Ăm ắp tình yêu quê xứ

BẢO ANH 23/12/2017 07:41

Sau hơn nửa năm triển khai, đợt đầu tiên trong 5 đợt (vào các năm 2017, 2019, 2021, 2023 và 2025) của chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam đã khép lại với những kết quả đáng phấn khởi.

Một số tác phẩm, công trình tham gia ứng tuyển chương trình hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam, đợt 1-năm 2017. Ảnh: B.ANH
Một số tác phẩm, công trình tham gia ứng tuyển chương trình hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam, đợt 1-năm 2017. Ảnh: B.ANH

Làm nổi “của chìm”

Với yêu cầu đề tài mang tính khu biệt rất rõ là “viết về Quảng Nam” nên khi triển khai thực hiện “Chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025”, đa số người trong cuộc đều dự đoán là số tác phẩm tham gia sẽ không nhiều. Suy đoán này càng được củng cố khi mà từ năm 2014 (thời điểm lần đầu tiên Quảng Nam thực hiện chính sách hỗ trợ công bố tác phẩm văn học viết về Quảng Nam) đến nay, năm nào giới cầm bút xứ Quảng cũng trình làng không dưới 10 tập sách, lượng bản thảo “đọng” lại để tham gia vào đề án lần này hẳn sẽ không nhiều. Trước những quan ngại này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đã có chỉ đạo quyết liệt và cụ thể: Chính sách này triển khai từ 2017 đến 2025 với 5 đợt xét; đợt đầu tiên có thể nhận được sự hưởng ứng không nhiều nhưng vẫn phải làm, làm một cách chặt chẽ và công bằng, để kích thích, gia tăng sức hấp dẫn cho những đợt sau.

Và rồi, thực tế đã không diễn ra như dự đoán trước đó. Chưa đầy 5 tháng kể từ khi công bố chính sách đến lúc kết thúc nhận bản thảo, đã có tới 32 tác phẩm văn học và 11 tác phẩm, công trình nghiên cứu được gửi về ứng tuyển; ngoài ra còn có gần 10 bản thảo khác bị “lỡ chuyến” do gửi về trễ hơn so với thời hạn quy định. Và, trong số hơn 40 tác giả gửi bản thảo tham dự đợt xét đầu tiên này, có những người chưa bao giờ xuất hiện với tư cách là một người làm văn chương hay một nhà nghiên cứu thực thụ. Bên cạnh các tác giả đang sinh sống, làm việc tại Quảng Nam, có khá nhiều người đang định cư tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... Đặc biệt, trong số các tác giả là hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Nam gửi bản thảo về ứng tuyển lần này, có cả những người “năm nào cũng ra sách”. Khi thông tin về các tác giả gửi bản thảo ứng tuyển được công bố, nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam thốt lên: “Tôi theo dõi công việc sáng tác của anh em khá kỹ, vậy mà không ngờ có những người lại sở hữu nhiều “của chìm” đến thế, mãi đến dịp này mới chịu bung ra!”.

Ăm ắp tình yêu quê xứ

Bên cạnh yêu cầu về chất lượng, “viết về Quảng Nam” cũng là tiêu chí tiên quyết và hết sức quan trọng của đề án hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam. Đó là một “đề bài” khó. Dù vậy, đáng mừng là hầu hết tác phẩm, công trình ứng tuyển đợt này bám khá sát các yêu cầu, tiêu chí đề ra; khá nhiều tác phẩm, công trình cơ bản đáp ứng được các yêu cầu,  nhất là về “chất lượng” và “Quảng Nam tính”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng - thành viên hội đồng thẩm định, cho biết ông rất ngạc nhiên, vui mừng và thích thú khi bắt gặp nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu có cách tiếp cận mới mẻ và sáng tạo; vừa sắc sảo, khoa học vừa mềm mại, nhân văn, qua đó khai mở được những vấn đề đáng lưu tâm về các trầm tích văn hóa xứ Quảng. Đó có thể là những mảnh ký ức, những kỷ niệm về một vùng đất, một di tích, một con người,... tuy đơn sơ nhưng lại mang chứa được những đặc trưng của xứ Quảng suốt dặm dài hình thành và phát triển, như trong các tác phẩm, công trình của Lê Thí, Hoàng Hương Việt, Nguyễn Hoàng Thân... Đó có thể là những câu chuyện lịch sử, những câu chuyện đời thường, những câu dân ca... không quá xa lạ nhưng lại đầy tính biểu trưng, độc đáo, riêng có của xứ Quảng, như trong các tác phẩm, công trình của Nguyễn Hải Triều, Võ Khoa Châu, Phan Vân Trình... Đó là những cuộc khảo cứu để tiếp tục khẳng định những giá trị đặc trưng, khu biệt của các vùng văn hóa, qua đó mạnh dạn đưa ra những dự báo và cả cảnh báo về các xu hướng tiếp biến và thay đổi, như trong các tác phẩm của Trần Văn An, Tống Quốc Hưng, Lê Bá Vương... Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng nhận định: “Các vùng văn hóa Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ... xưa nay đã được nhiều người cày đi xới lại, lần này lại tiếp tục được khai phá, ấy vậy mà vẫn mới, vẫn hay và hấp dẫn. Chừng ấy cũng đủ thấy những trầm tích vẫn còn rất nhiều và tình yêu quê xứ ở những người làm nghiên cứu tha thiết đến chừng nào”.

Trong khi đó, “chất Quảng” trong các tác phẩm văn học gửi về ứng tuyển lần này cũng đầy ăm ắp, dù rằng nó không thể cụ thể, đích xác đến từng chi tiết, con số, sự kiện như lĩnh vực nghiên cứu. Theo nhà thơ Phùng Tấn Đông - thành viên hội đồng thẩm định, dù phải tuân thủ theo yêu cầu của “đề bài” là “viết về Quảng Nam”, song nhiều tác phẩm văn học vẫn đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, thiết yếu của một tác phẩm văn chương và tất nhiên, còn phải có “tính Quảng”. Ở đó, một số tác giả thơ tỏ ra có nghề trong việc vận dụng ngôn ngữ địa phương, các hình ảnh, biểu trưng tiêu biểu của xứ Quảng, làm cho chúng trở nên lung linh và rất... thơ, như trong tác phẩm của Nguyễn Tấn Sĩ, Huỳnh Minh Tâm, Ngô Hà Phương, Đinh Huyền, Ngô Thị Thục Trang, Đỗ Tấn Đạt... Với văn xuôi, các tác giả Nguyễn Tam Mỹ, Nguyễn Tấn Ái, Nguyễn Bá Hòa... cũng tỏ ra rất khéo léo khi “nói về Quảng Nam” nhưng không thô, không lộ, bởi hầu hết hình ảnh, biểu trưng, địa danh mà họ lựa chọn đưa vào đều hoặc là mang tính đại diện hoặc đã được “mã hóa” thành hình tượng văn học. Cũng có không ít trường hợp, như trong tác phẩm của Lê Trâm, Nguyễn Thị Diệu Hiền, Mạc Ly... không gian, cảnh sắc, con người, địa danh Quảng Nam được đưa vào tác phẩm thật 100%, nhưng nhờ biết chọn lọc, lại tránh được lối viết liệt kê, kể lể và nhất là có sự ngưng lắng cảm xúc rất tốt, rất thật trong thể hiện nên những hình ảnh tưởng chừng trần trụi kia cũng trở nên lung linh, đẹp hẳn lên trong một dung mạo vừa quen vừa lạ. Đặc biệt, mảng đề tài chiến tranh cách mạng tưởng chừng khô khan, không ngờ lại hiện lên đầy hào sảng và cảm động, đầy đau thương và tự hào, giàu chi tiết và sống động. Các tác phẩm của Hồ Duy lệ, Phạm Thông ở mảng đề tài này đều rất phù hợp với bối cảnh lịch sử của một giai đoạn lịch sử cụ thể, có ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu tính Quảng với những con số, sự kiện nhiều người đã từng biết nhưng vẫn cứ mới và hấp dẫn.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ăm ắp tình yêu quê xứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO