Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM 14/10/2019 17:36

(QNO) - Hỏi: Năm nay tôi đã 65 tuổi, không có lương hưu hay trợ cấp BHXH hằng tháng, thu nhập không ổn định nên phải sống phụ thuộc con cháu. Mới đây con dâu tôi qua đời vì bị tai nạn lao động. Khi giải quyết chế độ tử tuất hằng tháng đối với thân nhân của con dâu, tôi lại không được xem xét với lý do lúc còn sống con dâu không phải là người trực tiếp nuôi dưỡng tôi. Xin hỏi, theo quy định, tôi có được hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân của con dâu không? Lý do như đã nêu trên có đúng không? Nếu được thì chế độ tuất của tôi được những gì?

Trả lời: Khoản 6, Điều 3 Luật BHXH quy định: Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia BHXH hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Điểm c, Khoản 2, Điều 67 Luật BHXH quy định: Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ thuộc một trong các trường hợp khi chết thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng.

Khoản 3, Điều 67 Luật BHXH quy định: Thân nhân nêu trên phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

Khoản 1, Điều 68 Luật BHXH quy định: Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Khoản 2, Điều 68 Luật BHXH quy định: Trường hợp 1 người chết thuộc đối tượng quy định thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 4 người.

Đối chiếu với trường hợp của ông (bà), nếu hiện tại ông (bà) được xác định không có thu nhập hoặc thu nhập hằng tháng dưới mức lương cơ sở (hiện nay là 1.390.000 đồng) thì ông (bà) thuộc đối tượng xem xét giải quyết hưởng chế độ thân nhân tuất hằng tháng. Vì ông (bà) không nêu cụ thể các thân nhân của con dâu ông (bà) thuộc diện được xem xét tuất hằng tháng nên chưa đủ căn cứ để xác định ông (bà) được xếp thứ tự ưu tiên trong 4 định suất thân nhân tuất hay không. Nếu được thì mức trợ cấp bằng 50% mức lương cơ sở.

Hỏi: Em trai tôi sinh năm 1965, đã có 15 năm tham gia BHXH bắt buộc và đang tham gia tiếp BHXH tự nguyện (đã tham gia BHXH tự nguyện được gần 2 năm). Nay em tôi muốn đóng BHXH tự nguyện luôn một lần để hưởng chế độ hưu trí thì có được không?

Trả lời: Theo quy định của Luật BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Như vậy, để được hưởng lương hưu thì em trai của ông phải đóng BHXH từ đủ 20 năm và đủ 60 tuổi.

Theo thông tin ông cung cấp, em của ông có tổng thời gian đóng BHXH là gần 17 năm (cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và thời gian đóng BHXH tự nguyện). Do vậy em của ông cần phải đóng BHXH (theo hình thức tự nguyện hoặc theo hình thức bắt buộc) cho đủ 20 năm thì đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Phương thức đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu áp dụng đối với người đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm. Trường hợp của em ông chưa đủ điều kiện về tuổi đời (60 tuổi) nên không thuộc đối tượng đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO