Bạn bè các nước chung tay vì di sản

KHÁNH LINH - LÊ QUÂN 12/09/2019 10:35

Hợp tác quốc tế đã không còn xa lạ với Quảng Nam. Đặc biệt, tại Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, từ bảo tồn đến phát huy giá trị di sản, phát triển kinh tế đều có sự góp mặt của các tổ chức, các cá nhân ngoại quốc...

Các chuyên gia quốc tế tham gia hoạt động hợp tác bảo tồn tại Mỹ Sơn.Ảnh: K.L
Các chuyên gia quốc tế tham gia hoạt động hợp tác bảo tồn tại Mỹ Sơn.Ảnh: K.L

HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG BẢO TỒN

Qua 20 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An hưởng lợi rất nhiều từ các dự án hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn trùng tu di tích.

Đồng hành với di sản

Sau hơn 120 năm từ khi người Pháp phát hiện đến nay, Khu đền tháp Mỹ Sơn đã phần nào lấy lại dáng vẻ ban đầu. Có được thành tựu này không thể bỏ qua những đóng góp vô cùng quan trọng của các chính phủ, tổ chức, cá nhân đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, sự hợp tác quốc tế đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 phải kể đến việc cố kiến trúc sư Kazimier kwiatkowski (1944-1997) thuộc Cơ quan Liên hiệp Xí nghiệp bảo tồn di tích Ba Lan tới làm việc tại Mỹ Sơn giai đoạn (1980-1994) hỗ trợ gia cố chống đỡ các tháp D1, D2.

Và, dấu ấn nổi bật nhất phải kể đến dự án của tổ chức Lerici Foundation (Ý) thông qua UNESCO bắt đầu thực hiện chương trình thông tin địa lý (GIS) cho di sản Mỹ Sơn năm 1998. Tiếp sau đó là trực tiếp thực hiện các giải pháp bảo tồn nhóm tháp G (2003 - 2014) theo phương pháp trùng tu khảo cổ học, tái định vị từng phần công trình. Giai đoạn này đã có sự thay đổi khác biệt về vật liệu trùng tu, thể hiện ở việc sử dụng gạch mới, vữa vôi và nhựa cây dầu rái thay thế xi măng mà hai giai đoạn trước người Pháp và Ba Lan đã sử dụng. Cùng với đó, công tác khảo cổ học và tư liệu hóa hiện vật, tư liệu hóa các công trình kiến trúc tại khu G cũng được thực hiện. Đặc biệt, qua dự án đã giúp đào tạo thành công đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, công nhân trùng thu di sản tháp Chăm lành nghề và chuyên nghiệp…

Kế thừa những kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của dự án trùng tu nhóm tháp G, từ năm 2016 đến nay các chuyên gia Ấn Độ thuộc Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đã thực hiện khảo sát, khai quật khảo cổ học các công trình thuộc 3 nhóm tháp A, K, H, bước đầu mang đến một số kết quả đáng ghi nhận khi đã hoàn thành trùng tu hai nhóm tháp K và H. Ngoài ra, có thể kể đến việc hợp tác với các tổ chức như UNESCO, JICA (Nhật Bản), tổ chức American Express (Hoa Kỳ)...

Tại TP.Hội An, hợp tác quốc tế được xem là yếu tố không thể thiếu trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phố cổ nhiều năm qua, nhất là trong hợp tác, trao đổi kỹ thuật. Báo cáo của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, mỗi năm đơn vị đón tiếp, hỗ trợ hàng chục tình nguyện viên và đoàn khách nước ngoài đến tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và bảo tồn di sản. Cụ thể, đã tiếp nhận, hợp tác với khá nhiều dự án, chương trình từ các chính phủ và tổ chức quốc tế như Quỹ Đại sứ Canada, Quỹ Đại sứ Hoa Kỳ, Quỹ Công chúa Hà Lan, Quỹ JICA Nhật Bản, Tổ chức DED và GIZ của Đức, Hội châu Á Hoa Kỳ, UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội…

Duy trì bền vững

Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn. Điều đó không chỉ thể hiện ở hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật mà còn rất hiệu quả trong trao đổi chuyên môn, hỗ trợ đào tạo, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, thông qua hợp tác quốc tế, nhất là sự hỗ trợ của các chuyên gia Ý tại dự án bảo tồn nhóm tháp G đã đóng góp rất quan trọng vào công tác bảo tồn Khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong đó, việc áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào bảo tồn di tích, nhất là nghiên cứu và áp dụng thành công các vật liệu truyền thống vào trùng tu, trưng bày, đào tạo nhân sự... đã mang đến những thành công nhất định cho di tích. “Thông qua hợp tác quốc tế mình nhận được nhiều hỗ trợ, nhất là kinh phí. Bởi việc trùng tu di sản đòi hỏi về kiến thức, kỹ thuật cao cũng như nguồn kinh phí tương đối lớn nên rất cần chuyên gia quốc tế cũng như nguồn kinh phí tài trợ từ nước ngoài” - ông Hộ nhìn nhận.

Qua 20 năm, tổng nguồn tài trợ từ nước ngoài dành cho Mỹ Sơn đã hơn 130 tỷ đồng. Tiêu biểu như dự án Nhà trưng bày, nghiên cứu giới thiệu Mỹ Sơn do JICA tài trợ (40 tỷ đồng);  Dự án tu bổ nhóm tháp G Mỹ Sơn, tổng kinh phí 27,656 tỷ đồng; Dự án bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn do Ấn Độ tài trợ với tổng kinh phí 58 tỷ đồng... Ngoài ra, sự hợp tác còn thể hiện trên các lĩnh vực bảo vệ cảnh quan, sinh thái, môi trường; phòng chống cháy rừng; rà phá bom mìn;  xử lý chất độc hóa học…

Tại TP.Hội An, ngay từ những năm 1990 sự hợp tác đã được chính phủ và các tổ chức quốc tế, trường đại học Nhật Bản triển khai, thể hiện ở các chương trình hợp tác nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, tu bổ di tích và quảng bá, nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên môn địa phương… Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định, hiệu quả tích cực nhất trong hợp tác quốc tế của Hội An với các tổ chức, cá nhân nước ngoài chính là đào tạo cán bộ chuyên môn; nhiều cán bộ kỹ thuật Hội An đã học tập được từ chuyên gia các nước đến làm việc, nghiên cứu tại Hội An, qua đó tạo điều kiện nâng cao năng lực, nhận thức và kinh nghiệm mình.

Cũng là người có thời gian khá dài làm việc trong ngành văn hóa và bảo tồn di tích, theo ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An, thành công nhất của hợp tác quốc tế chính là đã giúp nâng cao kỹ năng và nhận thức của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và người dân địa phương, nhất là kinh nghiệm về trùng tu các kiến trúc gỗ. Đặc biệt, qua hợp tác quốc tế, uy tín của Hội An, Quảng Nam ngày được nâng lên giúp hình ảnh địa phương và quốc gia được quảng bá tốt hơn ra bên ngoài cũng như trong cộng đồng Di sản văn hóa thế giới.

NHỮNG CÔNG DÂN ĐẶC BIỆT

Bén duyên với vùng đất di sản và chọn ở lại để cùng “góp một bàn tay” dựng nên những giá trị đặc biệt. Họ được gọi là “công dân đặc biệt”.

Các cá nhân, tổ chức được vinh danh tại Hội An vì đã có nhiều đóng góp cho thành phố. Ảnh: X.H
Các cá nhân, tổ chức được vinh danh tại Hội An vì đã có nhiều đóng góp cho thành phố. Ảnh: X.H

FEDERICO BAROCCO - nhà khảo cổ học người Ý, thi thoảng trong cuộc đối thoại bằng tiếng Việt phải chêm vài từ tiếng Ý và tiếng Anh để diễn tả hết ý muốn nói. Đưa cả gia đình về Hội An sinh sống, còn phần mình, Federico vẫn đam mê tìm kiếm những giá trị ẩn sâu dưới lòng đất. Quỹ Lerici - nơi đã góp những viên gạch đầu tiên cho việc đào tạo một thế hệ kế cận, cũng là nơi Federico làm việc, có những người đặc biệt như anh.

Tuy không chọn ở lại hẳn Việt Nam, nhưng họ vẫn đi về Việt Nam, Quảng Nam mỗi năm vài lần. Đó là nữ tiến sĩ Patricia Zolese, là Mara, là giáo sư Mauro... Mỗi viên gạch tại Khu đền tháp Mỹ Sơn là mỗi sự nâng niu, trân quý mà họ dành như trọn thanh xuân để nghiên cứu. Những con người này, sự hiểu biết về nền văn minh đã hiện diện từ nghìn năm trên đất Quảng, đôi khi còn nhiều hơn cả những cư dân bản địa. Và cũng chính từ họ, có lẽ vậy, đã truyền được tình yêu vô cùng với vốn quý văn hóa của địa phương đến lớp người đang sinh sống tại chính những vùng đất sở hữu vốn liếng quý giá này.

Mùa xuân trước, bà Reiko Usuda - Giám đốc Quỹ Tani Toshiko thêm một lần trong cuộc đời mình ở lại ăn tết Việt. Không xa lạ với cư dân Hội An, cũng như rất nhiều những đứa trẻ bất hạnh của Quảng Nam - Đà Nẵng, người phụ nữ này dựng quán cà phê, dạy những đứa trẻ về cách pha chế, cách yêu thiên nhiên, cách một người Nhật tôn trọng vùng đất họ đang sinh sống.

Tròn 10 năm ở tại Hội An, cùng những bạn bè của mình, bà Reiko đã có rất nhiều hoạt động về môi trường, như tổ chức hệ thống xử lý nước thải cũng như tìm cách cải thiện chất lượng nước tại Hội An. Ngoài ra, việc vận động xe đạp tặng trẻ em nghèo ở Quảng Nam và Đà Nẵng được bà thực hiện liên tục hằng năm, với tổng số lượng xe trao tặng đã lên đến hơn 10.000 chiếc. Cũng lặng lẽ như người phụ nữ này, là gần 10 người Nhật Bản khác đang chọn Hội An để ở lại, như Genta, Kana... từng ngày một, họ góp sức mình cho vùng đất di sản.

Và còn rất nhiều những công dân ngoại quốc khác, từ Anh, Mỹ, Hà Lan, Đức... bằng tài năng và lòng nhiệt thành của mình, góp thêm những tác phẩm nghệ thuật, những ý tưởng để cùng một mục tiêu chung: Vì di sản ngày một đẹp hơn.

ĐỐI NGOẠI VĂN HÓA

Quảng bá hình ảnh, truyền thông sự kiện bằng những cuộc hội lễ mang tính chất kết nối..., tạo nên hiệu quả tích cực với câu chuyện đối ngoại văn hóa tại hai khu di sản.

Các nghệ nhân Nhật Bản biểu diễn trống trong Chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ XVI - 2018. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các nghệ nhân Nhật Bản biểu diễn trống trong Chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ XVI - 2018. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tinh thần “mở cửa”

Tháng 8 hằng năm, những người Nhật từ các vùng của xứ sở hoa anh đào lại khăn gói tìm đến Hội An. Ông Takeshi Hirohata - Chủ nhiệm Tổ chức Tokyo Shirubarkai Nhật Bản nói, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã gắn bó thân thiết từ nhiều năm nay. Thậm chí hiện nay tại Hội An có đến hơn 10 người Nhật Bản chọn ở lại và góp sức cho thành phố này. Họ được gọi là những “công dân đặc biệt”.

Và Hội An, với tính chất là vùng đất mở ngay từ thuở xưa, với sự tụ hội của nhiều giá trị văn hóa, từ Việt, Chăm, Hoa, Nhật, bây giờ đã kế thừa ở mức tốt nhất tinh thần ấy. Người Hội An vẫn luôn mở cửa để đón nhận những tinh hoa mới, từ chính những cư dân chọn Hội An làm nơi ở lại lâu dài hay từ các thành phố kết nghĩa trên khắp thế giới. Rất nhiều thành phố ở các quốc gia khác, Hội An đều có thể tổ chức những ngày hội văn hóa ngay trên lãnh thổ họ hay ở chính vùng đất của mình. Việc hợp tác đối ngoại của Hội An nhiều năm qua luôn sôi nổi trên nhiều lĩnh vực, từ văn hóa, du lịch đến đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, tiếp nối tinh thần “mở cửa” từ xưa, hiện tại Hội An đã kết nghĩa, hay có rất nhiều dự án hợp tác về văn hóa, đối ngoại với các thành phố lớn khác của các quốc gia từ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí từ châu Âu như Đức, Phần Lan…

Hợp tác để bảo tồn di sản, đưa những giá trị văn hóa truyền thống quảng bá rộng rãi đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế tìm đến Quảng Nam. Nhiều cơ hội về xúc tiến, hợp tác quốc tế ngay trên lĩnh vực văn hóa, bắt đầu từ câu chuyện xác lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới cho Hội An và Mỹ Sơn, đến những lễ hội mang tính chất ngoại giao tại Hội An hay thậm chí đã lan rộng đến nhiều địa phương khác trong tỉnh. Đã có hàng loạt tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ chọn Quảng Nam để đầu tư phát triển văn hóa, bảo tồn kiến trúc di sản, kích hoạt xây dựng du lịch cộng đồng...

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức UNESCO, JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Ý), America Exress (Hoa Kỳ). Nhiều dự án bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch được đề ra, điển hình như “Xây dựng chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam”, “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam,” “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”…

Hợp tác để phát triển

ILO đồng hành

Là một đơn vị uy tín gắn bó lâu năm với sự phát triển của Quảng Nam, ngoài việc hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) còn đồng hành đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy việc phát triển du lịch bền vững ở vùng phụ cận di sản. Nâng cao đời sống cộng đồng vùng ven di sản dựa vào du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm là một trong những ưu tiên của ILO. Trong giai đoạn 2013 - 2017, với sự hỗ trợ đắc lực từ các chuyên gia của ILO, hai làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên) và Triêm Tây (Điện Bàn) đã ra đời giúp người dân nghèo nơi đây có thêm một sinh kế để thay đổi cuộc sống. Thông qua ILO, những cư dân địa phương đã lần đầu tiếp cận được với các khái niệm “thương lượng và đàm phán trong kinh doanh”, “lập kế hoạch trong kinh doanh”, “nâng cao nhận thức trong kinh doanh và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch”… Đối với Hội An, nơi du lịch đã có được nền tảng và phát triển mạnh mẽ theo thời gian, ILO tập trung hỗ trợ các giải pháp tháo gỡ khó khăn bằng các chương trình tập huấn, hội thảo thiết thực thông qua đơn vị đầu mối là Hiệp hội Du lịch Quảng Nam. Các chương trình tập huấn được ILO hỗ trợ thường xuyên thời gian qua cho du lịch Hội An tập trung vào tăng cường năng lực nhân sự ngành du lịch địa phương, vướng mắc của dịch vụ lưu trú, tiếp cận công cụ để bán phòng qua mạng… (QUỐC TUẤN)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn văn hóa, từ nhiều năm qua, việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được coi trọng, đồng thời nhận được sự giúp đỡ ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế. Quảng Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và bạn bè quốc tế, từ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Nam quy mô cấp quốc gia, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 đến Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản thường niên, Hội nghị cấp cao Quảng Nam - Sê Kông, Ngày Hàn Quốc tại Quảng Nam...

Trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, Quảng Nam tiếp tục xác định hội nhập quốc tế sâu rộng, sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài, giữ vững và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hợp tác quốc tế, đối ngoại văn hóa để cùng hướng đến một nỗ lực chung trong việc gìn giữ những di sản quý báu của địa phương, là cách Quảng Nam đã và đang làm để xác lập vị trí và tương lai của di sản... Và, câu chuyện hợp tác quốc tế sẽ còn tiếp tục được duy trì với hàng loạt dự án văn hóa mới đang bắt đầu khởi động tại Quảng Nam.

Chính những hoạt động với sự kết nối từ các quốc gia trên thế giới tại Quảng Nam đã tạo ra chiếc cầu nối hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nước ngoài nghiên cứu và tham gia bảo tồn di sản của địa phương. Mở ra cơ hội hợp tác quốc tế cho các vùng đất di sản, cũng chính là tạo ra “cơ hội vàng” để cải thiện trình độ tay nghề lẫn tri thức trùng tu. Chính sự hợp tác trong bảo tồn đã giúp Hội An lẫn Mỹ Sơn đào tạo được nhiều chuyên viên, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu được công tác bảo tồn di tích như thế nào, mang tính khoa học ra sao. Và cũng từ những sự kết nối này, hình ảnh một Hội An hay Mỹ Sơn đã đi xa trên phạm vi toàn cầu, góp phần kích cầu du lịch từ nhiều thị trường khác nhau.

Tròn 20 năm sau ngày được định danh Di sản văn hóa thế giới, hẳn điều thành công của ngành văn hóa, ngoài việc xác lập giá trị của di sản văn hóa trong công cuộc phát triển kinh tế, thì sự quan tâm, đầu tư và những cơ hội hợp tác quốc tế chính là dấu son trong hành trình đáng quý này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bạn bè các nước chung tay vì di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO