Ghi tên dân tộc trong giấy khai sinh: Cần có sự thống nhất

HOÀNG HẠNH 10/09/2019 14:02

Thời gian qua nhiều người dân trên địa bàn huyện Nam Giang mong muốn thay đổi tên dân tộc Katu, Kà Tu cho phù hợp với dân tộc gốc là Cơ Tu trong giấy khai sinh. Tuy nhiên, hiện chưa có một văn bản hướng dẫn nào về việc yêu cầu người dân điều chỉnh tên dân tộc. Chính vì vậy thời gian gần đây, người dân ồ ạt rủ nhau đến trụ sở UBND huyện Nam Giang xin cải chính, thay đổi hộ tịch, xác định tên dân tộc, gây áp lực cho cơ quan chuyên môn của huyện, xã.

Chị  Pơ Loong Thị U, trú thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, thổ lộ: “Thấy bà con ai cũng đi thay đổi tên dân tộc nên mình cũng đi đổi hết cho 4 đứa con. Nghe mọi người bảo nhau, nếu không đổi tên dân tộc thì sau này làm thủ tục nhập học, xin việc làm, khám chữa bệnh sẽ gặp rắc rối ”. Còn chị Blúp Hoa, trú thôn Công Tơ Rơn, xã La Dêê, cho biết : “Dân tộc ông bà bên nội, ngoại đều là Kà Tu; dân tộc cha mẹ cũng là Kà Tu, trong giấy khai sinh của con tôi cũng là Kà Tu. Nhưng trong học bạ, bằng tốt nghiệp của các con tôi lại mang dân tộc Cơ Tu nên phải đi thay đổi, cải chính, xác định lại dân tộc để trùng khớp với giấy tờ, bằng cấp”.

Về vấn đề này, ông Dương Văn Thạnh - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nam Giang cho biết, căn cứ khoản 3, Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp: “Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau; Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình”.

Tại Công văn 1016/HTQTCT-HT ngày 7.9.2018 của Cục Hộ tịch Quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn cách ghi thành phần dân tộc như sau: “Trường hợp thành phần dân tộc trong giấy khai sinh được ghi theo tên gọi khác nhưng các tên gọi này không chính xác như trong danh mục kèm theo quyết định 121-TCTK/PPCĐ ngày 2.3.1979 của Tổng cục thống kê ví dụ: dân tộc Ca-dông (tên gọi khác của dân tộc Xơ-đăng) nhưng lại ghi thành Ca dong; Mnông ghi thành Mơ nông; Ca - tu (tên gọi khác của Cơ - tu) ghi thành Katu, Cà tu, C’tu… thì được xác định là có sai sót. Do đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan đăng ký Hộ tịch tiếp nhận, cải chính tên thành phần dân tộc cho phù hợp với danh mục theo Quyết định 121-TCTK/PPCĐ.

Trước đó, Công văn 40/UBDT-DTTS ngày 16.1.2018, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn cách ghi dân tộc theo hướng ghi tên nhóm nhỏ hoặc tên gọi khác trước, sau đóng mở ngoặc ghi tên chính thức của dân tộc. Ví dụ: Pa-co (Ta-ôi) ở một số địa bàn còn có vướng mắc về tên gọi dân tộc, nếu sau một thời gian không còn phản ứng phát sinh thì hướng dẫn triển khai trên toàn quốc. Đồng thời khi triển khai cấp các giấy tờ tùy thân cho người dân, đề nghị Bộ Công an giải thích cho công dân biết, việc để công nhận một dân tộc cần phải có thời gian, đảm bảo tính chính trị, tính pháp lý đầy đủ và phải được cấp có thẩm quyền quyết định.

Từ những văn bản nêu trên, cách ghi dân tộc Ka tu, Kà Tu được xác định là có sai sót, nên thuộc trường hợp cải chính hộ tịch (cụ thể là cải chính thành phần dân tộc). Và việc cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, trên 14 tuổi thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Những quy định trên góp phần giảm áp lực cho cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện nhưng lại gây không ít khó khăn cho cơ quan đăng ký hộ tịch cấp xã.

Ông Bhơ Nướch Hằng, công chức Tư pháp - hộ tịch thị trấn Thạnh Mỹ cho hay, từ đầu tháng 6 đến nay, người dân ồ ạt tới UBND thị trấn nộp hồ sơ xin cải chính, bổ sung hộ tịch nhưng chủ yếu là hồ sơ xin cải chính thành phần dân tộc. Có ngày anh tiếp nhận hơn 30 bộ hồ sơ của công dân.

Việc người dân đi xin cải chính, thay đổi, xác định lại dân tộc nhiều một cách bất thường như hiện nay không những tốn tiền, công sức đi lại của người dân, nhà nước mà còn tạo nên sự hoang mang, bất an cho dư luận, cộng đồng. Nên chăng, cần  sớm có quy định của pháp luật về cách viết tên dân tộc thiểu số trên cơ sở được sự đồng thuận, phù hợp với văn hóa, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, ban ngành liên quan như Tư pháp, Công an, ngành giáo dục… nên ngồi lại với nhau, thống nhất cách ghi tên dân tộc cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trong khi chờ các cơ quan chức năng cấp trên hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghi tên dân tộc trong giấy khai sinh: Cần có sự thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO