Chặng đường của hồ sơ di sản

KHÁNH LINH 10/09/2019 10:08

Dù mỗi người một vị trí, công tác khác nhau, nhưng những đóng góp của họ vào danh hiệu Di sản văn hóa thế giới 20 năm trước đến nay vẫn nguyên giá trị và rất đáng trân trọng. Bởi, từ danh hiệu này đã mở ra một giai đoạn hồi sinh mạnh mẽ cho Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, đặc biệt trên lĩnh vực du lịch.

Hội An và Mỹ Sơn sau 20 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới đã có những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch.Ảnh: K.L
Hội An và Mỹ Sơn sau 20 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới đã có những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch.Ảnh: K.L

Dốc sức hoàn chỉnh hồ sơ

“Ý tưởng làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An thành Di sản văn hóa thế giới xuất hiện chính thức là từ sau ngày chia tách tỉnh (1997). Lúc bấy giờ Việt Nam đã có 2 Di sản thế giới là cố đô Huế và vịnh Hạ Long, mình thấy rằng sau khi được công nhận di sản thì kinh tế xã hội địa phương đó phát triển rất tốt, nhất là du lịch. Vì vậy, nếu Hội An, Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới chắc chắn sẽ mang đến những cơ hội không chỉ cho 2 di tích mà du lịch Quảng Nam cũng được hưởng lợi phát triển” - bà Hồ Thị Thanh Lâm - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (1997 - 2007) kể.

Theo bà Lâm, dù bấy giờ Quảng Nam đối diện nhiều khó khăn thiếu thốn như dịch bệnh, lụt bão, đói nghèo… nhưng UBND tỉnh vẫn xác định lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới cho Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là nhiệm vụ lớn, đồng thời chỉ đạo tập trung cao độ cho việc này. “Đối với Hội An việc lập hồ sơ không có gì khó khăn vì tư liệu còn lưu trữ nhiều, ngược lại, thông tin về Mỹ Sơn rất ít. Lúc này mình đề nghị Bộ VH-TT cử chuyên gia cùng hỗ trợ với địa phương. Theo đó, hồ sơ Mỹ Sơn do GS-TS.Trương Quốc Bình - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn bảo tàng (nay Cục Di sản) chấp bút; hồ sơ Hội An do PGS-TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn bảo tàng chấp bút, các thành viên của tỉnh lo bổ sung cứ liệu… Ròng rã 2 năm (1997 -1999) mới hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt, sau đó trình Ủy ban UNESCO - bà Lâm nhớ lại.

Lúc bấy giờ Ủy ban UNESCO cử đoàn sang giám sát, theo dõi việc xác lập hồ sơ cũng như đi thực tế địa hình nghiên cứu tại Hội An và Mỹ Sơn, hầu hết ủng hộ, duy chỉ có hai điều khiến đoàn phân vân là công tác phòng chống cháy nổ trong khu phố và lũ lụt ảnh hưởng đến Mỹ Sơn; phía Việt Nam tiếp tục bổ sung hồ sơ, đồng thời cam kết về các phương án phòng cháy chữa cháy, cuối cùng Ủy ban UNESCO cũng đồng ý hồ sơ của Hội An và Mỹ Sơn.

 

Ông Hồ Xuân Tịnh (nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL) lúc này là cán bộ Bảo tàng Quảng Nam – Đà Nẵng nhớ lại: “Chuẩn bị hồ sơ khoa học cho Khu đền tháp Mỹ Sơn tôi và họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ được giao lo phần thực hiện các bản vẽ, đây là công việc khá khó khăn, mất nhiều thời gian, tuy nhiên nhờ các bản vẽ của H.Parmentier (Pháp) để lại và một số bản vẽ kỹ thuật của các cán bộ Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích Trung ương nên công việc được thực hiện đúng thời gian yêu cầu. Tôi còn phải viết nội dung di tích, phần kịch bản và lời bình cho phim tư liệu theo yêu cầu của hồ sơ. Đặc biệt, khi mình trình hồ sơ, UNESCO yêu cầu bổ sung một bản báo cáo về mối quan hệ giữa núi Ngọc Linh, Khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An qua dòng sông Thu Bồn. Ông Trương Quốc Bình đã gọi điện đề nghị tôi gấp rút thực hiện, và tôi đã làm một chuyến khảo sát tốc hành dọc sông Thu Bồn, khoảng 2 tuần sau bản báo cáo đã hoàn chỉnh và gửi hỏa tốc ra Hà Nội kịp thời bổ sung hồ sơ di sản Mỹ Sơn”.

Góp sức vì di sản

Bà Hồ Thị Thanh Lâm nhìn nhận, để hoàn chỉnh bộ hồ sơ về Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO chấp nhận, có sự đóng góp công sức khá lớn của nhiều tổ chức cá nhân. Tuy vậy, nếu chọn người có đóng góp lớn nhất phải nói đến vai trò của cố KTS người Ba Lan Kazimier Kwiatkowski (Kazik). Bởi nếu không có những tư liệu và quá trình nghiên cứu của KTS. Kazik tại Hội An và Mỹ Sơn giai đoạn 1980 – 1994 thì việc  hoàn thiện hồ sơ sẽ còn gặp nhiều vất vả. “So với Hội An, hồ sơ của Mỹ Sơn khó khăn hơn nhiều, bởi các tháp gần như không còn nguyên vẹn, nên mình phải đi các nơi tìm kiếm tư liệu. Tuy nhiên, hồ sơ Mỹ Sơn có thuận lợi rất lớn là nhờ các nghiên cứu của KTS. Kazik để lại, đây là những cơ sở quan trọng để mình lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới đối với Mỹ Sơn” - bà Lâm nói.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&TDTT, ngoài cố KTS. Kazik, việc lập hồ sơ di sản cho Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn còn có sự đóng góp rất lớn từ nhiều nhà nghiên cứu khoa học, điển hình như cố GS.Trần Quốc Vượng, GS.Lâm Mỹ Dung, đây là những người đi trước và thấy được giá trị của những di tích này, từ đó đã định hướng, tư vấn, giúp Quảng Nam làm hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa thế giới. “Một năm GS.Trần Quốc Vượng, GS.Lâm Mỹ Dung vào Quảng Nam 3 - 4 đợt, mỗi lần đều đề nghị chúng tôi đưa đi Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm. Ngược dòng lịch sử chúng ta cũng cần vinh danh ông Hồ Nghinh khi không đồng ý việc ngăn dòng Khe Thẻ làm đập nước, nếu không bây giờ sẽ chẳng còn Mỹ Sơn; hay các thế hệ lãnh đạo ở Hội An như ông Nguyễn Sự…” - ông Tuấn chia sẻ. Ngoài ra, còn phải kể đến các cá nhân như GS-TS.Đặng Văn Bài, PGS-TS.Trương Quốc Bình, PGS-TS.Nguyễn Quốc Hùng…

Đóng góp của bà Hồ Thị Thanh Lâm, ông Nguyễn Đức Tuấn, từng được ví như những người “đi tiếp thị di sản”. Hai người đã từng “gõ cửa” gặp trực tiếp 21 đại sứ quán các nước ủy viên thường trực Ủy ban UNESCO để trao đổi thông tin, thuyết phục các nước này ủng hộ, kể cả ra Hà Nội tổ chức gặp mặt 50 đại sứ quán tại đây nhằm vận động ủng hộ Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới. Hay quá trình đàm phán, thuyết phục đầy kiên trì của bà Hồ Thị Thanh Lâm và đoàn đại biểu Việt Nam do ông Trương Quốc Bình làm trưởng đoàn tại Morocco với đoàn Hungari về tên gọi chính thức cho di sản Mỹ Sơn là “Khu đền tháp Mỹ Sơn” thay vì “Khu thánh địa Mỹ Sơn” như yêu cầu từ phái đoàn này trước khi UNESCO thông qua danh hiệu di sản cho 2 địa danh của Quảng Nam. “Khi được biểu quyết công bố thì gần như các đại biểu trong hội trường đều đến bắt tay đoàn Việt Nam, cảm xúc lúc đó mừng đến rơi nước mắt. Mặc dù khi xây dựng hồ sơ mình tin tưởng, nhưng không tưởng tượng 2 di sản sẽ được công nhận cùng một lúc, đây là điều hiếm hoi không chỉ Việt Nam mà trên thế giới lúc đó” - bà Lâm nhớ lại...   

Sau 20 năm, danh hiệu di sản đã mang đến cho Hội An và Mỹ Sơn một diện mạo mới. Thông qua du lịch đời sống, sinh kế của người dân thay đổi mạnh mẽ, bức tranh kinh tế xã hội địa phương trở nên sáng sủa hơn. Đặc biệt, Hội An đã trở thành hình mẫu thành công trên thế giới về bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản. Có được thành tựu này là những đóng góp cả công khai lẫn âm thầm của nhiều cá nhân, tập thể, những nhà nghiên cứu khoa học, cộng đồng người dân. Tất cả đều xứng đáng được tôn vinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chặng đường của hồ sơ di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO