Xuống cấp cảng cá An Hòa

TRẦN NGUYỄN 30/06/2020 12:20

Do đầu tư gần 20 năm nhưng lại không duy tu, sửa chữa nên nhiều hạng mục hạ tầng cảng cá An Hòa bị hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu hậu cần dịch vụ nghề cá theo hướng hiện đại.

Tàu cá cập cảng cá An Hòa chủ yếu để tiêu thụ mực khô. Ảnh: H.P
Tàu cá cập cảng cá An Hòa chủ yếu để tiêu thụ mực khô. Ảnh: H.P

Về cơ sở hạ tầng nghề cá, cả tỉnh chỉ có một cảng cá loại 2 là cảng An Hòa thuộc xã Tam Giang (Núi Thành) và 2 bến cá ở xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) và Thanh Hà (TP.Hội An). Vị trí cảng cá An Hòa cách xa cửa biển, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo cho dịch vụ thu mua thủy sản tươi nên lượng tàu thuyền cập cảng ít, chủ yếu tàu chứa mực khô. Sở NN&PTNT cho rằng, do hạ tầng xuống cấp nhưng không được đầu tư tu bổ, trong khi đó cảng cá An Hòa được định hướng chuyển sang phát triển cảng du lịch. Thiết kế cảng cá An Hòa từ năm 2002 cho tàu có công suất 60 - 300CV nhưng đến nay đội tàu khai thác có công suất từ 450CV trở lên, kích thước lớn hơn  (chiều dài ít nhất 20m trở lên). Thêm vào đó, số lượng tàu tăng lên đáng kể nên bến cảng, cầu cảng không còn đảm bảo cho tàu ra vào.

Cảng cá này còn chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải bởi hiện chỉ có bể chứa nước thải quy mô 50m3 mà không có hạng mục xử lý. Ngoài ra, cảng cá An Hòa chưa có mái che cầu cảng, bến cảng nên tàu vận chuyển hải sản tươi sống ít cập cảng này. Tàu cá sau khi khai thác bán cho các bến cá Thanh Hà (Hội An), An Lương (Duy Xuyên), Tân An – Bình Minh (Thăng Bình) và các bến đò Tam Quang (Núi Thành), cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Điều này dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong triển khai chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) tại cảng An Hòa rất khó khăn.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, năm 2019 có 140 lượt tàu cá cập cảng An Hòa với tổng sản lượng khai báo 1.790 tấn. Riêng 4 tháng đầu năm 2020 chỉ có 78 tàu cá được kiểm soát khi ra vào cảng. Trong khi đó, theo số liệu từ Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà về số lượng tàu ra vào vùng nước An Hòa do đơn vị này kiểm soát, năm 2019 có 21.489 lượt phương tiện (với 142.287 lượt lao động), trong đó xuất 9.763 lượt phương tiện, nhập 11.726 lượt phương tiện. Bình quân mỗi ngày có khoảng 60 lượt phương  tiện ra vào nhưng phương tiện khai báo tại cảng cá An Hòa rất thấp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Ngô Tấn đánh giá: “Việc kiểm soát tàu cá cập/rời cảng An Hòa với số liệu rất thấp so với thực tế phương tiện ra vào cửa An Hòa”.

Theo ngành nông nghiêp, muốn kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng An Hòa, phải sớm đưa vào sử dụng công trình cảng cá Tam Quang; đầu tư xây dựng cảng cá Hồng Triều hoặc nâng cấp bến cá Thanh Hà thành cảng cá loại 2. Hiện nay việc kiểm tra thu/nộp sổ nhật ký khai thác/thu mua của các nghề khai thác hầu như chưa thực hiện được tại cảng cá An Hòa.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai chống khai thác IUU đang phải sử dụng tạm các cơ sở vật chất của cảng cá An Hòa, tuy nhiên việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá từ 15m trở lên lại diễn ra khá chậm. Để chấn chỉnh việc các phương tiện không khai báo khi ra vào cảng, vừa qua UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Đồn Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá An Hòa triển khai các hoạt động kiểm tra trước khi tàu xuất bến, cập bến, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuống cấp cảng cá An Hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO