Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM 03/06/2020 14:33

(QNO) - Hỏi: Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), việc tạm dừng đóng BHXH bắt buộc đối với trường hợp đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn được thực hiện như thế nào? Có thể cho biết quy định cụ thể về vấn đề này?

Trả lời: Điều 88 Luật BHXH quy định: Trong trường hợp người SDLĐ gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động (NLĐ) và người SDLĐ không có khả năng đóng BHXH thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng.

Theo Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, việc tạm dừng đóng BHXH bắt buộc tại Điều 88 của Luật BHXH được quy định như sau:

1. Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Tạm dừng sản xuất kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;

b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

2. Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

Người SDLĐ thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau:

a) Không bố trí được việc làm cho NLĐ, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh trở lên;

b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

3. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người SDLĐ vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người SDLĐ và NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc chấm dứt HĐLĐ thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian tạm dừng đóng.

b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại Điểm a khoản này, người SDLĐ và NLĐ tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH.

4. Cơ quan BHXH giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với NLĐ và người SDLĐ đảm bảo điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 điều này. Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng người SDLĐ có văn bản đề nghị.

Theo Khoản 7 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định số LĐ thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc, giá trị tài sản bị thiệt hại quy định tại Khoản 2 điều này.

Hỏi: Có phải Nhà nước vừa có quy định mới về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH? Theo quy định này, hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, BH thất nghiệp bị xử lý thế nào?

Trả lời: Ngày 1.3.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22.8.2013 và Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 7.10.2015; có hiệu lực thi hành từ ngày 15.4.2020).

Về việc xử lý hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với NLĐ có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi NLĐ có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

c) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người SDLĐ có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN để trục lợi chế độ BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BHTN làm giả, làm sai lệch nội dung.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại cho tổ chức BHXH số tiền BHXH, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO