Những "cộng sự" thân thiết

28/10/2016 08:46

Ngày mai 29.10, Báo Quảng Nam tổ chức hội nghị cộng tác viên (CTV) tiêu biểu năm 2016. Với hơn 500 CTV có mặt tại khắp vùng miền trong và ngoài tỉnh, đội ngũ CTV là lực lượng hùng hậu góp phần đắc lực vào sự phát triển của Báo Quảng Nam.

Cộng tác viên Báo Quảng Nam tác nghiệp. Ảnh: HỒNG ANH
Cộng tác viên Báo Quảng Nam tác nghiệp. Ảnh: Phương Thảo.

CẦU NỐI THÔNG TIN

Năm 2016, báo in nâng dung lượng số Cuối tuần lên 16 trang, Báo Quảng Nam điện tử chính thức có tòa soạn riêng hoạt động bên cạnh tòa soạn báo giấy. Cùng với đó, cả hai ấn phẩm báo in và báo điện tử đều có sự cải tiến mạnh mẽ về nội dung, hình thức với những đóng góp quan trọng của lực lượng CTV.

 “Đặt hàng” cho chuyên mục

Năm 2016, Báo Quảng Nam có tổng số hơn 500 CTV, trong đó khoảng 100 CTV thường xuyên. Từ đầu năm đến ngày 15.10, CTV thực hiện được 1.976 bài, 2.017 tin, 504 clip… trên các ấn phẩm của Báo Quảng Nam. Đáng chú ý, CTV thực hiện khoảng 75% nội dung số Cuối tuần, khoảng 80% nội dung trên chuyên trang Quảng Nam TV (Truyền hình báo Quảng Nam). Các chuyên trang khác của Báo Quảng Nam điện tử như Người Quảng xa quê, Quangnamnews phần lớn cũng do CTV thực hiện. Ngoài ra, trong số 14 chuyên trang trên báo Quảng Nam số ra hàng ngày, trang địa phương Tiên Phước, An ninh - trật tự, Quốc phòng chủ yếu do CTV đảm nhận.

Từ đầu tháng 4.2016, báo Quảng Nam số Cuối tuần tăng từ 12 lên 16 trang. Bên cạnh những chuyên trang, chuyên mục đã có từ trước như Góc suy ngẫm, Du lịch, Đất và người xứ Quảng, Quốc tế, Thể thao, Nhân vật cuối tuần..., báo mở thêm một số chuyên trang, chuyên mục mới như: Phóng sự - Ký sự, Làng và phố (với các chuyên mục Góc quê, Ký ức tên làng, Ống kính, Nhịp sống đô thị, Sống ở phố); đồng thời dành dung lượng nhiều hơn cho chuyên trang văn hóa - văn nghệ với các mục cũ là Truyện ngắn, Sổ tay văn nghệ, Câu chuyện văn nghệ, Giới thiệu sách, Tạp bút, Tạp văn, Thơ và 2 mục mới là Văn học trong nhà trường và Phiếm đàm. Để đảm bảo chất lượng các chuyên trang, chuyên mục cố định cho số cuối tuần, Ban Biên tập đã “đặt hàng” trực tiếp với một số CTV, nhất là với các chuyên trang, chuyên mục mới như Sống ở phố, Phiếm đàm, Góc quê... Các trang, mục khác của báo Cuối tuần cũng được CTV nhiệt tình cộng tác với nhiều cây bút như Lê Thí, Ngô Văn Minh (Đất và người xứ Quảng); Lê Trung Việt (Ký sự - phóng sự); Nguyễn Dị Cổ, Phú Bình, Trần Kỳ Phương, Trần Trung Sáng (Văn hóa);  Minh Điền (Nhân vật cuối tuần); Lê Trâm, Phan Chí Anh, Nguyễn Đông Nhật… (Văn nghệ); Vu Gia, Hứa Văn Đông (Phiếm đàm); Trần Văn Thọ (Biếm họa); Thanh Ly (Vào bếp)...

CTV Phan Văn Minh - người được báo đặt viết bài cho mục Phiếm đàm, tâm sự: “Khi được Ban Biên tập “đặt hàng” cho chuyên mục, luân phiên 2 bài một tháng, tôi cứ nghĩ đơn giản nhưng không hẳn vậy. Viết phiếm đàm nên giọng văn phải tưng tửng, gây cười, không mang tính hàn lâm; rồi phải tìm đề tài về đời sống, văn hóa, xã hội nhưng yêu cầu mang tính thời sự, phải biết làm mới thông tin cũ... Gần đây, mục này có nhiều người cộng tác nên cách thể hiện đa dạng hơn, không gây nhàm cho độc giả”. Trong khi đó, CTV thân thiết Phùng Tấn Đông - người chủ công của mục Sống ở phố, cho biết anh rất ngại khi được gọi là CTV “tích cực” hay “tiêu biểu” vì có lúc mình không viết bài đúng “hẹn” vì bận việc riêng hoặc do... “bí” đề tài. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ viết cho một chuyên mục thì rất khó viết đều, chuyên mục thì phải có nguồn dự phòng do nhiều phóng viên, CTV góp sức. Rồi lại nghĩ, viết sao cho có tính thiết thực, cập nhật đời sống mà phải có chất “văn”, dù là văn tản mạn thì cũng khó trông cậy vào nguồn dự phòng, dự trữ...”.

Có mặt trên từng cây số!

Các chuyên mục trên báo Quảng Nam Cuối tuần ngày càng phong phú nội dung, bàn thảo nhiều vấn đề gắn với cuộc sống người dân trong tỉnh nên “có cái để đọc” - theo cách nói của người Quảng. Mảng văn nghệ tuy có nhiều thể loại nhưng vẫn ít bài đọc thấy “đã”, nhất là Truyện ngắn,  Ký nhân vật và cả Thơ nữa. Nói như thế để thấy việc nâng cao chất lượng văn chương không dễ dàng gì. Việc này vẫn phải hy vọng và tin sẽ có nhiều bài hay kiểu “sau cơn mưa, trời lại sáng”. (Cộng tác viên Phùng Tấn Đông)

Từ khi được cấp giấy phép hoạt động (tháng 5.2016), báo Quảng Nam điện tử (QNO) đã được Ban Biên tập chú trọng đầu tư để phát triển. Ngoài trang chủ tại địa chỉ www.baoquangnam.vn, QNO còn có 4 chuyên trang gồm: Nông thôn mới, Người Quảng xa quê; Quangnamnews (tin tức Quảng Nam bằng tiếng Anh) và Quảng Nam TV (Truyền hình báo Quảng Nam). Trong đó, chuyên trang Người Quảng xa quê, quangnamnews và Quảng Nam TV phần lớn do CTV thực hiện.

Gần đây, chương trình truyền hình của Báo Quảng Nam đã có sự đổi mới nội dung và cách thể hiện theo hướng “mềm hóa” chương trình khi giảm tin thời sự, tăng tin văn hóa, đời sống xã hội; bản tin được thực hiện súc tích hơn... Các chuyên mục, chuyên trang của QNO thu hút khá nhiều CTV tham gia. Chẳng hạn chuyên mục Truyền hình online có sự cộng tác thường xuyên, đắc lực của các CTV Phan Vinh, Xuân Khánh, Trần Hồng Anh và các CTV công tác ở Đài PT-TH tỉnh và đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hay như đối với bản tin tiếng Anh, nếu như những năm trước chủ yếu thông tin ở lĩnh vực đầu tư - du lịch thì năm nay, nội dung bản tin tiếng Anh phong phú hơn với nhiều thông tin ở hầu hết các mặt của cuộc sống. Báo Quảng Nam chỉ có một biên dịch viên nên nội dung chuyên trang Tin tức Quảng Nam bằng tiếng Anh phần lớn do các CTV Đắc Thịnh, Kim Bảo, Quỳnh Thư, Khánh Hạ... góp sức.

Đặc biệt, trong các vấn đề, sự kiện “nóng”, do lực lượng phóng viên của báo không thể có mặt tại tất cả các nơi, nhất là các địa bàn vùng sâu vùng xa, thông tin mà báo có được một cách chính xác, kịp thời chủ yếu dựa vào CTV. Trong đó, có thể kể đến các CTV như Đình Hiệp (Tây Giang), Tuấn Anh (Lực lượng vũ trang), Thúy Vân (Bắc Trà My), Hoàng Thọ (Nam Trà My), Văn Thủy (Nam Giang), Minh Thông (Nông Sơn)...

CTV Trần Hồng Anh, công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh là người gắn bó với Báo Quảng Nam gần 10 năm qua. Địa bàn tác nghiệp của anh chủ yếu là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đi lại cách trở; nhiều nơi chưa có intenet, sóng 3G lại yếu... Do vậy, để truyền được tin, bài về tòa soạn là cả một vấn đề, nhất là đối với các tin truyền hình - vốn có yêu cầu chất lượng hình ảnh video phải là chuẩn HD nên dung lượng file rất nặng. “Tuy nhiên, những tác phẩm ra đời sau mỗi chuyến tác nghiệp ở vùng biên giới, hải đảo luôn được tòa soạn quan tâm. Tin, bài đăng tải được tòa soạn chăm chút từng câu chữ, hình ảnh. Đây là động lực lớn giúp tôi cố gắng vượt qua những hạn chế, khó khăn khách quan, hăng say cộng tác” - lời CTV Trần Hồng Anh. Cần thông tin thêm, từ khi QNO có chuyên mục truyền hình, Trần Hồng Anh còn là người cộng tác tích cực về mặt kỹ thuật cho chương trình điểm tin tức - sự kiện hằng tuần trên truyền hình QNO; hầu như cuối tuần nào anh cũng về “đóng quân” ở tòa soạn báo để tham gia sản xuất chương trình. (CHÂU NỮ)

TÂM TÌNH NGƯỜI ĐỒNG HÀNH

CTV Lê Trâm: Sẽ phải chú ý những cái mà tờ báo cần

Vốn là người chuyên sáng tác, lại khá tùy hứng nên việc cộng tác thường xuyên, lâu dài với các báo nói chung, Báo Quảng Nam nói riêng, tôi sẽ vấp ngay từ... cái nhìn đầu tiên! Thường, tôi chỉ gửi những cái mình đang có chứ không phải cái báo cần. Nhận lời cộng tác với Báo Quảng Nam sau một thời gian khá dài không in gì ở báo,  kể ra tôi cũng... liều. Nhưng tôi vẫn rất tâm huyết với các anh chị ở tòa soạn, rằng sẽ cố gắng góp phần nho nhỏ tạo nên một diện mạo mới cho báo Quảng Nam Cuối tuần với khá nhiều tham vọng. Và cũng rất thận trọng, đi thử một chặng đường rồi sẽ rút kinh nghiệm và tính tiếp!

Cái phải sửa đầu tiên, nói văn vẻ như anh Vũ Đức Sao Biển, là văn chương báo chí, phải: đúng hạn, vừa dung lượng và tất nhiên đúng nội dung báo cần! Ngó đi ngó lại trong ba cái ấy mình vướng... cả ba! Thứ nhất: chậm. Dân sáng tác vốn cầu toàn nên thường hay dềnh dang khi viết bài. Làm báo tất phải sửa ngay nhược điểm này! Thứ hai: dung lượng. Lại vì cầu toàn, muốn viết cho ra tấm ra món như một tác phẩm văn học nên bài viết thường dài dòng khiến biên tập viên phải khổ sở khi biên tập. Và nhiều bài phải gác lại bởi quá dài so với khuôn khổ cho phép và nội dung không thể nào rút gọn được! Ở đây chỉ còn một cách là... viết bài khác, đem bản thảo về cất chơi hoặc chờ in sách riêng! Thứ ba: cái báo cần. Nhiều khi vớ phải đề tài ưng ý nên sa vào viết “hết hơi” nhưng rồi cũng chỉ để đó chờ... in sách thôi! Chỉ sửa một trong ba điều trên đã khó huống hồ phải đi sửa cả ba! Do vậy việc cộng tác với báo vẫn còn nhiều câu chuyện dài dòng sẽ diễn ra.

Bên cạnh việc chuẩn bị ý tưởng để sáng tác, khi đã quyết làm CTV dài hạn cho báo, dần dà tôi đã ý thức hơn về việc để ý đến những cái mình sẽ khai thác; phải chú ý những đề tài thiết thực của một tờ báo tỉnh đang cần. Do thường nhập nhằng giữa thời sự văn học, văn hóa của tỉnh với cả nước nên nhiều bài có thể tiếp tục... lạc rơ! Bỏ thì tiếc mà in thì không được! Do đó cũng rất cần phải dành tỷ lệ thích hợp cho báo nhà.

CTV Nguyễn Thị Phương Nam: Ưu tiên thông tin "nóng" và độc quyền cho Báo Quảng Nam

Công tác ở một cơ quan bảo vệ pháp luật, tôi có lợi thế hơn nhiều anh em phóng viên ở chỗ có cơ hội tiếp cận được thông tin nóng, mới, có thể nói đó là tin độc quyền của ngành mình. Ngoài Báo Quảng Nam, tôi còn cộng tác với một tờ báo ngành nữa. Tuy nhiên, khi có thông tin nóng, độc quyền, tờ báo đầu tiên tôi nghĩ đến và ưu tiên gửi thông tin cộng tác là Báo Quảng Nam. Đơn giản là tôi muốn người dân Quảng Nam được tiếp cận thông tin nhanh nhất, trong đó có những thông tin về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm ngõ hầu giúp người dân quê mình nâng cao cảnh giác. Có nhiều trường hợp tôi phải thức khuya để cập nhật thông tin nóng về các vụ án; gác việc nhà đến hiện trường chụp hình, lấy thông tin để gửi QNO... Tuy vất vả, nhưng khi tin mình được tòa soạn xử lý nhanh chóng và đăng báo, dường như tôi quên cả mệt và đó là động lực để tôi tiếp tục cộng tác với báo.

Tác phẩm khiến tôi tốn nhiều công sức và hạnh phúc nhất khi được đăng là bài viết liên quan đến những phát hiện mới về thân phận Chánh cung hoàng hậu của vua Quang Trung. Đây là đề tài lịch sử nên tôi tham khảo rất nhiều ý kiến của những người am hiểu về lịch sử trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tôi cũng theo chân đoàn công tác nhiều ngày để có thông tin độc quyền đến với độc giả báo Quảng Nam... Niềm vui của tôi càng được nhân lên khi đọc phản hồi của độc giả khen bài viết trên báo điện tử. Ngoài việc được trả nhuận bút một cách tương xứng với công sức mình đã bỏ ra, niềm vui đến với tôi khi làm CTV Báo Quảng Nam còn ở cái tình và cách xử lý chuyên nghiệp, chu đáo của tòa soạn...

CTV Phan Vinh: Ngôi nhà thứ hai của tôi

Tôi bén duyên với báo Quảng Nam từ năm 2015, sau khi tốt nghiệp đại học được vài tháng. Từ đó đến nay, tôi toàn tâm toàn ý gắn bó với Báo Quảng Nam, đặc biệt với chuyên trang “Quảng Nam TV” (Truyền hình báo Quảng Nam online - NV). Từ khi QNO được đầu tư mạnh, nhất là chuyên trang truyền hình, tôi cảm thấy mình may mắn vì có “đất dụng võ”, bởi tôi từng có thời gian thực tập và cộng tác ở đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Làm CTV của Báo Quảng Nam, tôi có cơ hội thực hành, hiện thực hóa những kiến thức đã được học. Mừng hơn nữa là tôi được Ban Biên tập và các anh chị ở tòa soạn tạo mọi điều kiện để tác nghiệp. Sức trẻ, sự xông xáo, nhiệt tình, ham học hỏi... là thế mạnh của một CTV trẻ như tôi nhưng cũng vì trẻ nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm và mong muốn có cơ hội học hỏi thêm từ những lớp nhà báo đàn anh để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hơn nữa. Các anh chị ở Tòa soạn Báo Quảng Nam gần gũi, sẵn sàng góp ý chân thành, thẳng thắn với từng tác phẩm của tôi. Là CTV nhưng các anh chị ở Báo Quảng Nam xem tôi như người nhà; ngược lại, với tôi Báo Quảng Nam cũng là “mái nhà” thân thiết của mình.

Hơn một năm qua, tôi đã đi nhiều nơi, nhất là đến vùng sâu, vùng xa để thực hiện video clip, phóng sự truyền hình trên QNO, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là lần quay phóng sự ở nóc Tắc Rối, xã Trà Tập (Nam Trà My). Để thực hiện phóng sự này, tôi và một đồng nghiệp nữ phải vượt qua bao khó khăn và hiểm nguy giữa rừng sâu. Vài ngày sau, phóng sự “Tắc Rối mơ một cây cầu” phát trên truyền hình QNO, được đồng nghiệp và bạn xem truyền hình khen ngợi. Niềm vui của tôi sẽ trọn vẹn hơn nếu từ phóng sự này, trong tương lai gần Tắc Rối có một cây cầu... LÊ CHÂU (ghi)


THAO THỨC VỚI VĂN HÓA

Văn hóa là lĩnh vực được nhiều cộng tác viên Báo Quảng Nam quan tâm. Ở đó có sự thao thức, trăn trở nhiều nhất. Và ở đó, định hình “thương hiệu” của những cây bút...

Trong số gần 2.000 bài, hơn 2.000 tin của CTV được đăng tải trên báo Quảng Nam năm qua, chủ yếu vẫn là mảng văn hóa, xã hội. Trong hơn 500 CTV, với khoảng 100 cây bút cộng tác thường xuyên, thì số tác giả viết bài về văn hóa, xã hội vẫn chiếm phần đông. Phân tích ngắn gọn vậy, đủ thấy mối quan tâm của CTV ở đâu, về vấn đề gì.

Tại sao không phải là kinh tế hay lĩnh vực khác mà lại là văn hóa? Có thể người viết thuận tay hơn. Có thể chỉ CTV, với sự âm thầm lặng lẽ và ít chịu áp lực thời gian cho bài vở như phóng viên của tòa soạn báo, nên có điều kiện đào sâu, chiêm nghiệm các vấn đề về văn hóa. Nhưng có lẽ lý do của mối quan tâm, nói một cách “sang trọng” như một nhà nghiên cứu, rằng văn hóa mới là mãi mãi, trường cửu, nó ở với con người, đi cùng con người trên đường dài vô tận của con người; nó lo về cái vì đó mà con người sống, lẽ sống, lẽ hạnh phúc của con người ở đời, cái lẽ vì đó mà con người làm kinh tế và làm chính trị cùng bao nhiêu việc khác.

Văn hóa Quảng Nam là kho tàng vô tận cho những cây bút nghiền ngẫm, từ truyền thống cho đến những dịch biến cùng thời đại.

Đi về, “cày xới” trên cánh đồng văn hóa, những vỉa quặng được phát lộ cho thấy vẻ đẹp của bản sắc Quảng. Quá khứ là những câu chuyện của đất mở, đất khoa bảng, đất Duy tân..., gắn với những con người có chiều sâu tư tưởng, hành trạng và sự nghiệp đặc biệt có tầm ảnh hưởng không chỉ hôm qua mà còn hiện tại, mai sau. Văn hóa hội tụ nhiều giá trị của các nền văn minh bản địa, rồi giao lưu tiếp biến với quốc tế. Văn hóa của Thu Bồn và Trường Giang, của núi và biển, đi qua  những địa danh dinh trấn, phủ lỵ, tháp cổ, phố cổ, cả di sản phi vật thể nào hát bội, hát hò khoan, nói lý, hát lý, bài chòi, các điệu múa cổ truyền... Chính từ các bài viết của anh em CTV, những vấn đề văn hóa truyền thống được khảo cứu công phu, làm nên “tiếng nói” đầy bản sắc của tờ báo Quảng Nam.

Một cách tự nhiên, “lãnh địa” của các cây bút được xác lập.

Trở đi trở lại rất nhiều với văn hóa Chăm là Trần Kỳ Phương, Võ Văn Thắng, Hồ Trung Tú... Mê say nghiên cứu nhà cổ, tháp cổ là Nguyễn Thượng Hỷ. Gắn bó với phố cổ Hội An là Phùng Tấn Đông. Từ làng ra đi rồi lại trở về làng với Thanh Quýt, Ngũ Giáp, Thanh Chiêm là Trương Điện Thắng. Đắm mình trong hoài niệm không gian xưa của sông nước Trường Giang và miền tơ lụa là Vũ Đức Sao Biển. “Gặp gỡ” nhiều danh nhân xưa của Hà Lam, Thăng Bình là Lê Thí. Còn Phú Bình (Lê Đình Cương), Phú Thiện (Ngô Đăng Khoa) thường đi tìm dấu xưa miền Hà Đông, từ Chiên Đàn đến Khổng Miếu, các đình làng, tộc họ. Ngô Văn Minh thì “cảo thơm lần giở” những câu chuyện Duy tân với cụ Huỳnh Thúc Kháng, chí sĩ Lê Cơ. Năm nay, có thêm cây bút mới để lại ấn tượng như Nguyễn Dị Cổ với các bài khảo cứu địa danh cổ. Khó có thể kể hết. Chỉ điểm vậy thôi để thấy những đóng góp phong phú, đa dạng của anh em CTV khi tìm trong di sản để tôn vinh văn hóa Quảng trên các số báo Quảng Nam năm qua.

Không chỉ đề cập những giá trị văn hóa truyền thống, năm 2016, một số CTV đã chú ý hơn với các vấn đề văn hóa - xã hội đương đại. Bằng các bài ký sắc sảo, Lê Trung Việt biểu lộ nhiều trăn trở về hành trình giảm nghèo, về số phận của nông dân, sự biến động của nông thôn. Nhà văn Vu Gia, Phan Văn Minh, nhận diện những sự pha trộn và xung đột văn hóa, đặc biệt là vấn đề giáo dục và sự di dưỡng đời sống tinh thần. Phùng Tấn Đông, Lê Trâm có những thao thức, “đi tìm thời gian đã mất”, rủ rỉ tâm tình chuyện đời, chuyện phố, chuyện làng. Trương Điện Thắng chú tâm về dòng chảy văn hóa Quảng trong thách thức môi trường biến đổi và đô thị hóa ngày càng tăng, nhất là ở vùng tiệm cận Đà Nẵng. Rất tiếc, mảng văn hóa miền núi, nhất là câu chuyện về sự biến dạng, mai một nhiều giá trị truyền thống chưa được nhiều CTV quan tâm. Trong khi, đây là vấn đề liên quan đến rừng, đến nguồn, đến “nóc nhà” Quảng Nam.

Gần một năm đi qua, bày tỏ vài cảm nhận như thế để sẻ chia và gửi niềm mong đợi với anh chị em CTV. Tờ báo Quảng Nam có hay hơn, sâu sắc hơn, có góp tiếng nói giữ bản sắc đặc trưng trên hành trình phát triển tỉnh nhà được không, là nhờ ở các tác phẩm nghiền ngẫm công phu về văn hóa của các cây bút cộng tác. (NGUYỄN HỮU ĐỔNG)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những "cộng sự" thân thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO