Hạnh phúc trôi ngang

PHAN CHÍN 23/08/2020 08:33

Ngày thứ bốn ở khu cách ly, An thức giấc sớm hơn mọi hôm. Đưa mắt nhìn ra cửa sổ, dưới bóng đèn cao hắt ánh sáng vàng ấm áp, An thấy mấy bóng người đang tập thể dục, có người cầm chổi quét sân, tất cả đều giữ cự ly an toàn. Nhìn kỹ thì đó đều là những người lớn tuổi. Họ giống bà ngoại An quá chừng. Luôn dậy sớm và tìm việc gì đó để động tay động chân. Thảo nào, mấy hôm trước, mỗi khi xuống khu ở dành cho người lớn tuổi trong khu cách ly để kiểm tra đầu giờ, An luôn thấy mọi thứ đều gọn gàng, tươm tất.

 

Từ khi đăng ký tình nguyện vào phục vụ ở khu cách ly, An chỉ lên mạng đọc tin, chat messenger với Minh và vài người bạn thân, mỗi ngày gọi về nhà cho bà ngoại vài lần. An không đăng gì trên trang facebook cá nhân, vì sợ nhiều người tò mò vào hỏi han, lo lắng, phiền phức lắm. Nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt. Không kìm lòng được. An viết một đoạn ngắn, chọn biểu tượng cảm xúc “đang cảm thấy hạnh phúc” và dĩ nhiên là có gắn thẻ cho Minh: “Nếu không có Covid thì hôm nay là ngày mình chính thức về ở chung một nhà nè Minh”. Kèm theo đoạn status ngắn là tấm hình hai người mặc đồ cưới trắng tinh cầm tay nhau chạy tung tăng bên chân sóng. Chỉ trong chưa đầy 10 giây, dòng trạng thái của An đã được Minh thả tim. Hóa ra Minh cũng dậy sớm. Ừ, ngày đặc biệt mà, sao không dậy sớm, không thao thức được chứ?

Đột nhiên, mắt An cay xè. Không khóc mà nước mắt chảy ràn rụa.  

Tuần trước, sau ba ngày uốn éo, ngả nghiêng, chạy nhảy làm dáng khắp các thắng cảnh ở đất  liền và một ngày bận rộn với các khung ảnh biển đảo lộng gió ở Cù Lao Chàm, An nghe người thấm mệt. Cơm tối vừa xong, An liền giục Minh về nhà kẻo cha mẹ trông, rồi nũng nịu kêu bà ngoại đi ngủ sớm. “Bữa nay con ngủ với ngoại nghe. Xa ngoại mấy ngày nay rồi, con nhớ mùi của ngoại quá!”. Vừa lên giường, An liền rúc đầu vào ngực bà y như những ngày còn bé. Bà ngoại An xoa đầu cháu, bảo mới có mấy ngày mà sao tóc toàn mùi nắng thế này, rồi vờ lấy tay đẩy An ra. “Vừa phải thôi cô nương, có còn trẻ nít nữa đâu mà lúc nào cũng rúc vào ngực bà vậy, cứ thế này thì mai mốt làm sao lấy chồng”.

Mệt, nhưng rồi giấc ngủ cũng không thể đến với An dễ dàng như mọi bận. Tin nhắn của Vân, rồi những mẩu tin bóng gió trên mấy trang mạng làm cho An cảm thấy không yên... Buổi chiều, trong khi ngồi nghỉ bên vệ đá sát mép biển chờ thợ chụp hình thu dọn đạo cụ, chuẩn bị chọn góc set up cảnh mới, An lấy điện thoại ra lướt web. Cả ngày An không online, cả Minh cũng vậy. Cù Lao Chàm quá đẹp, hoang sơ, quyến rũ, nên lần nào đến đây An và Minh cũng thường giấu tịt điện thoại xuống đáy ba lô, dành thời gian tắm biển, dạo chơi, hít thở khí trời mát lành. Hòn đảo xinh đẹp này cũng là nơi lưu dấu tình yêu của hai người. Chỗ phiến đá choài ra biển nằm mé bên bãi Chồng là nơi Minh ngỏ lời yêu An, là nơi hai người trao nhau nụ hôn đầu ngọt lịm, ngây ngất... An và Minh chọn Cù Lao Chàm để chụp ảnh cưới ngoại cảnh là vì những lý do ấy.

Khi vừa thiết lập kết nối 4G xong, âm báo tin nhắn vang lên liên tục. An chọn đọc tin nhắn của Vân trước. Vân là đứa bạn thân từ hồi học cấp hai, lấy chồng năm ngoái rồi định cư ở Đà Nẵng. Tin nhắn của Vân chỉ có mấy dòng nhưng lại khiến An giật mình... Trước khi ra Cù Lao Chàm chụp ảnh cưới, An có nghe mấy bạn đồng nghiệp nói loáng thoáng về chuyện dịch Covid tái phát. Tin đồn, tin hành lang thôi, lẽ nào lại là thật? An nhổm lên gọi Minh, thảng thốt. “Anh ơi hình như sắp có chuyện rồi...”. Minh đang giúp mấy người thợ chụp hình thu dọn đồ đạc, nghe An gọi liền dừng tay, chạy tới. An nói nhanh, đủ cho riêng Minh nghe. “Dịch Covid tái phát rồi anh ơi, lẽ nào đám cưới của mình lại hoãn...”. Ngây người ra một chút, nhưng Minh kịp xóa đi những âu lo sắp hiện lên mặt. Anh quàng tay ôm An từ phía sau, dụi mặt vào cái gáy trắng ngần của cô hít hà. “Lại dịch nữa à? Không sao đâu, mười ngày nữa là mình cưới rồi, dịch không kịp đến chỗ mình đâu...”.

Nhưng Minh và An vẫn quyết định rút ngắn lịch chụp ảnh cưới ngoại cảnh ở Cù Lao Chàm xuống còn một ngày thay vì hai ngày như dự định.

Nằm thao thức không ngủ được, An nhẹ nhàng gỡ bàn tay gầy guộc của bà ngoại ra khỏi bụng mình, trở dậy đi lấy điện thoại, định nhắn cho Minh vài câu. Vừa bật máy lên, đã thấy tin nhắn của Minh. “Em cố gắng ngủ đi, đừng lo nghĩ nhiều. Mọi chuyện sẽ ổn thôi...”. Tự dưng, nước mắt An ứa ra. Mấy tháng trước, Minh cũng đã nhắn cho An những tin nhắn y hệt thế này. Lúc ấy, Minh vừa xong một khóa tu nghiệp ở Singapore thì dịch Covid-19 lan rộng. Ngày cưới cận kề nhưng còn nhiều việc chưa làm nên Minh vội vã bay về. Ngay cả kế hoạch đưa nhau đi chụp ảnh cưới cũng chưa thực hiện được. Ai ngờ, làm thủ tục nhập cảnh xong thì Minh phải vào khu cách ly. Ngày Minh kết thúc cách ly cũng là lúc ở quê dịch bùng phát mạnh. Khu xóm nơi gia đình An ở bị phong tỏa do có mấy người nhiễm bệnh... Hơn ba trăm tấm thiệp An viết xong chờ Minh về để cùng nhau đi gửi cho người thân, bạn bè cuối cùng phải nằm yên ở một góc bàn. Căn phòng riêng đơn sơ của An được bà ngoại nhờ người đến sơn sửa, trang hoàng cẩn thận, thay chiếc giường đơn bằng chiếc giường đôi, thêm cặp gối có thêu đôi chim phụng thật đẹp... đành khóa cửa để đấy.

Phải hoãn cưới một lần nên khi chuẩn bị... cưới lại, cả Minh và An đều cố gắng chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo. Thiệp cưới được thiết kế lại, đơn giản nhưng ấn tượng hơn. Phòng tân hôn được treo thêm hai chiếc đèn lồng, là sản phẩm truyền thống của gia đình Minh, mà theo An là “để người đi ở rể đỡ nhớ nhà”. Dịch giã yên rồi, danh sách khách mời được nới ra một chút. Tiệc cưới, thay vì tổ chức trong không gian khép kín của một nhà hàng ở phố, An và Minh quyết định tổ chức trên bãi cỏ ven sông gần nhà An, mênh mông trời mây sóng nước. Vậy mà!...

Đêm đầu tiên sau khi kết thúc việc chụp ảnh cưới ở Cù Lao Chàm trở về, cả An và Minh đều không ngủ được và tiếp tục mất ngủ nhiều đêm sau đó. Dịch Covid-19 đang trở lại, liệu có tước mất ngày vui của An và Minh một lần nữa hay không? Lần này, nếu không cưới nhau được thì chờ đến bao giờ, vì chỉ chừng ba tháng nữa là tới lượt An ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh... Bà ngoại An thì lo lắng ra mặt, ngày nào cũng đi ra đi vào, thở dài thở ngắn, hết hỏi hai đứa tính toán cưới xin ra sao rồi, lại hỏi bâng quơ con vi rút corona là đứa thế nào mà ghê gớm vậy?... Cho đến hôm dịch bùng phát mạnh, chính quyền quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, bà mới thôi than vãn. Thôi than vãn nhưng cứ ngồi thừ ra, lâu lâu lại khóc rấm rức. Sống với bà ngoại từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ An thấy bà nhiều nước mắt đến vậy. Bà luôn tỏ ra mạnh mẽ, quyết đoán, chu toàn trong mọi việc, chưa bao giờ để An phải lo nghĩ hay tủi buồn cho thân phận của một đứa con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ!

Tối hôm đó, bà ngoại bảo An gọi Minh đến. Thật lạ, mắt bà chợt ráo hoảnh. Mặt mày rạng rỡ, ngay đến những nếp nhăn xếp lớp trên gương mặt bà dường như cũng trở nên tươi tắn lạ kỳ. “Để ngoại kể cho hai đứa nghe chuyện này”. Mắt An và Minh sáng lên, thầm thì vào tai nhau. “Chắc là bà ngoại vừa nhờ người xem ngày lại, cho tụi mình cưới sớm hơn để... chạy dịch đó”. Nhưng rồi cả Minh và An đều ngớ người ra, vì sau tiếng e hèm lấy giọng, bà bắt đầu bằng một câu chuyện xưa rích. “Hồi đó đang chiến tranh, đám cưới của ông bà được tổ chức trong rừng...”.

Minh mới về nhận vai cháu rể gần tròn năm, chỉ nghe chuyện này vài lần. Riêng An, hơn hai mươi năm đêm nào cũng rúc vào ngực bà tìm giấc ngủ, đã được nghe kể chuyện cưới của ông bà đến thuộc lòng. Nhưng thay cho cái giẫy nãy đáng yêu “con thuộc hết rồi, để con kể giùm cho ngoại nhé”, lần này An lại sà vào lòng bà. “Ngoại kể đi, con nghe đây!...”. Ừ, lễ cưới dự định diễn ra vào buổi tối, một buổi tối đương mùa trăng. Chỉ có một ít bánh kẹo, một bó hoa rừng, tất cả được bày biện trên chiếc bàn tre xộc xệch. Buổi sáng, khi anh em trong đơn vị rủ nhau vào rừng tìm thêm ít rau, ra suối đánh cá thêm chút chất tươi cho tiệc cưới thì địch đổ quân đi càn. Không ai bị hề hấn gì nhưng lán trại và cả hôn trường bị san phẳng. Sáng hôm sau, khi tình hình ổn định cũng là lúc ông và bà phải lên đường đi công tác, mỗi người một hướng. Gần một năm sau đám cưới mới được tổ chức...

An ôm chầm lấy bà ngoại và hiểu ra mình phải làm gì.

Bốn ngày trước hôm dự kiến diễn ra đám cưới của An và Minh, từ sáng sớm nhà An đã có khách, khoảng bốn năm người. Đoàn khách xuất hiện ở đầu ngõ mang theo tiếng chuyện trò rổn rảng, lao xao. Không khó để nhận ra trong đó giọng nói vang mà ấm của chú Bảy chủ tịch xã. Sau khi trao tấm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho Minh và An, chú Bảy rút trong cặp ra một tờ giấy khác. “Tờ này của riêng cháu An, nhưng tôi xin trao cho cả nhà nghe”. Chưa đọc nhưng cả nhà đều biết đó là tờ quyết định tiếp nhận tình nguyện viên tham gia phục vụ ở khu cách ly phòng chống dịch Covid-19 dành cho An. Dang tay ôm vợ vào lòng, Minh nói với riêng An nhưng để cho mọi người cùng nghe: “Bắt đầu từ hôm nay, anh dọn đồ đạc sang đây ở, tiện cho việc chăm sóc bà ngoại, luôn tiện làm quen với không gian nhà vợ, lúc rảnh tranh thủ chạy vòng ngoài để hỗ trợ mọi người chống dịch. Anh từng được sống trong khu cách ly hai tuần nên có chút ít kinh nghiệm và từng trải qua những tình huống bất ngờ, khi nào cần em cứ gọi cho anh...”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạnh phúc trôi ngang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO