dài ngày, có khi hơn 2 tháng/chuyến, do vậy Nhà nước nên có cơ chế ưu đãi riêng cho nghề đặc thù này”.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, do một số chính sách hỗ trợ ngư dân ban hành chưa phù hợp hoặc còn thiếu so với thực tiễn nên trong quá trình thực hiện đã gây ra khó khăn cho ngư dân về việc tiếp cận chính sách. Vì vậy, Nhà nước phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Hiện nay vẫn còn một số chính sách ngư dân không thể tiếp cận được hoặc tiếp cận được quá ít như chính sách trong Nghị định 67/NĐ-CP về cho vay nâng cấp, cải hoán tàu cá, cho vay vốn lưu động, hỗ trợ duy tu, sửa chữa định kỳ cho tàu cá vỏ thép, hỗ trợ một lần sau đầu tư… Đối với Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, các chính sách cho vay vốn cải hoán, nâng cấp, sửa chữa tàu bị hư hỏng vì tai nạn, sự cố do yếu tố khách quan hoặc bị hư hại trong quá trình cứu nạn chưa triển khai kịp thời; hỗ trợ sinh kế cho chủ tàu, người lao động hoạt động ở vùng biển xa do sự cố thiên tai, đâm va, bị tàu nước ngoài tấn công, bắt giữ, đánh chìm… chưa được giải quyết tốt. Nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân chưa đáp ứng yêu cầu về điều kiện và hồ sơ thủ tục hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân, tuy đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng do nhận thức còn hạn chế nên chưa tiếp cận, thực hiện được các hồ sơ, thủ tục theo quy định… Điều đáng nói là một bộ phận nhỏ ngư dân có ý gian lận để được hưởng chính sách ưu đãi như gửi máy nhắn tin cho tàu cá khác, gửi giấy xác nhận tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa… hoặc đánh bắt hải sản đạt hiệu quả nhưng chây ì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, đã làm ảnh hưởng không tốt đến chủ trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, địa phương đang tổng hợp những khó khăn, tồn tại trong thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân và những vướng mắc khác để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, giải quyết. Về phía huyện, sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích giúp ngư dân tiếp cận tốt hơn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm gỡ khó cho bà con, tiếp tục đưa ngành khai thác hải sản Núi Thành phát triển bền vững...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân ở Núi Thành: Vẫn còn khó khăn, vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO