Nước mắt nào cũng về với biển...

PHAN THỊ QUẾ HÀ 24/05/2020 04:37

“Má! Má ơi…”. Nghe tiếng con gọi thất thanh trong đêm vắng, bà Nga giật mình tỉnh giấc, mồ hôi toát ra ướt đẫm cả lưng áo. Đêm nay cũng vậy, giấc mơ hãi hùng lại đến, đúng là tiếng con bà, đứa trẻ lìa xa cõi trần lúc mới gần bốn tháng tuổi. Bốn tháng tuổi khi no sữa nó cười, khi đói sữa lại khóc, chưa biết nói, nhưng lạ trong những giấc mơ nó lại biết cất tiếng gọi má? Tiếng gọi thảm thiết làm trái tim bà đau xé.

 

Những giấc mơ cũng đưa bà trở về với quá khứ xa xăm, quê hương bà thanh bình như bao nhiêu làng quê khác xứ Quảng, nằm trong vùng thượng lưu sông Thu Bồn đẹp long lanh như một dải lụa. Ký ức thời con gái bà từng theo cha ra sông nhìn núi, nhìn sông thấy cảnh trời đẹp lạ, bà hỏi: “Cha ơi núi sông này có từ bao giờ ạ?”. Cha xoa đầu con gái đáp: “Cha không biết, nhưng lớn lên cha đã thấy núi sông vậy rồi, nước từ thượng nguồn chảy tới đây tự dưng như dựng lại, sông cũng hẹp vào nơi vách đá, nhìn từ xa thấy sông như chọc thủng xuyên qua dãy núi mở đường đưa nước chảy về xuôi đổ ra biển cả”.

Nghe cha nói, bà có cảm giác như đang được nghe một câu chuyện cổ tích. Sông núi đẹp vô cùng, chỉ có nước, mây trời, vách đá dựng đứng và cũng không biết từ bao giờ người dân quê hương bà gọi tên địa danh này là Hòn Kẽm Đá Dừng? Người dân nơi đây hay hát ru cho con ngủ “Chứ ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi/ thương cha nhớ mẹ thì về/ nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”. Hai câu ca đó xuất hiện thời điểm nào không ai biết đích xác, nhưng âm sắc, ngữ điệu, lời ca đó chỉ có thể hình thành sau khi người Việt từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong theo chân Nguyễn Hoàng đến trấn thủ đất Quảng Nam.

Vùng đất này gắn liền với một truyền thuyết. Chuyện kể rằng, có một bà tên là Trà Linh, chị ruột của bà Thu Bồn. Nhưng lại có thêm dị bản, bà Trà Linh là chị chồng của bà Thu Bồn. Đó là khoảng vài trăm năm trước, bà Thu Bồn, không biết vì lý do nào bất ngờ bị kẻ thù sát hại, để tránh mối họa đến với mình, bà Trà Linh cùng những người thân chạy trốn, họ vượt núi, băng rừng đi về phía thượng nguồn dòng sông. Mấy ngày sau họ gặp dãy núi đá cao, nhìn thấy núi non hùng vĩ, đất đai màu mỡ, trên sông có nhiều tôm, cá nên dừng lại đây lập nghiệp.

Cái làng ấy một thời gian dài do bà Trà Linh làm thủ lĩnh, trở nên ấm no, hạnh phúc. Cuộc sống đủ đầy, nhưng để dân làng vui tươi, hàng năm cứ vào mùa xuân, bà Trà Linh cho tổ chức hội đua ghe trên sông. Bà Trà Linh mất vào mùa xuân, thương tiếc người thủ lĩnh nhân hậu, tài năng, người dân lấy tên bà đặt cho tên làng gọi là “Trà Linh”, rồi còn lập đền thờ tôn xưng bà là Thành hoàng của làng. Hàng năm vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, người dân sắm sửa lễ vật, dâng lên bà và tổ chức hội đua ghe để tưởng nhớ công lao to lớn của người.

Ký ức của bà Nga, luôn chìm đắm trong những câu chuyện như thực như mơ. Bà như bao cô thôn nữ khác của làng Trà Linh, đến tuổi trưởng thành hẹn hò rồi kết hôn. Năm mười bảy tuổi bà lấy chồng, rồi cứ vậy đẻ liền tù tì tới năm đứa con. Những đứa con của bà đứa nào cũng chắc nịch, đen nhẻm như con rái cá. Chúng lớn lên nhờ rau, trái trong vườn, lúa, khoai ngoài đồng, cá, tôm dưới sông. Gia đình hạnh phúc, yên vui là vậy! Nhưng năm 1967, lính Mỹ mở cuộc càn quét lớn đánh lên vùng Tây Quảng Nam, để dọn đường cho cuộc đổ quân, địch dùng máy bay ném bom, pháo binh bắn phá mở đường suốt nhiều ngày đêm, tàu chiến chở lính ngược sông Thu Bồn lên. Trên không, hàng chục chiếc trực thăng bay như ruồi nhặng ào ào đổ quân. Địch thâm độc tạo ra hai gọng kìm trên trời và dưới đất, vây hãm hòng tiêu diệt lực lượng quân Giải phóng.

Làng Trà Linh cũng nằm trong mục tiêu càn quét của địch, ba đứa con và người chồng của bà cùng nhiều người dân bị bom giặc sát hại, gia đình đông đúc, giờ đây chỉ còn ba mẹ con. Để tránh thiệt hại về người, du kích và bộ đội địa phương đưa dân làng rút hết lên rừng ẩn trốn vào Ba Hang. Ba Hang nằm lòng núi Đá Dừng, hang rộng và sâu có thể chứa mấy trăm người cùng lúc. Ba Hang có từ bao giờ không ai biết, nhưng người xưa kể lại, khi bà Trà Linh đưa người dân từ miền xuôi chạy sự truy lùng kẻ thù, đã thấy nó ở trong dãy Hòn Kẽm Đá Dừng rồi. Ba Hang vào mùa khô nhìn xuống lòng sâu thăm thẳm, sang mùa mưa nước từ ngoài mặt sông đẩy lên, nhưng lạ cũng chẳng thấy nó đầy nước bao giờ? Rừng nguyên sinh tầng tầng, lớp lớp, đứng trên đỉnh núi nhìn xuống chỉ thấy một màu xanh như biển, trập trùng sóng cây, lao xao tiếng gió, chính là tấm khiên lá, che chở cho Ba Hang luôn bình yên.

Năm đó, bọn giặc tràn vào Trà Linh, nhưng chỉ thấy nhà cửa hoang vắng không bóng người. Địch bắt đầu phong tỏa làng rồi giăng quân lùng sục khắp nơi. Bà vẫn nhớ như in, cái hôm ấy một tay bà bồng bế đứa con bốn tháng tuổi, tay kia kéo lê đứa con gái năm tuổi cùng dân làng sấp ngửa chạy vào hang. Cuộc càn của địch kéo dài nhiều ngày sau đó, nhưng chúng vẫn không phát hiện được đường vào Ba Hang. Tuy nhiên, điều nguy hiểm đối với dân làng lúc này không phải là bom đạn mà là lương thực, thực phẩm nuôi sống mấy trăm con người đang cạn dần. Lối ra duy nhất để duy trì sự sống là phải thoát ra ngoài, nhưng cửa hang đã bị địch chặn. Trong hang đã có nhiều người già bị bệnh, trẻ con khát sữa cũng bắt đầu kêu khóc, nhiều du kích liều mình thoát ra, nhưng họ có đi mà không có về.

Đứa con trên tay bà Nga khát sữa luôn khóc ngặt nghẽo, mỗi lần nó khóc bà lại cố nhét vội núm vú vào miệng thằng bé, nhưng vú bà lép kẹp, khô khốc nó lại nhả ra rồi khóc ré lên. Má nó một tay bế con, tay kia như muốn bóp nát cái vú, nhưng chẳng có một giọt sữa. Nó lại khóc ngặt nghẽo trên tay, quờ tay bíu chặt lấy bầu vú. Cái miệng tí xíu ngậm vào mút chùn chụt, nó ra sức rít, rồi nó lại nhè ra, khóc… Những đứa trẻ khóc, bởi bản năng sinh tồn, nhưng con bà còn nhỏ quá, nó đâu biết người mẹ của nó nhiều ngày nay không có hạt cơm vào bụng, chỉ uống nước cầm hơi. Tiếng khóc của thằng bé nghe như xát muối vào lòng bà. Tiếng khóc vọng vào hang sâu, đập vào vách đá, rồi theo gió bật trở ra ngoài cửa hang như một chiếc loa khổng lồ tỏa lan trên ngọn cây rừng hoang vắng.

Tiếng khóc làm hàng trăm ánh mắt dân làng đổ dồn nhìn vào mẹ con bà, dù không một ai nói gì. Nhưng bà đọc được trong những đôi mắt ấy một nỗi âu lo và hoảng sợ. Họ sợ tiếng khóc của con bà. Họ sợ tiếng vọng ấy bay ra bên ngoài, kẻ thù nghe được! Một bầu không khí ghê rợn, bao trùm cả hang. Giọng bà nghẹn ngào, thầm thì: “Con hãy tha lỗi cho má. Má nào muốn bỏ con. Nhưng phải cứu dân làng. Cứu dân làng!”. Tiếng của bà như vọng vào vách núi, lặng xuống lòng sông. Bà nhắm nghiền đôi mắt. Nước mắt tuôn ra dào dạt. Bà cố nín thở, trời đất tối sầm. Hai tay ép mạnh đầu đứa con vào bầu vú nhăn nheo, rồi khe khẽ cất lên tiếng ru: “Ầu ơ… chứ ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Bên ngoài tiếng súng địch bắn từng tràng nghe đanh chát, quét qua cửa hang phạt đứt cả những cành cây lớn rơi rào rào xuống đất. “… Ầu ơ… ầu ơ! … Nín, nín đi con …”. Đứa con bà không còn khóc nữa, nó không bao giờ khóc nữa...

Bà ngã dụi xuống, vẫn ôm chặt đứa con vào lòng...

Bao năm qua, bà khóc thầm trong đêm, bà đau xé tâm can và tội lỗi luôn ám ảnh. Cái cửa hang nơi bà dùng đôi tay cào xới đất cát đến tóe máu, làm hố vùi xác đứa con mình, bom đạn kẻ thù san phẳng không còn nhận ra được nữa. Rừng nguyên sinh ngày xưa dày đặc, tầng tầng, lớp lớp cũng biến mất. Dòng sông vẫn chảy, nước vẫn xanh… nhưng trong lòng người mẹ không có phút giây nào được bình yên. Có đêm bà mơ thấy con về, nó ôm bầu vú, mút móp méo cả đôi má, cười toe toét, nước mắt bà tuôn ra như suối. Bà sống nửa tỉnh nửa mê. Bà hóa điên, ngày ngày ôm chiếc khăn từng quấn con trai ngày xưa, đi khắp làng trên xóm dưới hát ru. Nhớ con, bà băng qua sông, đến Ba Hang để tìm con. Một cơn gió bất ngờ thổi qua quét vào vách đá, hút vào lòng hang sâu cũng bật lên tiếng kêu hu hú nghe xa xăm lạnh giá. “Má ơi… con khát, con đói và lạnh lắm…”. Tiếng con trai bà. Đúng là tiếng nó! Đôi chân bà run run, rồi bỗng dưng khụy xuống. Bà không còn đứng vững được nữa. Đầu óc bà quay cuồng, thân thể bà nhẹ bâng, rồi bà gục xuống. Hai tay bà ôm mặt, gào khóc: “Con tha lỗi cho má”. 

Ba Hang nay phù sa đã lấp đầy, những ụ, những vũng kéo dài ra tận mép nước toàn là cát. Trên vách đá dấu vết bom đạn Mỹ loang lổ làm núi biến dạng lồi lõm, nước từ trên cao nhỏ xuống trong veo thánh thót suốt ngày đêm. Từ trong vách đá từng giọt nước nhỏ xuống ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác, người dân đặt tên là “Nước Mắt”. Nó giống như cuộc đời bà, nước mắt của bà chảy ra thành suối, suối đổ về sông và sông nào cũng phải về với biển mẹ...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước mắt nào cũng về với biển...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO