Đám rước mùa xuân qua bến Trần Gian

LÊ TRÂM 28/02/2021 06:16

1. Ngọc Hân quơ chân khỏa nước. Người nàng thoải ra, vô cùng dễ chịu. Bất chợt, có cái gì đó nhơn nhớt chạm vào chân khiến nàng rùng mình. Nàng vội rút chân lên khỏi mặt nước.

 

Đoàn thuyền rước nước vẫn đang chầm chậm xuôi theo dòng chảy rồi ngoặt về phía bến Trần Gian. Nước lấy từ giữa dòng sông tinh khiết giữa đêm đựng trong chiếc vò lớn. Tiếng trống, tiếng chiêng quyện vào nhau lần lượt rơi xuống mặt nước loang loáng. Chỗ này là nơi con bạn mười lăm tuổi của nàng nằm lại. Hà Thủy bảo, cứ bơi đi Hân, ráng tí xíu nữa nhưng cuối cùng Thủy đã không kịp tới bờ. Bữa đó, hoa nguyệt quế rụng đâu từ trên nguồn trôi xuống trắng cả một khúc sông và thơm lựng một góc trời. Cả làng đổ ra sông xem, ai cũng rùng mình ngó nhau không nói một lời. Người già bảo, điềm lạ rồi sẽ đem tới hồng phúc. Trôi ba ngày ba đêm mới thôi. Sau sự cố đó, nàng rơi vào khủng hoảng tồi tệ, cứ thấy người là sợ, thấy nước càng sợ hơn. Cả mấy tháng trời nàng không tắm không giặt giũ. Bốn chín rồi trăm ngày Hà Thủy, thấy nước nàng vẫn cứ rùng mình. Nhìn thấy hoa nguyệt quế thì hét lên.

Một bữa mẹ bảo với cha nàng, phải đưa nó lên chỗ Bà thôi, ông à! Nặng quá thì “bán” luôn nó cho Bà!

Mẹ nàng kể, ngày xưa làng có người con gái xinh đẹp con nhà phú hộ. Vừa sinh ra đã có mái tóc dài xõa ngang lưng. Lúc chào đời không khóc mà chỉ mở miệng cười. Lên năm tuổi nàng đã biết y thuật để trị bệnh cho mọi người. Lớn lên, nàng thêm xinh đẹp nhưng chẳng chịu lấy chồng. Nàng bảo, ở vậy để chữa bệnh cứu mọi người. Nàng chữa bệnh dựa vào ngoại khoa và thảo dược vô cùng hiệu nghiệm, chữa khỏi cả những bệnh nan y và chẳng hề lấy công. Năm 50 tuổi, nàng được tôn là Đức Bà Hằng cứu thế. Truyền thuyết kể, Bà nhập Bồng Lai vào giờ Ngọ ngày đầu tháng Hai âm lịch, Bà ngồi tĩnh tọa rồi “hóa”. Bây giờ vẫn còn mộ của Bà. Dõng thì bảo, truyền thuyết kể Bà là công chúa xinh đẹp của vua Mây, khi khác thì bảo Bà là nữ tướng người Chăm uy nghi khí phách, lúc khác thì Bà là một nữ tướng người Việt dưới triều Lê…

Là truyền thuyết, nhưng lạ, vẫn có mộ của Bà nơi có cái lăng uy nghiêm chỉ cách bến Trần Gian một thôi đường ngắn ngủi.

Sau bảy ngày lên Lăng Bà cầu khấn thì Ngọc Hân khỏi bệnh. Có điều nàng vẫn ít thích gặp người, nhứt là người ở xa tới. Những giấc mơ thấy ngờm ngợp dòng sông đầy xác hoa nguyệt quế trắng loa lóa và mái tóc xõa dài của cô bạn Hà Thủy thì thỉnh thoảng lại quay về.

Ba năm sau nàng mới gặp Dõng. Cũng trong lễ hội. Dõng bảo nhà anh ở bên kia núi, cũng gần với Lăng Bà, một cái lăng khác kề sông kề núi. Nàng à ra, vậy là bọn mình cùng mê tín Bà. “Có khi nào lại mê nhau không”, Dõng đùa. Ngọc Hân bước hẫng một bước chân, chao người một chút, may gượng kịp chứ không đã đổ hẳn vào người Dõng. Nàng hơi ngượng và bất chợt mỉm cười một mình, có khi té hẳn một phát lại hóa hay! Nghĩ là vậy nhưng nàng lại chỉ nguýt Dõng một cái thiệt dài.

“Nhìn em khiêng kiệu một cách vô cùng nghiêm cẩn và đẹp liêu trai một cách đáng ngại, anh có cảm giác em chính là… Bà!”. Nàng phát vào vai Dõng, nói chi kỳ rứa, không sợ phạm húy à? Thì không phải sao, người ta bảo em đẹp kỳ lạ, đến không có thật! Mấy tiếng cuối giọng Dõng hơi chùng xuống. Là sao? Anh sợ… Lòng Ngọc Hân cũng bất chợt chùng xuống. Có gì đó bất ổn ở đây thì phải. Vắt chiếc khăn đỏ ngang vai trông em thiệt rực rỡ, Hân à! Điều ấy thì Ngọc Hân biết. Bọn con trai làng Đông bảo khó mà cua được con Hân, lại bảo, chừng như Hân là… người trời! Lại càng không muốn mất Hân! Thế thì khổ cho Hân rồi, nàng phá ra cười khi nghe Dõng nhắc lại những lời đồn đại lẫn dọa dẫm. Nhưng lòng vẫn cứ thấy bất an. Còn anh thì sao? Sao là sao? Mẹ anh đã từng từ làng này băng rừng băng núi qua bên Sơn An làm dâu nhà nội anh kia mà!  Cũng một dòng sông này thôi! Em sợ không?

Mẹ Dõng mua cá mòi từ những chiếc thuyền đánh cá đậu ở bến Trần Gian. Ít thì bán trong ngày, nhiều thì đem về hấp lại, gánh đi bán dần. Cá mòi là loài cá lạ, chỉ có ở quãng sông này. Mùa mưa lũ, cá mòi từ thượng nguồn xuôi ra biển. Sau tết, chúng lại ngược nước tìm về thượng nguồn để sinh sản. Đó là loài cá thuộc họ cá trích, thân dài, hình bầu dục. Đến mùa sinh sản, cá mòi tập trung rất nhiều có khi dày đặc một khúc sông. Như bọn trai gái của làng ở xa, đến Lệ Bà là bận chi cũng tìm cách quay về. Cá mòi thành món ăn dâng lên Bà trong các lễ tế. Ở lại với sông ba, bốn tháng, đúng mùa lễ hội, rồi lại theo nước nguồn trôi ra biển, quay tiếp một vòng đời khác. Hết mùa cá mòi, mẹ Dõng lại tìm thứ cá khác, đụng đâu mua đấy rồi quay đi bán dạo. Thường thì phải gánh qua bên tê đèo, lên tận chợ Thượng, có khi gánh cá kho đi mấy ngày lên bán cho nậu  nguồn Thung  Sơn. Nhà Dõng ở trên một quả đồi, muốn lên phải leo mấy trăm bậc đá. Một bữa đi ngang nhà, cô gái bán cá nghe chủ nhà gọi lên mua cá. Thở phì phọt cả con dốc dài, đến nơi chỉ thấy một chàng thanh niên đẹp lồng lộng chống nạnh đứng nhìn ra và cười, bảo không mua cá, chỉ mua người, bán không? Rồi bảo cô gái lật từng con cá để xem. Con nào anh ta cũng chê, bảo, vẫn thua xa người. Cô gái ức muốn khóc, vùng vằng ném cá vào rổ, chồng mấy cái rổ lên nhau rồi nguây nguẩy quẩy đi. Mấy lần gọi mua cá như thế, mà lạ, biết thế nhưng cô gái vẫn cứ nín thở leo lên con dốc dài. Sau mươi lần bán cá kiểu trời ơi ấy thì cô gái trở thành vợ của chàng trai. Người ấy chính là cha Dõng.

Nàng có sợ không?

Không sợ! Ngọc Hân nói thầm trong bụng rồi khỏa nước ghé thuyền vào sát mép cát, bước vội lên bãi. Nàng phải vào cho kịp với mấy bạn trong đội đang chờ rước nước lên Lăng Bà.

2. Dõng, có sợ không? Không sợ, anh bậm môi bước lên bến Trần Gian. Mấy gã trai lực lưỡng đón Dõng ngay tại bến. Nhìn gã đứng lừng lững giữa đám trai, Dõng rùng mình. Gã đẹp như một nam thần, cao, vạm vỡ, trắng trẻo, nét mặt có chút nghiêm nghị pha diễu cợt. Và mắt gã, đôi mắt nâu trầm, sâu hun hút như muốn biến mọi sinh linh lọt vào mắt gã thành nô lệ. Ngọc Hân mà gặp gã này chắc chắn là Dõng mất nàng rồi!

“Thấy hoa đẹp tiện tay hái rồi đi sao, anh bạn đẹp trai?”. “…?”. “Phải có điều kiện chi chớ hè?”. “Các anh muốn gì?”.”Hoa đẹp thế, nào ai biết muốn gì, nhưng không có không xong đâu?”. “Để tôi nghĩ đã! A ha! Có lẽ đây là chuyện của tôi mà!”. “Biết điều đó! Gặp nhau ở lễ hội Lệ Bà nghe!”.

Cụ thể là một “độ” đua giữa thuyền làng anh và làng Đông. Không thắng không xong. Dõng mướt mồ hôi lo cho cuộc đua, người sút cả chục ký. Đội đua thuyền làng Đông nức tiếng một trời. Nay thêm anh chàng đẹp trai về cầm lái thì thuyền làng anh thua là cái chắc.

Suốt cuộc đua, thuyền làng Dõng như trôi đi, hụt hơi giữa tiếng reo hò. Như thường lệ, thuyền làng Đông chắc chắn về nhứt, không thể khác. Thua là Dõng không được bén mảng tới xứ này nữa, như lời hứa với bọn trai làng Đông! Chỉ còn mấy chục mét ngắn ngủi, Dõng giơ cao chiếc dầm, ngơ ngác cố tìm Ngọc Hân đang chìm lẫn đâu đó giữa rừng người. Dõng nghiến răng bơi. Vẫn không có gì thay đổi. Người Dõng rã rời. Bỗng thuyền như được ai đó ghé vào nâng lên và lao vụt đi trong tiếng hò reo như vỡ chợ!

Hay là Hà Thủy - khi nghe Dõng kể lại cảm giác của mình, Ngọc Hân buột miệng nói. Dõng bảo, hay là Bà?

3. Một là cứ ở lại làng, em xuống sông mua cá đem ra chợ bán, anh lên núi trồng rừng, như mẹ anh, cha anh đã từng. Thế cũng ổn mà. Hai là, cứ kệ đi, thả xuôi theo khát vọng mỗi đứa. Ngọc Hân: Em phải đưa cho được lụa Châu Hóa sang trọng, quý phái của mình lên các sàn diễn thời trang nổi tiếng! Dõng lắc đầu, thế thì anh phải theo tìm cho ra cái công nghệ mới lạ lắc tận trời Tây à?

Họ đã trôi đi, mỗi đứa một nơi. Những bộ sưu tập từ lụa của Ngọc Hân mới rón rén chạm tới một vài cuộc thi thời trang. Dõng lang thang mấy nước rồi trụ lại ở Nhật cùng một hãng điện tử nổi tiếng. Dõng bảo, đi làm như thế này thành công chỉ mình anh hưởng, lại phải xa nhà. Có lẽ anh phải thuyết phục tập đoàn về mở nhà máy ở đây mới được, nơi đây đã từng nhen nhóm hình thành một khu kỹ nghệ lớn kia mà! Lại phải nghiên cứu để chứng minh...

4. Đám rước nước đã về gần tới nơi. Tiếng chiêng. Tiếng trống. Tiếng nhạc réo rắt. Kiệu rước nước. Kiệu rước sắc. Kiệu Bà. Cờ hoa rực rỡ. Đoàn người xúng xính trong váy áo sặc sỡ ngày lễ hội chen lấn nhau. Ngọc Hân nhìn mấy con bé khiêng kiệu mắt không chớp, có đứa trông thật giống Hà Thủy. Con nhà ai mà đẹp quá, cứ như được đúc ra từ một khuôn. Những lứa thiếu nữ đã kịp thay nàng từ lâu, càng ngày càng đẹp hẳn ra. Nàng bất chợt ngẩn người, sao mình không về sớm để kịp may cho tụi nó mấy bộ lụa nhỉ? Ngọc Hân mỉm cười, mở điện thoại bắt đầu gọi videocall với Dõng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đám rước mùa xuân qua bến Trần Gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO