"Linh hồn" người Quảng ở Sê Kông

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 02/01/2016 07:20

“Linh hồn” người Quảng ở SêKông mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là ông Bô Nhơn, hiện đang sống tại bản Nộn-mi-say, huyện Lạ Màm, tỉnh Sê Kông (Lào). Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cẩm Kim, Hội An với cái tên mẹ đẻ là Lê Việt Muồng.

Căn nhà sàn 3 gian của gia đình ông Bô Nhơn ở bản Nộn-mi-say, huyện Lạ Màm. Ảnh: Điện Ngọc
Căn nhà sàn 3 gian của gia đình ông Bô Nhơn ở bản Nộn-mi-say, huyện Lạ Màm. Ảnh: Điện Ngọc

Trở thành công dân Lào

Ông Lê Việt Muồng sinh năm 1928, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Cẩm Kim. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông gia nhập Trung đoàn bảo vệ tỉnh Quảng Nam. Sau vài tháng học quân sự và chính trị, ông cùng 9 người nữa của trung đoàn nhận nhiệm vụ sang hoạt động giúp nước bạn Lào xây dựng lực lượng và cơ sở cách mạng tại các tỉnh Nam Lào. Qua hơn một tháng băng rừng, lội suối, vượt qua bao hiểm nguy, cả tổ mới tới được nước bạn Lào. Đến nơi, 9 anh em chia tay nhau mỗi người đi một ngả. Riêng ông Bô Nhơn được tổ chức phân công ở lại giúp nhân dân Sê Kông. Những ngày đầu mới đến ở một nơi xa xôi, ngôn ngữ bất đồng, vả lại cảnh núi rừng âm u hoang dã và cuộc sống buồn tẻ của các bản làng với những tập tục lạc hậu, khí hậu khắc nghiệt, cùng với đó là bệnh tật, sốt rét, đường sá đi lại khó khăn, địa bàn hoạt động rộng làm ông không khỏi nao lòng. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng được sự yêu thương đùm bọc của nhân dân các bộ tộc Lào cùng sự lạc quan, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng tiếp cho ông có thêm nghị lực để vượt qua tất cả. Trong những năm tháng ở đây ông cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia sản xuất với bà con các bộ tộc Lào. Hàng ngày, ông cùng đồng bào lên rẫy cuốc đất, làm cỏ, trồng lúa, tỉa bắp. Mỗi ngày học được vài từ, sau đó vừa làm, vừa học qua nhiều phương pháp khác nhau, vốn Tiếng Lào của ông ngày một nhiều lên và chẳng bao lâu ông đã nói được tiếng Lào thành thạo. Nhưng mới nói được tiếng Lào thì chưa đủ, do vậy ông tìm thầy dạy chữ, với sự sáng dạ và tính chịu thương chịu khó, chỉ vài tháng sau đó ông đã biết đọc, biết viết chữ Lào.

Trong quá trình tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở, ông đã vào vai rất nhiều nghề, có lúc là thầy giáo dạy học, lúc làm kỹ sư nông nghiệp chỉ cho bà con nông dân làm ruộng lúa nước; khi thì làm anh cán bộ phụ trách đoàn thanh niên dạy múa hát cho thanh thiếu niên, khi trở thành kỹ sư cầu đường, vận động bà con Lào Thơng, Lào Lum... mở ra con đường gùi thồ, sau đó tiếp tục khai phá trở thành đường xe vận chuyển. Nhiệm vụ nào được giao, ông cũng hoàn thành xuất sắc góp phần xây dựng địa bàn các tỉnh Nam Lào, trong đó tỉnh Sê Kông trở thành căn cứ cách mạng vững chắc của hai nước. Đất nước Lào được giải phóng, ông đã có nhiều sáng kiến cùng các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Sê Kông lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác xây dựng nếp sống văn hóa. Ông được Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào tín nhiệm giao giữ trọng trách Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông.

Trọn đời với nước bạn

Cụ Bô Nhơn nghỉ hưu năm 1990, hiện sống cùng vợ - một phụ nữ Lào. Vợ chồng ông có 3 người con đều từng qua Việt Nam học tập, hiện công tác trong các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang tỉnh Sê Kông. Mới đây, chúng tôi cùng đoàn công tác của TP.Tam Kỳ được ông Pheng-sỉ Si-la-vi - Bí thư, Huyện trưởng huyện Lạ Màm dẫn đường đưa đến thăm ông Bô Nhơn tại nhà riêng, căn nhà sàn 3 gian lợp ngói nằm yên tĩnh ở một góc phố của tỉnh lỵ Sê Kông. Năm nay ông đã bước sang tuổi 87, gần đây thường hay đau ốm, nhất là bệnh thấp khớp và các bệnh về tim mạch làm cho cả người đau buốt, đi lại khó khăn, sức khỏe giảm sút, phải nằm một chỗ. Trong góc tường của gian giữa ở tầng trệt, ông nằm trên chiếc chiếu được trải dưới đất, dù rất mệt nhưng nghe chúng tôi đến, ông đòi ngồi dậy, mọi người không cho.

Ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thay mặt đoàn công tác thưa: “Chúng cháu ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam kết nghĩa với huyện Lạ Màm tỉnh Sê Kông. Hôm nay, chúng cháu sang đây để dự hội nghị thường niên với huyện bạn, nghe tin ông bị đau chúng cháu đến thăm, chúc ông sức khỏe, sống lâu. Nghe nói đến người Quảng Nam ông rất mừng muốn ngồi bật dậy nhưng rồi ông nằm im, đôi mắt đỏ hoe, ông bảo: “Tốt lắm! Tình cảm của Quảng Nam và Sê Kông là tình hữu nghị thủy chung ngàn đời không có gì sánh được. Vì vậy các thế hệ trẻ của 2 nước Việt Nam và Lào nói chung, 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông nói riêng cần phải giữ gìn, vun đắp để tình hữu nghị của 2 Đảng, 2 tỉnh anh em ngày càng bền chặt, đời đời bền vững. Tôi nói như vậy có đúng không?”. Nói đến đây, ông im lặng, đôi mắt mờ đục nhìn sâu vào khoảng không gian tĩnh mịch của căn nhà trên tường treo kín những tấm huân - huy chương, cùng những bức ảnh ông chụp lưu niệm với các nguyên thủ quốc gia của 2 nước Việt - Lào.

Điều làm cho các thành viên trong đoàn ấn tượng là tấm Huân chương Độc lập hạng Nhì do Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng thưởng ông vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam - Lào. Và trong nhiều bức ảnh, xúc động nhất là bức ông chụp cùng ông Trương Quang Được - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi theo chúng tôi được biết, thời niên thiếu ông Muồng và ông Được là đôi bạn thân, lớn lên mỗi người đi một ngả, sau đó trở thành những cán bộ cao cấp của hai Đảng, hai nhà nước Việt Nam - Lào.

Tạm biệt ông, chúng tôi ra về mang theo quyết tâm phải làm cho tình đoàn kết hữu nghị Tam Kỳ - Lạ Màm, Quảng Nam - Sê Kông, Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những người đã có công xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt hiếm có này.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Linh hồn" người Quảng ở Sê Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO