Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM 05/11/2019 13:46

(QNO) - Hỏi: Năm nay chú tôi 54 tuổi, đã có thời gian đóng BHXH được hơn 26 năm. Nay, vì sức khỏe yếu, chú tôi muốn nghỉ hưu sớm có được không? Chú tôi cần làm những thủ tục gì?

Trả lời:

- Điểm a, Khoản 1 Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động (NLĐ) khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 54 của luật này nếu thuộc một trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp sau đây: Từ ngày 1.1.2016 nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Theo quy định trên, năm 2018, chú của bạn đã 54 tuổi, đóng BHXH trên 25 năm (nếu chỉ làm việc trong điều kiện lao động bình thường) mà được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn.

- Về thủ tục, hồ sơ đi giám định mức suy giảm khả năng lao động, Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12.5.2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế quy định: Hồ sơ giám định để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi đối với NLĐ đang đóng BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc NLĐ đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng… bao gồm:

+ Giấy đề nghị giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo thông tư này.

+ Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau (nếu có): Tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy xác nhận khuyết tật hoặc giấy ra viện hoặc các giấy tờ khám, điều trị các bệnh, thương tật, tật, bao gồm: sổ y bạ hoặc sổ khám bệnh hoặc đơn thuốc hoặc giấy hẹn khám lại hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú.

- Điều 13 Thông tư số 14/2016/TT-BYT quy định:

1. NLĐ có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và gửi đến Hội đồng giám định y khoa đối với các trường hợp sau:

a) NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH đề nghị giám định để hưởng lương hưu;

b) NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH đề nghị giám định để hưởng BHXH một lần;

c) Thân nhân của NLĐ đề nghị khám giám định để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

d) NLĐ đã nghỉ việc đề nghị khám giám định tái phát

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và gửi đến Hội đồng giám định y khoa đối với các trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 4 điều này.    

Hỏi: Luật BHXH quy định, thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ. Vậy quy định này có được áp dụng đối với người tham gia BHXH tự nguyện không? Việc điều chỉnh được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện đã quy định: Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh như sau:

a) Thu nhập tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm bằng thu nhập tháng đã đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng;

b) Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hằng năm và được xác định bằng công thức sau:

Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm t = Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH tính theo gốc so sánh bình quân của năm 2008 bằng 100% / Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 2008 bằng 100%.

Trong đó:

- t: Là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh;

- Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm t được lấy tròn 2 số lẻ và mức thấp nhất bằng 1 (một).

3. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 nghị định này thì mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này, trong đó thu nhập tháng đã đóng BHXH theo phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu nhận mức điều chỉnh bằng 1 (một).

4. Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH quy định mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện trên cơ sở quy định tại Khoản 2 điều này và chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố.

Ngày 29.12.2017, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH.

Điều 3 Thông tư 32/2017 quy định, thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo công thức sau:

Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng

Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm 2008 là 1,79; năm 2009 là 1,68; năm 2010 là 1,54; năm 2011 là 1,3; năm 2012 là 1,19; năm 2013 là 1,11; năm 2014 là 1,07; năm 2015 là 1,06; năm 2016 là 1,04; năm 2017 là 1,00 và năm 2018 là 1,00.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO