Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM 23/02/2020 11:20

(QNO) - Hỏi: Người lao động đang làm công việc nặng nhọc, độc hại có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) mỗi năm được hưởng chế độ ốm đau tối đa là bao nhiêu ngày? Mức hưởng chế độ này được tính thế nào? Những người đã có thời gian làm công việc loại này nhưng hiện đã chuyển sang làm công việc bình thường khác thì có được áp dụng chế độ như với người đang làm những công việc nặng nhọc, độc hại không?

Trả lời: Theo quy định của Luật BHXH, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong 1 năm đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên là 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng BHXH, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng đó.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

Tại Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, Bộ LĐ-TB&XH đã hướng dẫn:

Việc xác định người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên để tính thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm, được căn cứ vào nghề, công việc và nơi làm việc của người lao động tại thời điểm người lao động bị ốm đau, tai nạn.

Ví dụ: Bà A, có 13 năm đóng BHXH bắt buộc, làm việc trong điều kiện bình thường; từ tháng 1.2016 đến tháng 9.2016 bà A đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ 30 ngày. Tháng 10.2016, bà A chuyển sang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngày 25.10.2016, bà A bị ốm đau phải nghỉ 7 ngày làm việc.

Tại thời điểm nghỉ việc (tháng 10.2016), bà A làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa trong năm của bà A là 40 ngày, tính đến thời điểm ngày 25.10.2016 bà A mới nghỉ hưởng chế độ ốm đau 30 ngày trong năm 2016, do đó thời gian nghỉ việc 7 ngày do bị ốm đau của bà A được giải quyết hưởng trợ cấp ốm đau.

Hỏi: Tôi tham gia BHXH được hơn 4 năm, trong đó mỗi đơn vị đều cấp cho tôi một sổ mới hoàn toàn mà không đóng theo mã số sổ đầu tiên. Công ty cũ đã làm thủ tục gộp 3 sổ và cấp lại mã số sổ mới nhưng công ty mới hiện tại vẫn đóng theo mã số sổ đầu tiên của tôi thì có vấn đề gì không?

Trả lời: Theo Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thì mỗi người khi tham gia BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN chỉ được cấp một mã số duy nhất (số sổ BHXH) để ghi nhận quá trình đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Theo đó, nếu bạn vẫn còn từ 2 sổ BHXH trở lên (2 số sổ BHXH) thì lập Mẫu TK1-TS kèm theo các sổ BHXH đã cấp nộp cho công ty đang tham gia BHXH để chuyển cơ quan BHXH gộp sổ và nối quá trình đã đóng nhưng chưa hưởng BHXH, BHTN của bạn. Trường hợp thông tin về nhân thân của bạn ghi trên sổ BHXH chưa đồng bộ với dữ liệu Hộ gia đình thì kê khai lại cho khớp đúng theo hướng dẫn của cơ quan BHXH nơi giải quyết cấp lại sổ BHXH cho bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO