Nghề “nhặt sạn”

CHÂU NỮ 21/06/2020 08:59

Nghề chấm morat (morasse - sửa  lỗi chính tả) ở cơ quan báo còn được gọi là nghề “nhặt sạn”. Người làm công việc “nhặt sạn” đương nhiên cần sự tỉnh táo, tỉ mẩn, cần cù, có kiến thức về chính tả, ngữ pháp… Nhưng dường như không chỉ có vậy.

Tác giả chấm morat. Ảnh: T.B
Tác giả chấm morat. Ảnh: T.B

Học từ morat

Tôi nhớ có lần đồng nghiệp công tác ở một cơ quan báo đảng địa phương kể, bất cứ phóng viên nào khi được tuyển dụng vào công tác tại cơ quan của chị cũng phải trải qua một thời gian chấm morat nhất định. Nghe vậy, tôi cứ nghĩ là... vô lý.

Nhưng rồi, khi được phân công làm công việc này, dù chỉ mới hơn 2 tháng, tôi nhận thấy quy định nêu trên thật hợp lý và có lợi cho người làm báo biết bao, nhất là đối với phóng viên mới vào nghề. Cũng trong thời gian ngắn ngủi làm nhiệm vụ morat, tôi nhận ra rằng, nếu các tác giả chịu khó đọc lại bài viết vài lần trước khi gửi tòa soạn, sẽ hạn chế được những lỗi không đáng có. Khi bản thảo của phóng viên, cộng tác viên chuẩn, công tác xử lý, biên tập của tòa soạn sẽ đỡ nhọc hơn.

Chẳng rõ những người trong nghề có khi nào đọc toàn bộ tờ báo của mình - từ trang nhất đến trang cuối, hay không? Nhưng người làm morat thì luôn phải đọc hết, không sót một chữ, kể cả dấu chấm, dấu phẩy, kể cả các mẩu rao vặt, quảng cáo. Đọc và dò lỗi, soi lỗi. Rồi đọc lại bản in thử lần nữa, sau khi người trực duyệt biên tập. Làm báo, đọc sách, báo nói chung, là một trong những cách học rất tốt, nhất là đọc tờ báo mình gắn bó. Trong nghề, đọc morat học được nhiều thứ. Học từ cách viết của đồng nghiệp, của cộng tác viên, học từ cách biên tập để có thêm kinh nghiệm cho mình, chứ không phải đọc để bắt chước, rập khuôn.

Lúc tôi mới nhận việc này, cảm giác áp lực, có phần chán nản. Không những áp lực vì việc mới mà còn áp lực vì người tiền nhiệm mình đã làm rất tốt việc này. Nhưng rồi tôi nghĩ đơn giản, chỉ cần cần cù, đọc thiệt kỹ, và dò lỗi, là được. Xáp vô việc rồi mới thấy, làm “nghề” morat, tỉnh táo, cần cù, chăm chỉ thôi chưa đủ mà còn phải rành chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, rành ngoại ngữ càng tốt, hiểu biết về kỹ thuật in ấn và biết sử dụng các loại công cụ/ sách/ thiết bị hỗ trợ… Hiểu vậy, để mình đọc nhiều hơn, chịu khó học hỏi hơn.

Lúc chuẩn bị nhận việc, nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập cơ quan tôi động viên: “Đọc morat có cái thú là đọc văn người ta khi chưa xuất bản mà nghĩ ra được nhiều câu chuyện, luôn tạo cảm giác cho mình phải tự vấn: sao không thế này mà lại thế kia? Vậy là rèn tư duy, mở mang, tìm hiểu kiến thức, trau dồi chữ nghĩa”.

Anh kể thêm, anh từng trải công việc này hồi làm các đặc san ở trường và nhiều ngành, địa phương, đọc morat giùm sách bạn bè, rồi tới báo chí... Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đó đơn thuần chỉ là lời động viên với tư cách anh em đồng nghiệp, giữa lãnh đạo cơ quan với nhân viên. Giờ nhìn lại, tôi thấy đúng lắm. Xen lẫn âu lo là niềm vui với công việc mới, nhất là khi tờ báo in ra hạn chế sai sót đến mức tối đa.

Dễ mà khó

Nhiều năm trước, Báo Quảng Nam có quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật bản thảo (chúng tôi thường gọi là quy chuẩn chính tả). Quy định rất cụ thể, chi tiết, kể cả cách viết tên tác giả, đánh dấu thanh (ví dụ phải viết “hóa”, thay vì “hoá”), dấu cách (viết gạch nối liền với từ “búp-phê”, “át-lát”, gạch nối cách như với cụm từ “kinh tế - xã hội”). Đồng thời quy định cụ thể về cách viết chữ số và con số (viết chữ đối với con số không xác định, như “hàng trăm cây số”;  viết con số đối với số thực, như “100km”). Để thống nhất cách viết trong một tờ báo, Báo Quảng Nam quy định viết chữ “nghìn” thay chữ “ngàn”, quy định về sử dụng từ ghép (dùng “nền nếp” thay “nề nếp”, “kính gửi” thay “kính gởi”…). 

Kèm với đó là quy định viết hoa tên cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cụm danh từ, khu vực địa lý, các từ chỉ thời gian, lễ tết, danh hiệu, giải thưởng, tặng thưởng... Vì những quy định nêu trên, một số cộng tác viên thắc mắc: có khác gì nhau đâu mà bản thảo cộng tác viên viết “10 ngàn héc ta”, báo sửa lại “10 nghìn hecta”(?). Với những từ có nghĩa tương đương, dùng cách nào cũng đúng, tòa soạn quy định sử dụng từ thường gặp (thường dùng, phổ biến) hơn, đó cũng là sự thống nhất cách dùng từ trong một tờ báo, cơ quan báo và cũng phù hợp với quy định chung.

Cụ thể là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện, cũng nảy sinh nhiều vấn đề mà khó có quy định nào bao quát, nên người làm morat vẫn cứ làm công việc “nhặt sạn”. Và, cũng có lúc “nhặt” không sạch, để lại những sai sót trên mặt báo. Lỗi nhẹ, có thể được xem như lỗi kỹ thuật, bạn đọc có lẽ cũng hiểu mà lượng thứ. Lỗi nghiêm trọng, phải đính chính, xin lỗi, nói lại cho rõ. Có những lỗi được xem là “ngớ ngẩn”, như lỗi trên tít bài chính. Vì chữ trên tít bài khá to, lẽ ra rất dễ thấy, nhưng từ tác giả, đến biên tập viên, người chấm morat, trực duyệt…, đều không phát hiện, như “quả bóng vàng” thành ra “quả bòng vàng”(!).

Bữa ăn dù ngon đến mấy, mà cơm có sạn, sẽ không trọn vẹn. Thế nên những người làm báo luôn nỗ lực đem đến cho độc giả bữa ăn tinh thần tươm tất, bởi dù chỉ sai một lỗi nhỏ cũng đã day dứt lắm rồi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề “nhặt sạn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO